Chúng ta

Chủ tịch FPT: 'Tôi ngày đêm nghĩ về 4.0'

Thứ sáu, 21/7/2017 | 17:36 GMT+7

Tốc độ của cách mạng số đã đem tới luật chơi mới, mà ở đó, cá lớn không phải nuốt trọn cá bé mà là cá nhanh có thể "ăn đứt" cá to. Đây chính là điều mà người đứng đầu Tập đoàn FPT luôn trăn trở trong việc làm sao giúp các doanh nghiệp Việt Nam mau chóng bắt kịp xu hướng mới.

Chia sẻ tại Hội thảo "Doanh nghiệp số - đường tới cách mạng công nghiệp 4.0" do Bộ Công thương phối hợp với Đại sứ quán Đức tại Việt Nam, Công ty Siemens, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam tổ chức hôm 20/7 tại Hà Nội, Chủ tịch FPT đã chỉ rõ thời cơ và thách thức mà FPT nói chung và các doanh nghiệp trong nước nói riêng cần nắm vững để phát triển.

Chủ tịch FPT cho rằng, nhắc tới cách mạng là thay thế cái cũ bằng cái mới. Với 4.0, luật chơi mới đã xuất hiện: cá nhanh ăn con cá to.

Chủ tịch FPT cho rằng, nhắc tới cách mạng là thay thế cái cũ bằng cái mới. Với 4.0, luật chơi mới đã xuất hiện: "Cá nhanh ăn cá to". Ảnh: Internet.

Theo anh Bình, điều đầu tiên khi nhắc tới Cách mạng công nghiệp 4.0 chính là sự chia sẻ. Tức là, tất cả những công ty muốn tham gia 4.0 đều cần học hỏi từ những công ty công nghệ 4.0 đi trước. Bản thân anh luôn tự hỏi: FPT nên làm gì để phục vụ cho cộng đồng?

Tại ĐHĐCĐ FPT 2017, tập đoàn đã công bố chiến lược Chuyển đổi số (Digital Transformation) sau một thời gian thực thi trước đó. Mọi hoạt động, phát triển của FPT đều xoay quanh cốt lõi công nghệ. Qua trải nghiệm thực tế từ những chuyến đi nước ngoài, anh Bình cho rằng: "Nếu như chỉ làm phần mềm trong nước thuần túy thì tốc độ tăng trưởng là 10%. Nếu làm ở nước ngoài, con số này là 30%. Nhưng nếu làm trong bối cảnh 4.0 thì tốc độ có thể đạt tới 100%. Chúng tôi đang chứng minh, cuộc Cách mạng 4.0 có lợi cho các nhà sản xuất và các nhà giáo dục rằng, cần làm gì để đón đầu làn sóng đó".

Lời giải của bài toán này chính là con người. Hiện, FPT có khoảng 15.000 lập trình viên. Đến năm 2020, con số này sẽ tăng lên gấp đôi, với chiến lược 100% lập trình viên đều theo công nghệ số. Trong nội bộ, FPT đang xây dựng chính sách để tất cả mọi người nắm được công nghệ như AI (trí tuệ nhân tạo), Robotic... Nhiều chứng chỉ, bằng cấp số hóa mà FPT đang sở hữu đứng ở vị thế số 1, số 2 thế giới. 

Bên ngoài, FPT cũng đã đàm phán với các ông lớn như Siemens, IBM và nhiều ông lớn trên thế giới đào tạo 4.0. Thậm chí, có hãng lớn đã tin tưởng đưa chương trình để FPT đóng gói và đào tạo tại Việt Nam.

Tuy nhiên ở cuộc chơi này, FPT không đi một mình mà trung thành với khẩu hiệu "cùng tiên phong trong cuộc chuyển đổi số". Theo đó, tập đoàn nỗ lực hợp tác với các doanh nghiệp hàng đầu về 4.0 như IBM, Microsoft, AWS... để đưa số hóa vào các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Cụ thể, ở Nhật Bản, FPT đã bắt tay với công ty in ấn hàng đầu nước này để giúp họ giải quyết bài toán tiết kiệm chi phí và năng suất lao động.

Trước những hoài nghi về xu hướng 4.0, FPT đang thuyết phục các doanh nghiệp tin tưởng vào cuộc cách mạng này bằng PoC (Proof of Concept). Cụ thể, FPT đang cố gắng triển khai thành phố thông minh, giao thông thông minh với nền tảng số hóa, tiến tới y tế thông minh, chính phủ điện tử... "Chúng tôi muốn hợp tác với các trường đại học để đưa chương trình đào tạo, đề xuất cùng Chính phủ để đưa ra các chính sách cởi mở cho Cách mạng 4.0", anh nói.

Chia sẻ sâu hơn về xu thế này, Chủ tịch FPT cho rằng, nhắc tới cách mạng là thay thế cái cũ bằng cái mới. Với 4.0, luật chơi mới đã xuất hiện: "Cá nhanh ăn cá to". Do vậy, vấn đề quan trọng nằm ở hành động, thời gian và tốc độ. Trong đó, không thể không nhắc tới yếu tố sống còn mang tên "nguồn lực". "Bài toán mà Chính phủ đặt ra là đến năm 2020, Việt Nam phải có hàng trăm nghìn kỹ sư về chuyển đổi số. Giải pháp đưa ra là cởi bỏ hạn chế để tự do sáng tạo, được tự làm, tự dạy, tạo nguồn lực lớn. Khi ấy, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ làm 4.0 trong nước mà còn đủ sức vươn ra cả thế giới".

Khép lại phần thảo luận về chủ đề, anh Bình cũng khuyến nghị, các quốc gia, doanh nghiệp số cần đi theo xu hướng Stemdasi (Sience - Tenology - Engineering - Math - Digital - Art - Soft skill - Innovation). Đây cũng chính là câu trả lời cho vấn đề thất nghiệp mà Cách mạng 4.0 đưa ra.

Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã cùng trao đổi về cơ hội và thách thức dưới tác động của xu hướng toàn cầu về số hóa, đồng thời thảo luận kịch bản nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trên con đường hướng tới Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đặc biệt, các đại biểu đã được đại diện Công ty Siemens chia sẻ kinh nghiệm, bài học thành công của Siemens cũng như các doanh nghiệp Đức trong quá trình thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nói chung và trong lĩnh vực nhà máy số nói riêng.

Sau sự kiện, Bộ Công thương cùng các bên liên quan đã có những đề xuất bước đầu về hướng tiếp tục hợp tác nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp nói riêng và các doanh nghiệp Việt Nam nói chung trong việc tiếp cận và chuyển đổi thành công sang mô hình doanh nghiệp số, từng bước tiến vào cuộc Cách mạng 4.0 Đây cũng là một trong những nội dung triển khai cụ thể Chỉ thị 16 của Thủ tướng trong thời gian tới.

Tiểu Thanh

Ý kiến

()