Chúng ta

'CNTT Việt Nam có nhiều cơ hội ở nước ngoài'

Chủ nhật, 23/2/2014 | 11:48 GMT+7

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Lê Doãn Hợp cho rằng, việc toàn cầu hóa cũng như những thành tựu mà FPT đạt được là ví dụ điển hình, cần được chia sẻ, phổ biến cho các doanh nghiệp khác học hỏi và làm theo.
> FPT IS thành lập 3 văn phòng đại diện nước ngoài

A

Anh Đỗ Cao Bảo, Chủ tịch FPT IS cho rằng CNTT Việt Nam có rất nhiều cơ hội đi ra thế giới. Ảnh: Đồng Bằng

Bài tham luận của Chủ tịch FPT IS Đỗ Cao Bảo trong buổi tọa đàm "CNTT-TT Việt Nam cơ hội và thách thức" diễn ra vào chiều ngày 21/2 tại Hanoi Tower (Hà Nội) ngắn gọn nhưng đầy sức thuyết phục khi đưa ra những phân tích cụ thể về vấn đề xuất khẩu giải pháp, dịch vụ CNTT ra thế giới.

Chủ tịch FPT IS cho rằng việc chinh phục thế giới bằng trí tuệ Việt Nam không hề khó. Theo thống kê của đơn vị, tổng giá trị cơ hội xuất khẩu giải pháp, dịch vụ CNTT Việt Nam tính từ 7/2013 đến nay ước tính vào khoảng 200 triệu USD ở hơn 10 thị trường lớn thuộc 4 châu lục Á, Âu, Phi, Mỹ.

"1 USD xuất khẩu phầm mềm chứa khoảng 80-90% hàm lượng giá trị gia tăng trong khi 1 USD xuất khẩu điện thoại, giầy dép chỉ có khoảng 5-10% hàm lượng đó. Nếu FPT IS xuất khẩu được 200 triệu USD phần mềm/dịch vụ CNTT thì sẽ tương đương với 2 tỷ USD gia công điện thoại, may mặc, giày dép...", anh lý giải.

Theo anh, tại khu vực Đông Nam Á, các thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, Philipines, Indonesia... rất giàu tiềm năng ở các mảng Viễn thông, Tài chính công, Thuế, Ngân hàng, Giao thông, Điện lực... với tổng cơ hội lên khoảng 90 triệu USD. Các thị trường còn lại gồm khu vực Đông Á - Nam Á (Nhật, Bangladesh), khu vực châu Âu - Tây Phi (Hà Lan, Senegal) và khu vực châu Mỹ (Mỹ), cơ hội cho xuất khẩu giải pháp và dịch vụ CNTT cũng còn khoảng hơn 100 triệu USD. Anh cũng khẳng định, CNTT Việt Nam không hề thua kém nhiều nước trên thế giới.

A

Chương trình thu hút đông đảo các chuyên gia, nhà quản lý, các lãnh đạo CNTT tham gia. Ảnh: Đồng Bằng

Chủ tịch FPT IS đã đưa ra nhiều dẫn chứng, tiêu biểu là dự án quản lý Tài chính Kho bạc nhà nước- Chính phủ hoàng gia Campuchia với gói thầu trị giá 10 triệu USD. Khi tham gia dự án này, FPT IS phải cạnh tranh với rất nhiều đối thủ quốc tế, đến từ các nước có nền công nghệ phát triển như Canada, Mỹ, Singapore... Tuy nhiên, FPT IS đã thắng thầu với vai trò tổng thầu chính, tham gia triển khai toàn bộ hệ thống trên quy mô rộng tại 31 đơn vị kho bạc của đất nước chùa tháp.

Ngoài ra, còn có rất nhiều các dự án xây dựng hệ thống BSS/0SS; dự án Core Banking cho viễn thông; Ngân hàng tại các nước Lào, Campuchia, Myanmar, Singapore... cũng được thực hiện tương đối thành công, mang lại khoảng 20 triệu USD doanh thu cho đơn vị.

Tuy gặt gái được những kết quả khả quan nhưng anh Bảo cho rằng CNTT Việt Nam vẫn còn rất nhiều thách thức khi muốn "đem chuông đi đánh xứ người" như giá trị cốt lõi liên quan đến giải pháp, dịch vụ hay thương hiệu quốc gia. Do đó, Chủ tịch FPT IS mong muốn sẽ nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ, bộ, ngành cũng như nhận được sự tin tưởng của khách hàng để tiếp thêm sức mạnh, ý chí, năng lực khi xông trận trên thị trường nước ngoài.

"Nếu khách hàng ở Việt Nam tin tưởng giao cho chúng tôi 1 triệu USD dịch vụ, giải pháp phần mềm CNTT thì chúng tôi cam kết sẽ mang về cho đất nước 5 triệu USD ngoại tệ từ thị trường nước ngoài", anh Bảo nhấn mạnh.

Có mặt tại chương trình, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Lê Doãn Hợp cho rằng việc toàn cầu hóa cũng như những thành tựu mà FPT đạt được là một ví dụ điển hình, cần được chia sẻ và phổ biến cho các doanh nghiệp khác học hỏi và làm theo.

Trong khuôn khổ tọa đàm, rất nhiều vấn đề liên quan đến CNTT-TT Việt Nam cũng được đưa ra bàn luận như hiện trạng CNTT, nguồn nhân lực CNTT, khó khăn và thách thức...

Diễn ra trong gần 3 giờ, chương trình đã mang lại bức tranh tổng quát và những góc nhìn mới mẻ về ngành CNTT Việt Nam.

Bình Nguyên

Ý kiến

()