Chúng ta

Khái niệm về Thẻ điểm cân bằng

Thứ sáu, 2/11/2012 | 10:58 GMT+7

Thẻ điểm cân bằng (Balanced Score Card - BSC) đã được nhiều công ty trong Top Fortune 500 tin tưởng áp dụng trong việc xây dựng chiến lược của mình.

BSC của tiến sĩ Robert Kaplan và David Norton, ĐH Harvard (Mỹ), là công cụ quản lý chiến lược giúp tổ chức chuyển chiến lược thành các mục tiêu hoạt động cụ thể. Hệ thống quản lý này giúp lãnh đạo xác định rõ chiến lược và lái toàn bộ nguồn lực về một hướng thống nhất.

Ban đầu BSC được thiết kế là một công cụ đo lường hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Sau đó được phát triển thành công cụ đánh giá hiệu quả chiến lược và hiện tại là mô hình quản lý chiến lược.

Thực tế, thông tin trong báo cáo tài chính truyền thống hiện nay chỉ cho thấy kết quả hoạt động của công ty trong quá khứ và hầu như không thể dự báo được kết quả của doanh nghiệp đó trong tương lai.

Balanced Score Card được cấu thành bởi 4 yếu tố: Tài chính, Khách hàng, Quy trình nội bộ và Học tập - phát triển. Ảnh: S.T.

Bản đồ chiến lược được cấu thành bởi 4 yếu tố: Tài chính, Khách hàng, Quy trình nội bộ và Học tập - phát triển. Ảnh: S.T.

Ngược lại, BSC cung cấp một hệ thống đo lường kết quả hoạt động của công ty, trong đó không chỉ xem xét các thước đo tài chính, mà còn cả thước đo khách hàng, kinh doanh…

Công cụ này được xây dựng nên hai sản phẩm chính là Bản đồ chiến lược (Strategy Map) và Thẻ điểm (Score Card). Trong đó, Bản đồ chiến lược phác họa quá trình tạo ra các giá trị và kết quả kinh doanh mong muốn thông qua mối quan hệ nhân - quả giữa các mục tiêu trong 4 yếu tố: Tài chính, Khách hàng, Quy trình nội bộ và Học tập - phát triển.

Còn Thẻ điểm triển khai trên cấu trúc thống nhất với bản đồ chiến lược, cung cấp các chỉ số đo, chỉ tiêu và hành động chiến lược tương ứng từng mục tiêu.

Mỗi mục tiêu chiến lược đặt ra sẽ có một hoặc nhiều chỉ số đo và chỉ tiêu cụ thể. Tương ứng, các đơn vị sẽ triển khai các công cụ đo lường phù hợp để theo dõi kết quả thường xuyên.

Từ đó, hằng tháng và hằng quý, doanh nghiệp sẽ có báo chi tiết về hoạt động. Hoạt động này được duy trì ở 80% các công ty áp dụng BSC, với việc triển khai báo cáo tối thiểu là hằng quý.

Bản đồ chiến lược của Volkswagen. Ảnh: S.T.

Bản đồ chiến lược của Công ty Volkswagen tại Brazil. Ảnh: S.T.

Áp dụng BSC sẽ giúp lãnh đạo và quản lý xác định các dự án, hành động ưu tiên giúp hiện thực hóa chiến lược. Qua các chỉ số đo hiệu quả về 4 yếu tố được báo cáo định kỳ, thường xuyên giúp cán bộ lãnh đạo được cảnh báo sớm và có quyết định chính xác, kịp thời hơn.

Công cụ này cũng làm rõ mối liên kết giữa các mảng hoạt động trong tổ chức với chiến lược. Qua đó mỗi nhân viên hiểu rõ hơn vị trí và vai trò của mình trong chiến lược, để tăng cường động lực đóng góp cho công ty.

Thông qua bản đồ chiến lược đã mô tả rõ ràng và trực quan phương thức vận hành của tổ chức, doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh được hoạt động truyền thông nội bộ lẫn bên ngoài.

Tuy nhiên, việc triển khai BSC gắn liền với việc thực thi chiến lược nên đòi hỏi sự cam kết, nỗ lực và sáng tạo không ngừng của đội ngũ lãnh đạo và toàn thể cán bộ nhân viên.

Với những hiệu quả trên, BSC đang được áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới, với rất nhiều điển hình thành công trong hầu hết các ngành, lĩnh vực. Nghiên cứu Bain & Co kết luận rằng, có hơn 60% công ty thuộc Fortune 500 sử dụng BSC. Một khảo sát toàn cầu của 2GC vào 2011 cho thấy, 73% công ty áp dụng BSC đánh giá công cụ này hiệu quả ở mức “Cực kỳ” và “Rất cao”.

BSC đang được triển khai mạnh mẽ tại FPT. Lãnh đạo FPT nhận thấy BSC là một công cụ hữu hiệu giúp triển khai chiến lược, đưa FPT phát triển mạnh mẽ và trở thành một tập đoàn toàn cầu.

Ngư Nhi tổng hợp

Kỳ sau: Triển khai Balanced Score Card tại FPT.

Ý kiến

()