Chúng ta

Cổ phiếu FPT xanh, Bảo Minh muốn chốt lời

Thứ sáu, 22/9/2017 | 10:22 GMT+7

Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Minh sẽ thu về gần 10 tỷ đồng nếu giao dịch thành công.

Theo Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE), Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh (Mã: BMI) vừa đăng ký bán 198.370 cổ phiếu FPT. Thời gian thực hiện giao dịch là từ nay đến 18/10 thông qua phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Với thị giá hiện tại khoảng 50.000 đồng, ước tính số tiền Bảo Minh thu về gần 10 tỷ đồng.

2017-09-22-094442-9347-1506048515.jpg

Cổ phiếu FPT tăng ấn tượng trong vòng một tuần qua.

Bảo Minh đang sở hữu 198.375 cổ phiếu FPT. Nếu giao dịch thực hiện thành công, Bảo Minh chỉ còn giữ 5 cổ phiếu FPT, do quy định giao dịch lô 10 cổ phiếu. Ông Lê Song Lai, đại diện vốn SCIC, đang là Chủ tịch HĐQT Bảo Minh và Ủy viên HĐQT FPT. Trước đó, hồi đầu tháng 8, Bảo Minh cũng đăng ký bán cổ phiếu FPT nhưng chưa thành công do ảnh hưởng của thị trường.

Mã FPT đang có loạt phiên 4 tăng liên tiếp, từ mức giá 48.200 đồng ngày 15/9 lên 49.400 đồng ngày 22/9. Ngày 31/8, cổ đông FPT nhận hơn 530 tỷ đồng cổ tức tạm ứng lần 1 năm 2017.

Kết thúc 8 tháng năm 2017, các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận của FPT đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao. Doanh thu hợp nhất đạt 27.340 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 100% kế hoạch lũy kế 8 tháng. Lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 1.992 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ, tương đương 100% kế hoạch lũy kế. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.697 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ.

Các khối kinh doanh cốt lõi đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của khối Công nghệ và khối Viễn thông tăng lần lượt là 28% và 13% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 8, FPT đã hoàn tất việc bán 30% cổ phần tại Công ty Cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail). Tiếp theo, FPT dự kiến chào bán 10% cổ phần FPT Retail cho các nhà đầu tư cá nhân, thực hiện thông qua IPO và niêm yết cổ phiếu đơn vị Bán lẻ này tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM muộn nhất vào tháng 4/2018.

Cũng vào đầu tháng 9, ở lĩnh vực phân phối, FPT đã ký thỏa thuận hợp tác đầu tư với Tập đoàn Synnex. Theo đó, Synnex - tập đoàn có doanh thu 33 tỷ USD và là nhà phân phối thiết bị công nghệ thông tin, viễn thông và linh kiện điện tử lớn thứ ba trên thế giới sẽ sở hữu 47% tại công ty TNHH Thương mại FPT - FPT Trading.

Ngay sau quyết định thoái vốn tại FPT Retail và FPT Trading của tập đoàn, một loạt công ty chứng khoán đã ra báo cáo phân tích đánh giá triển vọng của FPT với dự báo tích cực.

Công ty Chứng khoán TP HCM (HSC) trong báo cáo mới công bố đã đưa ra khuyến nghị mua cổ phiếu FPT với mức giá dự kiến đạt 60.000 đồng trong ngắn hạn và 65.000 đồng trong dài hạn, tương ứng tỷ suất sinh lời tăng 25% và 35%.

Theo HSC, doanh thu của FPT có thể giảm 51% trong năm 2018 còn khoảng 1 tỷ USD, nhưng tăng trưởng lợi nhuận trước thuế vẫn là con số dương. Động lực đến từ dự báo doanh thu và lợi nhuận mảng gia công phần mềm và dịch vụ viễn thông tăng trưởng trên 20%.

Cũng đưa ra mức dự báo khá tương đồng với HSC, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng việc thoái vốn tại mảng phân phối và bán lẻ của FPT sẽ tạo động lực cho công ty tập trung phát triển sâu vào mảng công nghệ và viễn thông - đưa hai lĩnh vực này trở thành động lực tăng trưởng mới.

VCSC dự báo thị trường Nhật Bản sẽ tiếp tục là nguồn tăng trưởng chính của mảng xuất khẩu phần mềm trong tương lai. Dự báo doanh thu từ thị trường này sẽ đạt tăng trưởng 30% trong năm 2017 nhờ FPT tiếp tục đầu tư vào nhân lực và khối lượng công việc tăng. Lĩnh vực này cũng dự kiến có mức tăng trưởng cao nhất với tỷ lệ gần 18%.

Với doanh thu, lợi nhuận được đóng góp chủ yếu từ các lĩnh vực công nghệ - viễn thông và các dự án công nghệ được đầu tư thích đáng, hình ảnh FPT - một tập đoàn công nghệ mang tầm quốc tế sẽ được định hình ngày càng rõ nét hơn trong con mắt nhà đầu tư và đối tác.

>> Khối Công nghệ là quán quân lợi nhuận nhà F

Chi Vy

Ý kiến

()