Chúng ta

Chủ tịch FPT ‘hao’ 28 tỷ đồng một tuần

Thứ hai, 7/12/2015 | 09:19 GMT+7

Mã FPT giảm 1.100 đồng khiến tài sản của anh Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, hao hụt 28,33 tỷ đồng.

Trong các phiên giao dịch tuần qua, từ ngày 30/11 đến 4/12, cổ phiếu FPT có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm. Cụ thể, mã FPT từ mốc 49.000 đồng xuống 47.900 đồng.

Tuần qua là khoảng thời gian VN-Index điều chỉnh mạnh nên rất nhiều cổ phiếu giảm sâu kéo theo nhiều đại gia Việt bị hao hụt tài sản. Sau 5 phiên giao dịch, HPG của Hòa Phát giảm 1.000 đồng/cổ phiếu. HPG đi xuống khiến tài khoản của ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hòa Phát mất 184,33 tỷ đồng. Cùng với đó là bà Vũ Thị Hiền, vợ "bầu" Long, "bay hơi" 53,39 tỷ đồng.

DSC-1147-JPG-4931-1449450797.jpg

 FPT Shop thuộc FPT Retail đang là điểm sáng của tập đoàn với mốc tăng trưởng 53% và lợi nhuận tăng 255%. Đơn vị đang chuẩn bị cán mốc 250 shop trên toàn quốc. Ảnh chụp tại FPT Shop Phan Đình Phùng, Đà Lạt. Ảnh: Nguyên Văn.

Trong tuần qua, cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai tiếp tục giảm mạnh. Sau 5 phiên giao dịch, HAG giảm 400 đồng xuống 12.200 đồng/cổ phiếu khiến 139 tỷ đồng rời khỏi tài khoản của bầu Đức. Tính từ đầu năm tới nay, HAG mất mát lớn khi giảm 9.900 đồng/cổ phiếu. Như vậy, sau một năm, khối tài sản khổng lồ của bầu Đức đã “bốc hơi” 3.442,88 tỷ đồng.

Tương tự, mã VHC của Vĩnh Hoàn giảm 400 đồng xuống 35.000 đồng/cổ phiếu khiến tài sản của bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, mất 18,3 tỷ đồng.

Theo báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán FPT - FPTS - tuần giao dịch vừa qua mang nặng tâm lý thận trọng khiến dòng tiền suy giảm xuống mức rất thấp. Mặt bằng giá cổ phiếu cũng đã có một nhịp điều chỉnh tuy nhiên với những phản ứng khá yếu ớt từ bên mua rõ ràng cơ hội tạo đáy đối với đợt giảm lần này chưa xác lập được tín hiệu tin cậy. 

Ngày 1/12, Công ty Cổ phần báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đã công bố Bảng xếp hạng VNR500 - Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2015. Theo đó, Tập đoàn Dầu khí vẫn là doanh nghiệp lớn nhất, tiếp theo là Samsung, Petrolimex, EVN… FPT xếp thứ 29 trong bảng này.

"Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, FPT đã nỗ lực thực hiện kế hoạch kinh doanh đề ra và đạt được kết quả đáng ghi nhận", Vietnam Report đánh giá. "Năm 2014, doanh thu toàn tập đoàn đạt 35.114 tỷ đồng, tăng trưởng 23% so với năm 2013, đạt 110% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế của FPT ước đạt 2.075 tỷ đồng, tăng 0,5% so với năm 2013".

Trong một động thái khác, Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC (SIC) vừa thông báo kế hoạch mua cổ phiếu FPT. Theo đó, SIC đăng ký mua 500.000 cổ phiếu FPT, tương đương với 0,12% vốn điều lệ công ty. Giao dịch nhằm mục đích đầu tư tài chính, dự kiến được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 1 đến 30/12, qua phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.

Trong báo cáo mới nhất ngày 23/11, kết thúc 10 tháng năm 2015, doanh thu hợp nhất của FPT đạt 32.440 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ, đạt 104% kế hoạch lũy kế. Lợi nhuận trước thuế đạt 2.219 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 1.442 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 3.634 đồng, tăng 7% so với cùng kỳ.

Trong các mảng kinh doanh của FPT, doanh thu từ thị trường nước ngoài tiếp tục có mức tăng đáng kể với mức tăng 34% so với cùng kỳ, đạt 3.833 tỷ đồng, tương đương 175 triệu USD.

Khối công nghệ cũng ghi nhận doanh thu 6.441 tỷ đồng, tăng 29% và lợi nhuận trước thuế đạt 686 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Khối viễn thông tăng 13% và lợi nhuận trước thuế tăng 7% so với cùng kỳ, tương ứng 4.453 tỷ đồng và 901 tỷ đồng. Trong khi đó, mảng phân phối - bán lẻ của FPT có doanh thu và lợi nhuận trước thuế tăng lần lượt 18% và 16%, tương ứng 21.032 tỷ đồng và 558 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 10, FPT đang vận hành 246 cửa hàng.

>> FPT lọt Top 3 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam

Nguyên Văn

Ý kiến

()