Chúng ta

‘Phải nghĩ khác khi áp dụng BSC’

Thứ năm, 6/12/2012 | 18:14 GMT+7

‘Tôi ấn tượng nhất với sự cam kết, tham gia của lãnh đạo tập đoàn và các công ty thành viên, những người đã làm việc rất chăm chỉ để thiết kế ra các Bản đồ chiến lược”, tư vấn dự án Balanced Score Card (BSC) của FPT, ông Adrian, nhận xét.
 

Chuyên gia tư vấn của Công ty Achermar, Australia, trao đổi với Chúng ta về những yếu tố giúp dự án BSC thành công.

- Lý do nào khiến các doanh nghiệp dùng BSC làm công cụ thực hiện chiến lược, thưa ông?

- Trước hết, cần hiểu BSC là một phương pháp quản lý chiến lược hơn là một công cụ đơn thuần. Các công ty niêm yết như FPT có mục tiêu trọng tâm là đem lại cho cổ đông lợi nhuận lâu dài và bền vững, ít nhất cao hơn triển vọng của thị trường.

Để đạt được điều này, doanh nghiệp thường áp dụng đầy đủ các bước và yêu cầu của phương pháp BSC, đã được phát triển trong suốt 20 năm qua. Chúng bao gồm các yếu tố: Tầm nhìn, Giá trị và Sứ mệnh, Chủ đề chiến lược, Bản đồ chiến lược, Báo cáo chiến lược và cả phòng Quản lý chiến lược trong phương pháp để quản lý hành động theo định kỳ hằng tháng.

- Vậy đã có những doanh nghiệp nào trên thế giới chuyển bại thành thắng nhờ BSC?

- BSC căn chỉnh các mục tiêu ngắn hạn, trung hạn (trên Bản đồ chiến lược) với những mục tiêu dài hạn của tổ chức (Sứ mệnh/Tầm nhìn). Điểm nổi bật trong phương pháp là định nghĩa rõ ràng các mục tiêu chiến lược, chỉ tiêu và kết quả mong muốn; đồng thời sắp xếp các hành động, dự án trong toàn tổ chức phục vụ việc thực thi chiến lược.

Chuyên gia tư vấn Adrian cho rằng FPT phải nghĩ khác khi áp dụng BSC. Ảnh: NVCC.

Chuyên gia tư vấn Adrian cho rằng FPT phải nghĩ khác khi áp dụng BSC. Ảnh: NVCC.

Rất nhiều công ty đã triển khai thành công những chiến lược mới, táo bạo nhờ phương pháp quản lý chiến lược BSC. Các tập đoàn nổi tiếng áp dụng BSC đều là những công ty đa dạng về văn hóa, quy mô, loại hình kinh doanh và có thành công vượt trội, trong đó BSC đóng vai trò trọng tâm.

- Đến nay, ông nhận định gì về những kết quả bước đầu của dự án BSC tại FPT?

- Dự án BSC tại FPT đang ở giai đoạn đầu nhưng đã có những kết quả rất đáng khích lệ. Chủ tịch Trương Gia Bình ủng hộ mạnh mẽ và có định hướng rất rõ ràng. Những định hướng này được thể hiện qua các chủ đề chiến lược và được mô tả trong Bản đồ chiến lược.

Tôi ấn tượng nhất với sự cam kết, tham gia của lãnh đạo tập đoàn và các công ty thành viên, những người đã làm việc rất chăm chỉ để thiết kế ra các Bản đồ chiến lược. Hy vọng sắp tới, chúng ta sẽ thấy một FPT mới, đầy sức sống từ những định hướng mới này.

- Theo ông, FPT có những thuận lợi và khó khăn gì khi áp dụng BSC so với các doanh nghiệp khác trên thế giới?

- Sự ủng hộ từ lãnh đạo là yếu tố quan trọng nhất trong việc triển khai BSC. Tận dụng điểm thuận lợi này, chúng ta cần đào tạo, hỗ trợ các đơn vị triển khai để đảm bảo chúng ta phải “nghĩ khác” khi áp dụng BSC. Đồng thời, FPT phải tận dụng và coi đây là cơ hội để đa dạng hơn các buổi họp về chiến lược.

Song song, chúng tôi có những mô hình thành công và hướng dẫn chi tiết để triển khai thành công từng bước của BSC tại FPT.

- Ông có lời khuyên gì cho FPT để tập đoàn sớm áp dụng thành công BSC?

- Theo tôi, FPT và các doanh nghiệp nên tập trung vào 3 điểm: Duy trì sự tham gia và chỉ đạo của lãnh đạo trong quy trình BSC; Sớm đưa dần các sản phẩm trong dự án vào áp dụng, bởi càng trì hoãn thì hiệu quả càng giảm; Cải tiến và hoàn thiện dần quy trình, đồng thời sử dụng các chuyên gia để xây dựng đội ngũ triển khai vững mạnh.

Adrian là một nhà tư vấn quản lý giàu kinh nghiệm với hơn 13 năm kinh nghiệm, làm việc trực tiếp hoặc hợp tác trong các dự án với tiến sĩ Kaplan và Norton, cha đẻ của BSC.

Ông từng làm tư vấn cho PWC và KPMG trước khi làm việc với Kaplan và Norton. Adrian có bằng MBA của Đại học Monash, Australia, và có chứng chỉ CPA (dùng cho lĩnh vực kế toán).

Trước đó, Adrian làm việc trong các công ty đa quốc gia với vai trò tư vấn tài chính cao cấp tại các khu vực Trung Đông, châu Á, châu Phi và châu Úc.

Lâm Thao - Thăng Long

Ý kiến

()