Chúng ta

Chủ tịch Trương Gia Bình: ‘FPT tiên phong làm trước, khúc mắc gỡ sau’

Thứ năm, 26/11/2015 | 18:07 GMT+7

Mặc dù việc ứng dụng công nghệ thông tin trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông còn gặp nhiều khó khăn, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình khẳng định, FPT sẽ quyết tâm thực hiện với tinh thần "tiên phong làm trước, khúc mắc gỡ sau".

Binh-1-8523-1448533746.jpg

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình báo cáo về việc ứng dụng CNTT trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Ảnh: Anh Tú.

Khẳng định được Chủ tịch FPT chia sẻ trong phần báo cáo kết quả ứng dụng công nghệ thông tin trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2015-2020 tại Hội nghị An toàn giao thông, diễn ra sáng nay (ngày 26/11), ở khách sạn Melia, 44 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.

Phần trình bày của người đứng đầu FPT được đánh giá là “gần gũi, sinh động và gắn liền với thực tiễn” khi đưa ra được một loạt những con số ấn tượng liên quan đến thực trạng an toàn giao thông hiện nay cùng với những khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế phối hợp, phương thức thực hiện và kinh phí triển khai.

Theo Chủ tịch Trương Gia Bình, từ năm 2012, thế giới bắt đầu bước vào cuộc cách mạng số và cuộc cách mạng này đang biến đổi một cách nhanh chóng diện mạo thế giới. Nó khiến thế giới ảo và thế giới thực trở thành một, biến những lãnh đạo thông thường trở thành lãnh đạo số, ngân sách thành ngân sách số… mọi thứ đều được kết nối một cách thông minh, nhanh chóng, tức thì. Trong cuộc cách mạng này, công nghệ chính là chìa khóa để mở cửa thế giới, và lĩnh vực giao thông cũng không ngoại lệ.

Binh-2-8420-1448533746.jpg

Khoảng 500 đại biểu đã có mặt để tham gia chương trình. Ảnh: Anh Tú.

Tại Hội nghị An toàn Giao thông Quốc gia năm trước, FPT đã đề xuất phương án xã hội hóa giao thông. Sau 12 tháng bàn bạc, triển khai, FPT đã bắt tay thực hiện với dự án thí điểm lắp đặt hệ thống camera giám sát trên tuyến đường cao tốc Nội Bài- Lào Cai. Trong quá trình thực hiện, dự án đã xuất hiện nhiều khó khăn nhưng cùng với sự hỗ trợ của các lãnh đạo ban nghành và Nghị quyết 36a/NQ-CP đã phần nào tháo gỡ được vấn đề trên.

Cũng trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch FPT đã đưa ra định hướng ứng dụng CNTT trong đảm bảo Trật tự An toàn giao thông với mục tiêu giảm số người chết; rút ngắn thời gian đi lại; ngăn chặn mãi lộ, tiêu cực và đảm bảo hiệu quả đầu tư. Để thực hiện mục tiêu này, FPT đề xuất xây dựng một hệ thống thông tin mặt trời (gọi tắt là Solar) để ứng dụng công nghệ Big Data khai thác cơ sở dữ liệu hiện có nhằm cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác nhất về tình trạng An toàn giao thông Quốc gia. Từ đó xác định và phân tích nguyên nhân căn bản gây tai nạn rồi đưa ra các báo cáo khuyến nghị hỗ trợ tham mưu chiến lược, chính sách, đề án Quốc gia.

Nếu được thông qua, FPT sẽ bắt tay vào xây dựng và bắt đầu triển khai vào quý 1/2016. Sau 6 tháng vận hành, FPT sẽ đánh giá hiệu quả và đưa ra phương án mở rộng phục vụ các Ban nghành và chính quyền địa phương.

Phó Chủ tịch Chuyên trách Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng đánh giá cao phần chia sẻ của Chủ tịch Trương Gia Bình và tin tưởng với tinh thần tiên phong tiên phong làm trước, gỡ sau của các doanh nghiệp như FPT thì vấn đề an toàn giao thông sẽ có nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian tới.

Binh-3-9281-1448533747.jpg

Nhiều phóng viên quan tâm đến các dự án của FPT trong lĩnh vực giao thông. Ảnh: Anh Tú.

Đại diện của tỉnh Gia Lai, ông Nguyễn Hà Phương cũng đồng tình với những nội dung mà FPT đề cập trong hội nghị. Theo ông, việc ứng dụng CNTT vào vấn đề giao thông là việc làm quan trọng và cần thiết, tuy nhiên, các dự án đều đang trong giai đoạn thí điểm nên cũng chưa rõ kết quả ra sao để nhận xét. “Thời gian tới, tỉnh Gia Lai cũng sẽ áp dụng việc lắp đặt camera trên một số tuyến đường, hi vọng việc làm này sẽ góp phần nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông”, ông Phương nói.

Ngoài phần báo cáo của Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, anh Nguyễn Toàn Thắng, Phó Giám đốc Công ty Giải pháp công nghệ FPT (FTS) đã trình bày tham luận về vấn đề nghiên cứu xây dựng hệ thống giám sát và xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông bằng hình ảnh trên hệ thống giao thông đường bộ và nhận được sự ủng hộ của các đại biểu.

Lắng nghe phần trình bày của đại diện FPT IS, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó giám đốc Trung tâm giải pháp Công nghệ Thông tin và Viễn thông Viettel cho rằng rất nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chung tay cùng các bộ ban nghành để giải quyết bài toán về An toàn giao thông. Chỉ cần nhà nước tạo điều kiện và cơ chế để các doanh nghiệp thuận lợi hơn khi triển khai thì chắc chắn vấn đề này sẽ sớm được giải quyết.

Kết thúc ngày làm việc đầu tiên, ngày mai, Hội nghị sẽ tiến hành họp phiên quốc tế.

Năm nay, Hội nghị An toàn Giao thông Quốc gia diễn ra trong 2 ngày 26 - 27/11, với 7 chủ đề chính: Quản lý ATGT, Hạ tầng và tổ chức giao thông, Phương tiện giao thông, Người tham gia giao thông, Ứng phó sau tai nạn giao thông, ATGT đường hàng không, ATGT đường thủy nội địa. 

Bình Nguyên

Ý kiến

()