Chúng ta

Chủ tịch FPT giải bài toán nguồn nhân lực tương lai

Chủ nhật, 29/11/2015 | 09:18 GMT+7

Đứng trước bài toán nguồn nhân lực của FPT Software Đà Nẵng nói riêng và FPT nói chung Chủ tịch Trương Gia Bình cho rằng, trong tương lai chương trình Nhân viên khởi nghiệp có thể giải quyết nhanh và bền vững vấn đề này.

Chiều ngày 25/11, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đã có buổi nói chuyện và nghe những chia sẻ của GĐ FPT Software Đà Nẵng Nguyễn Tuấn Phương cùng các lãnh đạo đóng trên địa bàn. Trong đó, nguồn nhân lực chất lượng cao dành cho các đơn vị đã được tập trung thảo luận.

DSC-0701-JPG-8615-1448595845.jpg

Chủ tịch Trương Gia Bình cũng một số lãnh đạo FPT đóng trên địa TP Đà Nẵng đã có khoảng thời gian thảo luận về vấn đề phát triển nhân lực.

Người đứng đầu Phần mềm FPT Đà Nẵng cho biết, đơn vị đang có tốc độ tăng trưởng tốt trong thời gian qua và dự kiến tiếp tục duy trì trong năm 2016. Trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2020, FPT Software Đà Nẵng cần tuyển cần tuyển trung bình từ 800 đến 2.000 người mỗi năm. Hiện cơ sở vật chất đủ để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng này. Dự kiến đầu năm sau, đơn vị sẽ chuyển toàn bộ 1.500 cán bộ nhân viên đang làm việc tại tòa nhà FPT trong khu Công nghiệp Đà Nẵng về Khu phức hợp văn phòng FPT. 

Nhưng theo anh Phương, rào cản lớn nhất chính là nguồn nhân lực chất lượng cao để thực hiện chiến lược 10.000 người vào năm 2020 và doanh thu 300 triệu USD. Trên thực tế, sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành CNTT trên địa bàn thành phố và miền Trung còn hạn chế, đặc biệt nguồn nhân lực tiếng Nhật. Để giải quyết vấn đề, thời gian qua, đơn vị cũng đã ký kết hợp tác với một số trường đại học tại khu vực miền Trung về đào tạo, hướng nghiệp cũng như nhận sinh viên khoa CNTT thực tập. Bước đi quan trọng nhất là FPT Software đã cam kết hỗ trợ các trường đại học trên địa bàn TP Đà Nẵng về chuyển giao nội dung chương trình đào tạo tiếng Nhật; tuyển thẳng vào thực tập cũng như làm việc tại công ty đối với những sinh viên năm 3 là học viên của các lớp CNTT Nhật ngữ. 

"Hiện một số trường đại học và THPT trên địa TP Đà Nẵng đã triển khai chương trình đào tiếng Nhật. Đặc biệt, lãnh đạo địa phương cũng đã hỗ trợ tối đa để cùng FPT giải bài toán nguồn nhân lực CNTT. Bên cạnh đó, chương trình 10.000 Kỹ sư cầu nối trên địa bàn khu vực miền Trung - Tây Nguyên vẫn đang tiến hành và thu được những tín hiệu tích cực từ khi triển khai", anh Phương chia sẻ.

Trước những vấn đề được đặt ra, Chủ tịch Trương Gia Bình nhấn mạnh sẽ giải quyết được vấn đề nhân lực nếu chương trình Nhân viên khởi nghiệp của FPT Software đi vào hoạt động ổn định. FPT tổ chức chương trình này nhằm hỗ trợ mục tiêu tìm kiếm nhân lực cho tập đoàn, và đội ngũ sẽ rất trẻ. "Đó có thể là học sinh lớp 11-12 đến sinh viên năm 1-2 và thậm chí năm 3-4. Mở ra cơ hội cho sinh viên không thuộc khối ngành CNTT nhưng có nền tảng cơ bản về lĩnh vực vẫn có thể tham gia vào làm việc ở FPT nói chung và FPT Software nói riêng".

DSC-0700-JPG-3520-1448595845.jpg

Anh Bình đã vạch ra một số hướng đi nhằm giải quyết nguồn nhân lực cho FPT nói chung và FPT Software nói riêng trong tương lai. 

Anh Bình cũng đánh giá cao những nỗ lực của FPT Software Đà Nẵng khi đưa được chương trình đào tạo tiếng Nhật vào các trường THPT và đại học trên địa bàn. Theo anh Bình, đây là hướng đi đúng và mang tính chiến lược dài hạn, mở ra bước đột phá cho học sinh, sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường. "Ý tưởng BrSE và đào tạo tiếng Nhật tại Đà Nẵng rất tuyệt vời. Điều đó có thể mở rộng bằng nhiều hình thức", anh khen ngợi.

Người đứng đầu tập đoàn còn mong muốn tất cả công ty thành viên của FPT phải có văn phòng tại Nhật Bản, bởi đây là môi trường tiềm năng cho FPT Software nói riêng và FPT nói chung.

Cùng ngày, trong cuộc tiếp đón đoàn lãnh đạo Myanmar, Chủ tịch Trương Gia Bình khẳng định, Myanmar là cơ hội lớn của tập đoàn. Trong bức tranh toàn cảnh ấy, cái mà FPT hoàn toàn có thể đi nhanh hơn so với lịch sử phát triển của mình chính là viễn thông. Đáp lại, Bộ trưởng Truyền thông và Công nghệ thông tin Myanmar U Zay Yar Aung ghi nhận các đề xuất "đáng quan tâm" của anh Bình và hứa sẽ hồi đáp sớm nhất cho tập đoàn.

Việt Nguyễn

Ý kiến

()