Chúng ta

CTO Neopost: ‘Chọn FPT từ hơn 100 đối tác toàn cầu’

Thứ năm, 27/4/2017 | 21:26 GMT+7

Trong sự kiện tại Pháp, Giám đốc Công nghệ Neopost, khách hàng lớn đầu tiên của FPT Software, tiết lộ FPT đã vượt qua hàng trăm đối thủ trên thế giới để trở thành đối tác của hãng.

“Sau khi lựa chọn hơn 100 tên tuổi cung cấp dịch vụ từ khắp nơi trên thế giới, cuối cùng Neopost đã chọn FPT để đi cùng mình vào năm 2007”, ông Jerome Modolo, Giám đốc Công nghệ của tập đoàn Neopost, tiết lộ. “Nhờ sự hợp tác cùng FPT mà năng lực cạnh tranh chúng tôi được đẩy cao hơn, chi phí giảm và chất lượng dịch vụ ổn định hơn. Năm 2017 là kỷ niệm 10 năm gắn bó với FPT Software và Neopost vẫn tiếp tục tin tưởng cho những năm tiếp theo”.

fpt-phap-1-7645-1493298681.jpg

CTO Neopost Jerome Modolo chia sẻ trong phần thảo luận. Neopost là công ty đa quốc gia hoạt động chính trong lĩnh vực xử lý thư tín và logistic. Đứng vị trí số một tại châu Âu và thứ hai trên thế giới về các giải pháp xử lý thư tín, Neopost hiện diện tại 18 quốc gia, cung cấp sản phẩm và dịch vụ trên thị trường của hơn 90 nước. Ảnh: Hoàng Nam Tiến.

Neopost là khách hàng lớn đầu tiên của FPT Software, đồng thời, Neopost ORDC (NORDC) cũng là một trong những site lớn nhất của Neopost tính đến nay. Từ đối tác quan trọng này, cũng như thông qua những mối quan hệ với các tập đoàn quốc tế, FPT Software từng bước thâm nhập thị trường châu Âu và có sự trưởng thành nhanh chóng.

Hiện tại, FPT không chỉ cung cấp dịch vụ cho Neopost ở châu Âu mà còn hỗ trợ phát triển, đưa những sản phẩm dịch vụ của Neopost ra thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.

Chia sẻ của Giám đốc Công nghệ của tập đoàn Neopost diễn ra trong Hội thảo với chủ đề “Việt Nam và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 - FPT với mô hình hợp tác win-win cho các đối tác Pháp” diễn ra ngày 26/4, tại Paris, do FPT phối hợp cùng IE-Club và Tập đoàn La Poste tổ chức. 

Sự kiện có sự tham dự của Đại sứ Việt Nam tại Pháp, ông Nguyễn Ngọc Sơn; lãnh đạo La Poste và gần 150 lãnh đạo các tập đoàn lớn, các start-up tại Pháp.

fpt-phap-2-5469-1493298681.jpg

Sự kiện diễn ra ngày 26/4 tại khán phòng Ayditorium của Tập đoàn La Poste ở số 9 rue du Colonel Pierre Avia, 75015 Paris, có sự tham gia của lãnh đạo La Poste, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn. Đoàn FPT có Chủ tịch Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến, CTO Phần mềm FPT Trần Huy Bảo Giang và GĐ thị trường Pháp Ngô Duy Khang.

Theo anh Ngô Duy Khang, đây là cơ hội hiếm có để FPT giới thiệu với khách hàng Pháp những công nghệ và nền tảng mà tập đoàn đang thực hiện cho các đối tác trên toàn cầu.

Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Đại sứ Việt Nam bày tỏ, công nghệ là một trong sáu mũi nhọn mà Pháp và Việt Nam mong muốn hợp tác. Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Chính phủ Việt Nam cũng mong muốn đào tạo ra được mỗi năm 1 triệu lập trình viên để có thể bắt kịp cuộc cách mạng này. Đại sứ cũng đánh giá cao sự hiện diện của FPT tại Pháp trong việc thúc đẩy mối quan hệ mạnh mẽ hơn giữa hai nước. Đại sứ mong muốn rằng việc hợp tác giữa các doanh nghiệp Pháp với FPT được thành công và phát triển mạnh mẽ.

Ông Philippe Wahl, Chủ tịch La Poste, cho biết, đây là lần đầu tiên tập đoàn vinh dự đón tiếp Đại sứ Việt Nam cũng như tổ chức một buổi hội thảo riêng về Việt Nam. “Việt Nam là một trong những bước đi quan trọng trong định hướng phát triển của La Poste tại khu vực châu Á”, ông Philippe Wahl nhấn mạnh và cho hay, về mặt công nghệ, Việt Nam cũng đang có những bước phát triển mạnh mẽ và FPT là một trong những mũi nhọn tiên phong.

fpt-phap-3-9557-1493298681.jpg

Chủ tịch La Poste mong muốn được hợp tác nhiều hơn nữa và những buổi hội thảo thế này giúp được đôi bên hiểu nhau hơn và đẩy mạnh hơn việc hợp tác cùng với nhau. Ảnh: Hoàng Nam Tiến.

Cũng tại sự kiện, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình khẳng định, FPT mong muốn hợp tác cùng với các doanh nghiệp của Pháp để thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. FPT đang hợp tác cùng các đối tác công nghệ lớn như IBM, Microsoft, GE Digital, Siemen, AWS để tào tạo nhiều hơn nữa nguồn nhân lực mới cho cuộc cách mạng này.

Anh Ngô Duy Khang, Giám đốc thị trường Pháp của FPT Software, đã giới thiệu 3 mô hình hợp tác win–win của FPT với các khách hàng/đối tác tại Pháp gồm: mô hình ủy thác dịch vụ phần mềm (Software Outsourcing); mô hình nhà máy ứng dụng cho dịch vụ chuyển đổi số (App Factory for Digital Transformation Team) và mô hình cùng nghiên cứu và phát triển sản phẩm cho thị trường Việt Nam. Các mô hình này đã được FPT thực hiện thành công với một số khách hàng lớn tại Pháp như Neopost, Airbus, Telespazio….

Minh chứng từ người trong cuộc, ông Henri De Foucauld, PTGĐ phụ trách chiến lược và an ninh của Telespazio, công ty con của tập đoàn Thales, tới tham dự và chia sẻ kinh nghiệm làm việc với Việt Nam và FPT. Ông Henri De Foucauld cho rằng, với Telespazio, đó là sự hợp tác win-win mà ở đó FPT cùng Telespazio phát triển các giải pháp xử lý ảnh vệ tinh cho các vấn đề xã hội ở Việt Nam như quản lý rừng, tài nguyên nước, quản lý nước, cảnh báo ô nhiễm… “Sau khi đã đánh giá nhiều đối tác, Telespazio đã chọn FPT như là đối tác chiến lược cho việc phát triển dịch vụ viễn thám ở châu Á”. 

fpt-phap-4-3904-1493298681.jpg

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình sẽ chia sẻ thông tin về tiềm năng nền CNTT và những bước đi của FPT trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Ảnh: Hoàng Nam Tiến.

Theo Giám đốc dự án chuyển đổi số của một hãng sản xuất máy bay hàng đầu châu Âu, câu chuyện hợp tác với FPT “là một sự ngẫu nhiên vì đối với chúng tôi, Việt Nam chưa bao giờ có suy nghĩ”. Tuy vậy, tháng 7/2016, nhờ sự viếng thăm của phái đoàn FPT dẫn đầu là anh Trương Gia Bình ông mới biết tới Việt Nam và FPT.

Ông tiết lộ. “Các dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện và đạt được rất nhiều kết quả tốt. Chúng tôi tin tưởng FPT sẽ là một đối tác tốt và tiềm năng để hợp tác trong thời gian tới”.

Giám đốc thị trường Pháp nhận định, hội thảo diễn ra khá thành công với gần 150 người tham dự, đánh dấu việc hợp tác mạnh mẽ hơn giữa hai nước Việt Nam và Pháp nói chung và FPT với tập đoàn La Poste nói riêng. "Sau hội thảo, các giám đốc công nghệ, giám đốc kỹ thuật của La Poste cũng như các start-up có cái nhìn mới hơn về Viêt Nam nói chung và FPT nói riêng. Mọi người đều mong muốn thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác giữa hai bên", anh Khang chia sẻ.

Tại châu Âu, FPT hiện có văn phòng tại Đức Essen và New-Isenburg, Pháp và Slovakia. Tổng nhân sự FPT ở trời Âu là gần 300 người. Mốc tăng trưởng năm 2017 của FPT tại châu Âu là 28%, tương ứng khoảng 35,5 triệu USD.

IE-Club là câu lạc bộ mà các thành viên tổ chức là những người có kinh nghiệm từ các tập đoàn lớn và mong muốn hỗ trợ các start-up để phát triển hoặc kết nối với hệ thống mạng lưới của các tập đoàn lớn. IE-Club cũng giúp các tập đoàn lớn tìm kiếm những start-up về công nghệ để bổ sung hơn nữa giá trị gia tăng cho các tập đoàn này. IE-Club phần lớn được tài trợ bởi các tập đoàn lớn như La Poste, Total, Orange… IE-Club có mặt ở Boston, Montreal, Aviv, Paris và cũng mong muốn mở ở Việt Nam để có thể hỗ trợ kết nối các start-up cũng như các tập đoàn lớn với nhau. 

>> FPT hoà hơi nóng cách mạng công nghiệp 4.0 tại Hannover Messe 2017

Nguyên Văn

Ý kiến

()