Chúng ta

'Công phá' sự cố định nhận thức để sáng tạo

Thứ bảy, 26/4/2014 | 17:27 GMT+7

"Chúng ta không sáng tạo được là vì đã hình thành cho mình một số giả thiết hay giả định ngầm trong quá trình lớn lên. Sáng tạo xảy ra khi chúng ta công phá được những giả thiết đó", anh Phan Phương Đạt chia sẻ.
> Phương pháp tư duy mới trong bối cảnh hội nhập

Tối ngày 25/4 tại tầng 13, tòa nhà FPT Cầu Giấy, Hà Nội, diễn giả Phan Phương Đạt, nguyên Phó TGĐ FPT Software, đã chia sẻ những điều thú vị về SIT (Systematic Inventive Thinking - Tư duy sáng tạo hệ thống). Hơn 100 người FPT tham dự để tìm hiểu về chủ đề hấp dẫn này.

a

Anh Đạt chia sẻ về Phương pháp tư duy hệ thống - SIT với người FPT.

Bằng việc tái hiện những câu chuyện lịch sử, mà ví dụ kinh điển là Kodak - một tập đoàn đa quốc gia Mỹ chuyên sản xuất các sản phẩm hình ảnh và thiết bị nhiếp ảnh nổi tiếng đã phá sản vì tụt hậu về mặt công nghệ và không theo kịp làn sóng máy ảnh kỹ thuật số, anh Đạt chỉ ra rằng, sáng tạo là vô cùng cần thiết trong thời đại ngày nay.

"Sáng tạo là suy nghĩ và hành động khác biệt theo cách thức hữu dụng và hiệu quả với ba điều kiện: Mới (khác biệt), có giá trị (hữu dụng), khả thi (hiệu quả)", anh nói.

Một trong những phương pháp mang lại sự sáng tạo hiệu quả chính là SIT. Đây là phương pháp tư duy kiểu mới có tính ứng dụng cao, mang lại hiệu quả tốt cho các doanh nghiệp nếu biết áp dụng một cách hợp lý, đặc biệt là đối với các nhà quản lý nói chung và quản lý kinh doanh nói riêng.

a

Khá đông khán giả đã tới tham dự chương trình.

SIT cho rằng mọi sáng tạo đều có phương thức chung. Phương pháp này còn có tên khác là “Think inside the box”, đối nghịch với phương pháp “Out of the box”. Nếu “Out of the box” hướng suy nghĩ của mọi người ra bên ngoài tình huống đang có thì SIT quan điểm rằng, sáng tạo phải nằm trong một không gian cho trước, quen thuộc với những người tham gia sáng tạo. Không gian đó gọi là "Closed world" hay là cái box, là các ràng buộc (constraint). Chính những ràng buộc này khuyến khích sự sáng tạo.

"Out of the box" cho rằng các ý tưởng không có quy luật chung, khuyến khích mọi người nghĩ ra thật nhiều ý tưởng một cách ngẫu nhiên và hy vọng trong số đó sẽ có những ý tưởng hay. SIT lại cho rằng các sáng tạo đều có những mô hình chung và trên cơ sở đó xác định ra 5 công cụ, kỹ thuật của sáng tạo (thinking tool, technique). Việc sử dụng chúng theo một quy trình chặt chẽ sẽ tạo ra những ý tưởng sáng tạo. Do vậy mà có chữ “systematic” - sáng tạo có hệ thống chứ không ngẫu nhiên.

a

Anh Đạt giới thiệu năm công cụ của SIT.

Anh Đạt cũng giới thiệu rõ hơn về 5 công cụ, kỹ thuật của SIT, đó là: Loại bớt, Phân chia, Nhân bản, Hợp nhiệm và Thuộc biến. Anh đưa ra ví dụ thực tế về hợp nhiệm. Đó là trường hợp biển tên phố kiêm giáo dục lịch sử hay việc tập thể dục kết hợp bơm lọc nước ở hồ Ngọc Khánh...

"Chúng ta không sáng tạo được là vì đã hình thành cho mình một số giả định ngầm trong quá trình lớn lên. Loại giả thiết mà ai cũng có là sự cố định nhận thức, bao gồm cố định tính năng và cố định cấu trúc. Công phá được những điểm này sẽ dẫn đến sáng tạo", anh Đạt chia sẻ.

a

Khán giả chăm chú theo dõi bài học và những bài tập anh Đạt đưa ra.

Diễn giả còn chỉ ra nguyên tắc quan trọng nhất là “Closed world” - cách tốt nhất và nhanh nhất để sáng tạo là dựa vào những tài nguyên có sẵn trong tay. Nguyên tắc thứ hai là “Function Follows Form” (tạm dịch: Chức năng đi theo hình hài). Đa số mọi người nghĩ rằng sáng tạo là bắt đầu bằng một vấn đề rồi đi tìm lời giải, nhưng SIT đề xuất ngược lại: Bắt đầu bằng một lời giải trừu tượng rồi đi ngược đến vấn đề nó sẽ giải quyết.

Anh đưa ra ví dụ cụ thể, nếu được hỏi “Có lợi ích gì khi bình sữa đổi màu theo nhiệt độ sữa?”, bạn sẽ nghĩ ngay đến việc nó sẽ giúp làm em bé không bị bỏng. Nhưng nếu bạn được hỏi “Làm sao để không cho trẻ bú nhầm bình sữa quá nóng?”, thì sẽ mất rất nhiều thời gian để nghĩ ra cách giải quyết.

sit-4-606449-1413022245.jpg

Người FPT sôi nổi thảo luận những vấn đề còn vướng mắc.

Sau phần trình bày của anh Đạt là phần thảo luận giữa diễn giả và các CBNV FPT. Rất nhiều người quan tâm tới các công cụ của SIT, ví dụ thực tế về sáng tạo theo phương pháp SIT trong doanh nghiệp... Anh Hà Dũng Hiệp, Trường Mỹ thuật đa phương tiện FPT Arena, đã chia sẻ một sản phẩm sáng tạo của chính mình. Vì trẻ nhỏ chưa biết các chữ số để xem giờ nên anh sáng tạo ra chiếc đồng hồ màu. Mỗi múi giờ tương ứng với một màu khác nhau đồng thời tương ứng với một công việc của con như học, xem phim, ngủ... Khi kim đồng hồ chỉ đến màu nào con sẽ biết cần làm việc gì.

"Đó là ví dụ về sáng tạo khi có nhu cầu thật. Điều đó giải thích tại sao nông dân lại có nhiều phát kiến hữu ích. Vậy làm thế nào để kích hoạt nhu cầu của nhân viên nhằm gia tăng sự sáng tạo?", anh Hiệp hỏi.

Trước vấn đề đó, anh Đạt cho rằng nếu có nhu cầu mà không có phương pháp cũng dễ sinh ra nản chí, thực chất phương pháp cũng tạo ra nhu cầu và hai vế đó bổ sung cho nhau.

a

Chị Bùi Linh Chi, FPT School, chia sẻ thêm các quan điểm về sáng tạo. Theo chị, học sinh cấp 3 đang trong lứa tuổi có nhiều tiềm năng vì chưa vướng phải giả định ngầm hay "điểm mù" nhiều như người lớn. "Cần phải thúc đẩy tinh thần sáng tạo của các em và quan trọng nhất là tôn trọng các ý tưởng mới", chị cho biết.

Phần hỏi đáp diễn ra sôi nổi và hấp dẫn khiến chương trình kéo dài ngoài dự kiến. Gần 20h, buổi chia sẻ mới kết thúc nhưng nhiều khán giả vẫn tỏ ra tiếc nuối và mong muốn BTC tiếp tục tổ chức chuỗi chương trình tiếp theo về SIT.

PTGĐ FPT Telecom Hoàng Trung Kiên đánh giá cao những kiến thức mà buổi seminar mang lại. "Đây là phương pháp tư duy mới mà chúng ta cần tìm hiểu kỹ hơn. SIT đã được áp dụng trong nhiều công ty và được một số cá nhân sử dụng thành công. Có thể nhiều sáng tạo của chúng ta trước đây đã theo khái niệm này mà chưa biết. Ví dụ rõ nhất là về hợp nhiệm. Nhân viên kinh doanh của FPT Telecom trước đây chỉ đảm nhận việc bán dịch vụ cho khách hàng, có người khác lo khâu khảo sát kỹ thuật. Còn hiện nay, các bạn đã có thể làm cả hai việc này và mang lại hiệu quả cao hơn", anh cho biết.

Còn anh Phạm Dũng Hà, FPT Software, bày tỏ: "Công việc của tôi là quản lý dự án nên mong muốn học được cách quản lý sáng tạo hơn để tránh nhàm chán, mang lại hiệu quả cao cho công việc. Những chia sẻ của anh Đạt về SIT rất thú vị, hữu ích khi đưa ra phương pháp tư duy mới, các công cụ sáng tạo hiệu quả, hoàn cảnh để sử dụng thích hợp, cách phá bỏ liên kết trong mâu thuẫn giả... Đó là những gợi ý thiết thực để tôi tìm ra cách quản lý tốt công việc của mình".

Bài, ảnh: Nguyễn Nhàn

Ý kiến

()