Chúng ta

Chiến dịch ‘12 ngày đêm’ của đội quân RPA

Thứ năm, 6/9/2018 | 11:17 GMT+7

Diễn ra liên tục trong 19 ngày với nhân sự 12 người, chiến dịch “12 Days To Go” do đội RPA (Robotic Process Automation) thuộc đơn vị FSS (FPT Software Services) thực hiện đã làm việc xuyên kỳ nghỉ lễ Quốc khánh để kịp hoàn thiện sản phẩm trước sự kiện Tech Day (12/9) sắp tới.

RPA (Robotic Process Automation) là một hệ thống giúp tự động hoá các quy trình, nghiệp vụ trong một doanh nghiệp. Từ đó, giúp doanh nghiệp nâng cao được năng xuất lao động, giảm các chi phí nhân công, con người có cơ hội làm những việc có giá trị hơn. Trong tương lai, RPA còn có thể giúp doanh nghiệp ra quyết định về mặt kinh doanh.

Đầu tháng 8 vừa qua, đơn vị FSS đã bán thành công bản quyền sản phẩm Aka RPA cho ngân hàng thuộc Top 3 Nhật Bản, có chi nhánh tại Việt Nam. Aka RPA đã đánh dấu lần đầu FPT Software bán thành công bản quyền phần mềm.

40971467-220020225535242-55437-7776-3877

"Đại bản doanh" của chiến dịch là phòng RPA, khoang Long Biên, F-Ville 2, Hòa Lạc.

Với mục đích tiếp tục hoàn thiện sản phẩm này để mở rộng thị trường không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài (đầu tiên sẽ là thị trường Nhật Bản), đồng thời để kịp ra mắt sản phẩm tại ngày hội Tech Day hướng tới kỷ niệm 30 năm thành lập tập đoàn FPT diễn ra vào ngày 12/9, đội ngũ RPA đã bắt tay thực hiện chiến dịch “12 Days To Go” (12 ngày đêm) tại Hòa Lạc.

Chiến dịch diễn ra từ ngày 20/8-7/9 tại phòng RPA, khoang Long Biên, F-Ville 2, Hòa Lạc, Hà Nội. Chiến dịch kéo dài 19 ngày nhưng có tên gọi là "12 ngày đêm" bởi tổng thời gian làm việc của chiến dịch (không tính thời gian ngủ nghỉ) là 288 giờ đồng hồ (tương đương 12 ngày).

Đội quân thực hiện chiến dịch gồm có 12 CBNV, trong đó có 8 chuyên gia RPA của FSS.SIS Hà Nội; 2 CBNV đến từ FSS.SIS Đà Nẵng và 2 tester (người kiểm thử sản phẩm) được huy động từ các đơn vị khác sang. Chỉ huy trưởng của chiến dịch là anh Vũ Hồng Chiên, PGĐ FSS.

Từ ngày đầu thực hiện chiến dịch cho đến nay, các “chiến sĩ” RPA luôn trực chiến tại “đại bản doanh”  kể cả cuối tuần và dịp lễ Quốc khánh 2/9 vừa qua. Thời gian làm việc một ngày của họ lên tới 20 giờ liên tục. “Mọi người sẽ làm từ sáng sớm cho đến 2-3h sáng, ăn trưa và ăn tối tranh thủ rất chóng vánh. Đêm thì chúng tôi thay phiên nhau xuống nhà khách công ty ngủ vài tiếng rồi lại lên làm tiếp”, anh Chiên cho hay.

Đã hơn 10 ngày xa gia đình và “đắm chìm” trong công việc nhưng chị Đỗ Thị Xoan (FGA.BU0), một trong 2 CBNV nữ của chiến dịch, vẫn rất nhiệt huyết và hào hứng: “Dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của anh Chiên cùng sự cố gắng, nỗ lực của các anh em trong chiến dịch thì tôi càng quyết tâm phải làm hết sức mình để chiến dịch thành công. May mắn là tôi nhận được sự ủng hộ rất lớn từ gia đình”.

41088996-454058158436396-20064-4335-3268

12 chiến sĩ nhà Phần mềm ngày đêm "chiến đấu" để hoàn thiện sản phẩm Aka RPA trước ngày 7/9. Đã 16 ngày các anh chị ăn ngủ cùng chiến dịch

Anh Trần Khắc Tuân và anh Hồ Phước Tú là 2 CBNV FPT Software Đà Nẵng được huy động bay ra Hà Nội để tham gia chiến dịch. Các anh đều là những ông bố trẻ, tạm xa gia đình nhỏ của mình để tập trung trí lực cho “trận đánh” đặc biệt này. 

“Đây là một dự án rất quan trọng nên anh em chúng tôi đều cố gắng tập trung cao độ, mọi người trao đổi rất cởi mở để chiến dịch có thể hoàn thành trước kế hoạch. Tôi rất ấn tượng với tính ứng dụng cao của sản phẩm RPA và mong muốn sản phẩm sớm đến được với nhiều khách hàng lớn hơn nữa”, anh Trần Khắc Tuân bộc bạch.

Sau 16 ngày đêm diễn ra liên tục, chiến dịch đã và đang đạt được đúng kế hoạch đề ra. Hiện, sản phẩm Aka RPA ở giai đoạn đóng gói, xác minh và kiểm thử. Anh Vũ Hồng Chiên cho biết: “Tạm thời, ở thời điểm hiện tại, sản phẩm đã đủ tự tin để ra mắt trong chương trình Tech Day ngày 12/9; đủ tự tin để mang đi bán cho khách hàng. Hiện giờ, chúng tôi chỉ tập trung cho việc kiểm tra và sửa lỗi nếu có để đảm bảo tính ổn định của sản phẩm”.

Anh Chiên cho biết thêm động lực lớn nhất để các anh em trong nhóm có thể nỗ lực hết sức cho chiến dịch này là niềm tự hào rằng đây là lần đầu tiên FPT Software bán thành công sản phẩm bản quyền và “chúng tôi là những người đầu tiên ở FPT làm ra sản phẩm đó”.

Tầm nhìn đến năm 2020, nền tảng về RPA của FPT Software sẽ đủ mức độ trưởng thành và tích hợp sâu với AI (trí tuệ nhân tạo), ví dụ như tích hợp với OCR, chatbot để xử lý ảnh, chat và thu thập thông tin, sau đó chuyển dữ liệu cho robot xử lý. RPA lúc đó sẽ thiên về xử lý dữ liệu phi cấu trúc (unstructured data), hiện tại đang tập trung xử lý dữ liệu có cấu trúc (structured data). Ngoài ra, RPA còn hướng tới việc tích hợp trợ lý ảo (virtual assistant), với ý nghĩa không chỉ xử lý các quy trình mà còn có thể dự đoán, ra quyết định hoặc đưa ra lời khuyên cho người dùng.

Diệu Anh

Ý kiến

()