Chúng ta

Chủ tịch FPT điều phối Diễn đàn kinh tế tư nhân

Chủ nhật, 1/5/2016 | 16:14 GMT+7

Tại Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam sắp diễn ra, anh Trương Gia Bình sẽ điều hành phiên chuyên đề “Kinh tế số: Làm thế nào để thúc đẩy phát triển kinh tế ảo?”, một chuyên đề có vị thế bao trùm trong 10 chuyên đề của Diễn đàn.

Diễn đàn dự kiến tổ chức ở Hà Nội vào ngày 3/6 bao gồm các phiên thảo luận xung quanh các vấn đề mà doanh nghiệp Việt Nam quan tâm gồm 7 ngành: Kinh tế số (Chủ tịch phiên thảo luận: anh Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT). Các chủ đề còn lại gồm Nông- lâm nghiệp; Đào tạo & Dạy nghề; Phân phối & Logistics; Huy động vốn; Công nghiệp hỗ trợ; Năng lượng sạch & Tiết kiệm năng lượng; Hội nhập & Toàn cầu hóa; Khởi nghiệp và sáng tạo và Cụm liên kết ngành do lãnh đạo các tập toàn lớn trong nước điều phối.

Chia sẻ trước sự kiện, Chủ tịch Trương Gia Bình cho rằng, thuật ngữ “kinh tế số” (digital economy) là thuật ngữ mới, cũng giống như thuật ngữ “cách mạng số”, “cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”… đều có nội hàm nói về một cuộc cách mạng “long trời, lở đất” thay đổi diện mạo của thế giới, thay đổi cách thức chúng ta sống, làm việc và giao tiếp.

FPT-khoi-nghiep-4122-1462091689.jpg

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho rằng Việt Nam có nhiều lợi thế, mặc dù hiện tại chỉ tập trung vào outsourcing.

“Các chuyên gia dự báo rằng, thế giới ảo và thế giới thật sẽ là một. Mọi tổ chức, doanh nghiệp sẽ trở thành doanh nghiệp số, tổ chức số, mọi nhà lãnh trở thành nhà lãnh đạo số, mọi ngân sách trở thành ngân sách số, mỗi công dân đều có thể trở thành doanh nghiệp số. Đó là cuộc cách mạng chưa từng có trong lịch sử nhân loại, nó sẽ diễn biến rất nhanh. Dự kiến, năm 2017, các nước sẽ sử dụng ô tô phanh tự động và năm 2025, sẽ có thành phố không có đèn giao thông”, anh Bình cho biết.

Lâu nay, CNTT chỉ là phương tiện sử dụng trong các hoạt động của con người, thì trong cuộc cách mạng này, CNTT trở thành phương thức kinh doanh chưa từng có với những công ty tiêu biểu như Uber, một hãng taxi lớn nhất thế giới, nhưng không có chiếc taxi nào, như Airbnb là nhà cung cấp dịch vụ khách sạn lớn nhất thế giới, nhưng không có một mét vuông khách sạn…

Kinh tế số đang đóng góp khoảng 3 - 4% cho GDP ở các nước phát triển và tỷ lệ này đang tăng rất nhanh. Thay vì cần nhiều thập kỷ để khởi nghiệp và dựng nghiệp trong lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ truyền thống, ngày nay, những cái tên Google, Yahoo, Amazon, Ebay, Facebook, My space, Youtube... đang thống trị nền kinh tế số, đã chứng minh chu kỳ phát triển rút ngắn trong ngành kinh tế số.

Muốn hòa nhập vào nền kinh tế số, vào cuộc cách mạng công nghệ mới, yếu tố then chốt chính là nguồn nhân lực. Theo anh Bình, tại một quốc gia có thế mạnh về công nghệ như Mỹ, người đứng đầu quốc gia này cũng đã đưa ra lời kêu gọi: “Nếu muốn nước Mỹ luôn ở vị trí dẫn đầu thế giới, thì chúng ta cần những bạn trẻ người Mỹ phải cực kỳ giỏi sử dụng công cụ và các công nghệ, thứ sẽ giúp thay đổi cách chúng ta làm mọi thứ”.

“Tôi nghĩ là nhiều bạn trẻ chưa sẵn sàng, dù thế hệ Thiên niên kỷ (1982 - 2000) sinh ra với Internet, họ sống trong một thế giới mới mà Nguyễn Hà Đông là một điển hình. Họ giao tiếp khác, suy nghĩ khác, tương tác khác… Vậy làm thế nào để thanh niên Việt Nam trở thành một thế hệ mới phù hợp với thế giới số? Sẵn sàng số với thanh niên Việt Nam là việc sẵn sàng nắm vững các công nghệ mới như S.M.A.C, IoT. Mỗi người phải có năng lực sáng tạo và phải có bản sắc của mình. Những người trung bình sẽ không có công việc trong tương lai. Chỉ có những người khác biệt mới có việc làm. Tôi mong muốn trong tương lai mỗi người trẻ là một doanh nghiệp số”, ông Bình tâm sự.

Trước đó, tại hội thảo Công bố báo cáo phát triển thế giới 2016 diễn ra hồi tháng 3, Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình đã nghĩ một cách hết sức bài bản về việc làm thế nào để Việt Nam thực sự trở thành một quốc gia khởi nghiệp. Để làm được điều này, Chủ tịch FPT cho rằng Việt Nam cần làm được 3 việc.

Đầu tiên, nếu coi Việt Nam là một gia đình và Startup là những đứa con, thì bố mẹ phải tôn trọng con cái, khuyến khích con có tư duy sáng tạo. “Chuyện rất đơn giản như con viết tay trái, mọi người viết tay phải. Dù nó chả giống ai trong nhà, nhưng hãy nói: Con viết tay trái hay lắm!", anh Bình chia sẻ. “Hãy nói: Con sẽ làm được những điều rất tuyệt vời khi con tạo sự khác biệt. Hãy làm bánh theo kiểu con thích, cắt tóc theo kiểu con muốn.

"Những đứa trẻ ngoan ngoãn biết nghe lời sau này sẽ không làm nên chuyện!”, anh Bình lấy ví dụ.

Việc thứ hai, theo anh Bình, là hãy tăng cường việc đưa vào nhà trường những câu chuyện như Michael Dell bán tẩy cho bọn trẻ. Hãy đưa vào những nội dung như Thế nào là khởi nghiệp? Sáng tạo?

Thế nào là Doanh nhân? Về Âm nhạc đã sản sinh những con người này?... tức là một kiến thức về những con người vĩ đại trên thế gian bằng Startup. Tất cả điều này nhà trường cần dạy trẻ con từ bé.

Và cuối cùng là về tài chính. Việt Nam phải có các nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm... tức là có cả hệ sinh thái khởi nghiệp. Sinh viên phải biết chúng còn thiếu gì? Ai giải bài toán cho chúng? Ai chia sẻ với chúng kinh nghiệm? Hãy mở cửa cho quỹ đầu tư nước ngoài, đem tất cả kiến thức hiện đại nhất về phát triển Startup.  

FPT Ventures ra mắt tháng 5/2015, hoạt động với tư cách như một nhà đầu tư và là nơi ươm mầm cho các startup bằng việc cung cấp tiền mặt, nguồn lực cũng như kỹ năng về công nghệ và kinh nghiệm quản lý. Quỹ sẽ đưa ra quyết định đầu tư chỉ trong vòng 4 tháng kể từ ngày ý tưởng được gửi đi và yêu cầu của FPT Ventures với các nhà sáng lập là cam kết trong vòng ít nhất 5 năm phải xây dựng được thành một công ty lớn.

Hiện FPT Ventures đầu tư ngay trong nội bộ tập đoàn và các khởi nghiệp bên ngoài, gồm: ANTS, dự án bảo mật CyRadar, Ứng dụng di động dạy phát âm tiếng Anh Elsa… Theo tiết lộ bên lề sự kiện Quỹ Tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (Vietnam Innovative Startup Accelerator, gọi tắt là VIISA) diễn ra chiều ngày 30/3, đại diện FPT Ventures cho biết, chưa đầy một năm nhưng quỹ đã rót vốn trên 1 triệu USD cho các khởi nghiệp.

>> FPT là khởi thủy của khởi nghiệp Việt Nam

Nguyên Văn

Ý kiến

()