Chúng ta

Chuyển đổi số giúp FPT vượt ngưỡng

Thứ bảy, 8/4/2017 | 09:41 GMT+7

Hướng đi mới đã thay đổi vị thế của FPT từ một doanh nghiệp bế tắc sau 10 năm xuất khẩu phần mềm vươn lên thành người tiên phong trong cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4 (CMCN 4.0).

Diễn đàn CEO với chủ đề "Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 - Được và Mất” do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức vào chiều ngày 7/4 đã thu hút gần 300 đại biểu đến từ các doanh nghiệp Việt Nam và FDI, đại diện lãnh đạo Bộ Khoa học Công nghệ, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Công thương, các Hiệp hội doanh nghiệp.... Chương trình được tổ chức nhằm chỉ rõ những cơ hội và thách thức của CMCN 4.0 đối với kinh tế Việt Nam nói chung và đối với doanh nhân - doanh nghiệp nói riêng.

Anh Bình cho rằng, trong CMCN 4.0, nếu đi sau Việt Nam sẽ không còn lợi thế.

Anh Bình cho rằng, trong CMCN 4.0, nếu đi sau Việt Nam sẽ không còn lợi thế.

Theo Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, so với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đó, bản chất của CMCN 4.0 có 4 điểm khác biệt lớn nhất là số hóa thế giới thực, sự phát triển trí tuệ của máy; cách mạng diễn tiến rất nhanh và ảnh hưởng sâu rộng đến mọi lĩnh vực đời sống, hệ thống sản xuất cũng như quản trị. 

Quá trình số hóa bao chùm tất cả hoạt động và thay đổi toàn bộ cách con người sống, làm việc. Các doanh nghiệp khó có thể đứng ngoài cuộc chơi này. "Khi nói tới cách mạng là nói tới cái mới sẽ thay thế cái cũ. Dù muốn hay không thì cái cũ vẫn bị loại trừ và cái mới được tạo dựng. Việt Nam cần đi tiên phong trong cuộc CMCN này", anh nói.

Theo anh Bình, với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, kịch bản cho những doanh nghiệp không tham gia sẽ mất tất cả. Ngược lại, doanh nghiệp tích cực tham gia sẽ được hưởng lợi từ nó. Thực tế, FPT đã tham đự chuyển đổi số từ 7 năm trước, hiện tập đoàn đã có đủ thế và lực để tiên phong trong cuộc CMCN 4.0. 

Sau 10 năm xuất khẩu phần mềm và ra nước ngoài, có văn phòng tại nhiều quốc gia trên thế giới, FPT đã đến ngưỡng và rơi vào thế kẹt. Những ông lớn không còn thiết tha các dịch vụ do FPT làm, giá nhân công rẻ cũng không còn là lợi thế. Việt Nam nói chung, FPT nói riêng bị cạnh tranh từ Trung Quốc về tiếng Nhật, cạnh tranh từ Ấn Độ về tiếng Anh... Để tháo gỡ, tập đoàn đã lựa chọn con đường mới là chuyển đổi số.

FPT đã tập trung đầu tư vào công nghệ được xác định là xu hướng trong tương lai như Cloud, Mobility, Analytics, Big Data... để đến gần hơn với các tập đoàn lớn. Đến nay, FPT đã trở thành đối tác hàng đầu về cung cấp hạ tầng, nền tảng IoT... của những hãng công nghệ lớn như Amazone, GE, IBM... "Kinh nghiệm lớn của FPT là chúng tôi định vị được mình sẽ làm gì trong cuộc cách mạng, chuẩn bị nguồn nhân lực và kết nối với các hãng công nghệ hàng đầu thế giới", người đứng đầu tập đoàn kết luận.

Chương trình được tổ chức nhằm chỉ rõ những cơ hội và thách thức của CMCN 4.0 đối với kinh tế Việt Nam nói chung và đối với doanh nhân - doanh nghiệp nói riêng.

Chương trình được tổ chức nhằm chỉ rõ những cơ hội và thách thức của CMCN 4.0 đối với kinh tế Việt Nam nói chung và đối với doanh nhân - doanh nghiệp nói riêng.

Sự thay đổi chóng mặt của công nghệ cũng như xu hướng của người tiêu dùng là một trong những thách thức lớn nhất mà các công ty đang gặp phải. Để chuẩn bị cho cuộc cách mạng này, với các doanh nghiệp, anh Bình cho rằng, người lãnh đạo cần phải có tầm nhìn và lộ trình triển khai từng bước. Anh dẫn dụ về mục tiêu xây dựng dân tộc thông minh của Singapore. Và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trở thành kiến trúc sư trưởng về khoa học dữ liệu. 

Tương tự, ở các doanh nghiệp cần có một người phụ trách về chuyển đổi số. "Lộ trình số là một quãng đường và cần chuẩn bị kỹ lưỡng, các doanh nghiệp cũng cần có nhiều sáng kiến triển khai tại doanh nghiệp của mình", anh nói.

Trước nhận định của Giáo sư Đào Nguyên Cát, Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam, về cuộc CMCN 4.0 sẽ mở ra kỷ nguyên mới của đầu tư, năng suất và mức sống gia tăng, anh Bình nhìn nhận, cuộc cách mạng này không chỉ là cuộc cách mạng của các “đại gia” mà là cuộc cách mạng của tất cả mọi người. Trong đó có thể có những nhóm rất bé, chỉ có vài người nhưng những nhóm nhỏ đó sẽ thay đổi tương lai, diện mạo của các ngành kinh tế. 

Chia sẻ về những lợi thế sẵn có, Chủ tịch FPT nhìn nhận, Việt Nam là nơi hiếm hoi nói nhiều tới cuộc CMCN 4.0 dù chưa hiện thực xong việc cơ giới hóa. Điều này cho thấy sự can dự của các doanh nghiệp số hóa. Chưa kể, Việt Nam lại sở hữu lực lượng dân số trẻ, yêu thích toán học, học nhanh, tư duy sáng tạo... Vấn đề còn lại chỉ là quyết tâm của cả hệ thống chính trị.

"Mỗi người ở cương vị của mình đều có thể tham gia vào cuộc cách mạng số. Trong sân chơi này, nếu đi sau sẽ không có lợi thế. Chúng ta cần phải làm trước, làm khác và làm mới. Các doanh nghiệp cần nhanh chóng chuyển đổi số, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và hạ tầng hiện đại...", anh Bình kỳ vọng.

Trước phần tọa đàm do Chủ tịch FPT điều phối, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Ngô Văn Tuấn cho rằng, CMCN 4.0 tác động đến doanh nghiệp trên các khía cạnh chủ yếu về kỳ vọng của khách hàng, nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới hợp tác và hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp lo ngại rằng, khi máy móc trở nên quá thông minh thì số lượng người thất nghiệp sẽ tăng lên. TGĐ Tổng Công ty May 10 Nguyễn Thị Thanh Huyền cho hay, khi CMCN lần thứ 4 diễn ra, không chỉ ngành dệt may mà tất cả ngành nghề khác đều phải phân bổ lại toàn bộ lao động. “Nguy cơ 86% lao động ngành dệt may có thể thất nghiệp trong vòng hai thập kỷ tới là có thể xảy ra. Tuy nhiên, con người sẽ làm những gì máy móc không làm được và sẽ tiếp cận máy móc, công nghệ để công nghệ phục vụ con người”, bà Huyền nói.

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 diễn ra ngày 3/4, Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo “phải tận dụng cơ hội, có giải pháp hạn chế thách thức của CMCN 4.0. Các cấp, các ngành, trước hết là Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ TT&TT, các cơ quan báo chí, bản thân các tập đoàn, tổng công ty phải làm tốt công tác truyền thông, tăng cường nhận thức về CMCN 4.0, để toàn xã hội, từng người dân, mọi doanh nghiệp, mọi cơ quan, các tổ chức đều hiểu về thời cơ, thách thức của CMCN 4.0”.

Tiểu Thanh

Ý kiến

()