Chúng ta

Chủ tịch Google đến Myanmar thúc đẩy tự do Internet

Thứ ba, 19/3/2013 | 17:50 GMT+7

Chủ tịch Google, ông Eric Schmidt, sẽ đến thăm Myanmar với mục tiêu để giúp người dân nước này tiếp cận với thông tin trên mạng.
> FPT thành lập Văn phòng đại diện tại Myanmar / Tìm ‘chìa khóa vàng’ mở cửa Myanmar / Nhật Bản ồ ạt đầu tư vào Myanmar

Myanmar là một trong những chặng dừng chân tại châu Á của Chủ tịch Google nhằm thúc đẩy tự do Internet. Hồi tháng 1, ông Schmidt đã có chuyến thăm đến CHDCND Triều Tiên để nói về không gian mạng miễn phí và rộng mở.

Trên thông báo của Google có đoạn: “Chuyến thăm Myanmar của Chủ tịch Schmidt nhằm kết nối các đối tác địa phương và nhân viên Google đang nỗ lực cải thiện đời sống của hàng triệu người dân nước này, bằng việc giúp họ lần đầu tiên tiếp cận thông tin trên mạng về thế giới”.

Ngày 22/3 tới, ông Schmidt sẽ có bài phát biểu tại công viên công nghệ thông tin và truyền thông Myanmar. Dự kiến, khoảng 400 người tham dự sự kiện này.

Chủ tịch Google Eric Schmidt (thứ 3 từ trái sang) quan sát việc truy cập mạng tại CHDCND Triều Tiên hồi tháng 1-2013 - Ảnh: AP

Chủ tịch Google Eric Schmidt (thứ ba từ trái sang) quan sát việc truy cập mạng tại CHDCND Triều Tiên hồi tháng 1. Ảnh: AP.

Từ khi khi Myanmar áp dụng các biện pháp cải cách chính trị và kinh tế thì ngày càng nhiều người dân được lên mạng bày tỏ chính kiến về sự kiểm soát chặt chẽ việc truy cập mạng Internet của chính quyền quân sự trong quá khứ. Tuy nhiên, việc truy cập mạng tại Myanmar vẫn còn hạn chế và tốc độ rất chậm.

Myanmar được đánh giá là mảnh đất màu mỡ của cho các doanh nghiệp ở châu Á, với các thị trường chưa được khai thác bao gồm cả lĩnh vực viễn thông.

Hiện tại, quốc gia này có kế hoạch hiện đại hóa cơ sở hạ tầng viễn thông và sự bùng nổ dự kiến ​​trong việc sử dụng điện thoại di động sẽ mở đường cho sự xâm nhập của các công ty như Google.

Trước đó, trong tháng 2, Bộ Tài chính Mỹ đã ban hành một giấy phép chung của 4 ngân hàng lớn nhất tại Myanmar. Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) cho biết, đơn vị cùng Cisco, Google, HP, Intel và Microsoft đã đến thăm Myanmar để đánh giá các dự án tăng sự truy cập vào Internet, nhằm tăng cường minh bạch của chính phủ và xóa mù chữ kỹ thuật số.

Myanmar cũng là thị trường được FPT quan tâm. Tập đoàn vừa thành lập Văn phòng Đại diện FPT tại Myanmar và bổ nhiệm anh Hoàng Minh Châu, thành viên Hội đồng Sáng lập, làm Trưởng Văn phòng đại diện.

Văn phòng của FPT tại Myanmar (tên tiếng Anh: FPT Representative Office in Myanmar) sẽ đại diện tập đoàn thiết lập quan hệ với chính phủ, bộ ngành và các hiệp hội ICT, khách hàng có nhu cầu ứng dụng CNTT tại quốc gia này.

Đơn vị cũng chịu trách nhiệm nghiên cứu, mở rộng hoạt động phân phối, mở chuỗi cửa hàng; xây dựng đội ngũ lập trình viên và tạo điều kiện cho khách hàng của FPT, đặc biệt là khách hàng Nhật, có nhu cầu phát triển phần mềm tại Myanmar. Văn phòng cũng nghiên cứu cơ hội cho các mảng tích hợp hệ thống, xây dựng chính phủ điện tử, banking, Internet, giáo dục…

Văn phòng sẽ giới thiệu cơ hội kinh doanh cho công ty thành viên và là đầu mối cho các đơn vị này mở rộng hoạt động kinh doanh tại Myanmar.

Triệu Mẫn

Ý kiến

()