Chúng ta

FPT Japan đặt mục tiêu 200 triệu USD vào năm 2017

Thứ tư, 13/11/2013 | 21:45 GMT+7

“FPT Japan mong muốn chiếm 50% trong mục tiêu doanh số Toàn cầu hóa thách thức của tập đoàn”, Giám đốc FPT Japan Trần Xuân Khôi bày tỏ.

Có thể nói “cơn gió Đông Du” đã tạo ra những nhịp sóng đầu tiên trong chiến lược Toàn cầu hóa của tập đoàn. Cách đây đúng 8 năm, ngày 13/11/2005, FPT đã thành lập Công ty TNHH FPT Software Nhật Bản (FPT Japan), “đóng đô” ở Osaka. Với tiêu chí công ty “toàn cầu” là phải có văn phòng ở khắp nơi trên thế giới, FPT Software phát triển chi nhánh ở đất nước mặt trời mọc nhằm bám chặt vào “đai lưng địch mà đánh”.

FPT Japan vươn mình tại đất nước Mặt trời mọc. Ảnh: C.T.

FPT Japan vươn mình tại đất nước Mặt trời mọc. Ảnh: C.T.

Đến nay, công ty đã có ba văn phòng tại những thành phố lớn của Nhật Bản là Tokyo, Osaka và Nagoya. Việc liên tiếp hiện diện tại các thủ phủ công nghiệp thể hiện quyết tâm phát triển thị trường Nhật Bản của FPT. Bởi, đối với FPT Software, Nhật Bản là thị trường quan trọng nhất, đóng góp doanh thu lớn nhất (trên 50%) và là một trong những thị trường quan trọng trong chiến lược toàn cầu hóa của công ty.

Trong ba năm gần đây (2010-2012), doanh thu từ thị trường Nhật Bản của FPT Software luôn đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 27,5% mỗi năm. Dự kiến, trong năm 2013, con số tăng trưởng doanh thu từ thị trường Nhật Bản sẽ đạt 40%.

“FPT hiện là doanh nghiệp chủ lực trong dich vụ phát triển, ủy thác phát triển phần mềm, nhất là thị trường Nhật Bản”, ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT - Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết:

Là doanh nghiệp phần mềm Việt tiên phong, nhưng doanh thu của FPT tại thị trường Nhật còn quá nhỏ bé so với quy mô của thị trường này. Theo Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến, Nhật Bản đang là thị trường phần mềm lớn thứ tư thế giới với quy mô chi tiêu trên 130 tỷ USD hằng năm và rất cần đối tác cung cấp nước ngoài. Trong khi đó doanh thu của FPT Software ở đây khá khiêm tốn, khoảng 55 triệu USD.

Thực tế, FPT Software và các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn tại xứ Phù Tang. Báo cáo của Cơ quan Xúc tiến CNTT Nhật Bản (IPA) cho hay, năm 2012, Việt Nam đã vượt qua Ấn Độ trở thành đối tác lớn thứ hai của Nhật Bản với 23% lượng đơn đặt hàng từ hải ngoại, vượt trên Ấn Độ (với 13,7%).

Anh Trần Xuân Khôi tiết lộ, năm 2014, FPT Japan dự kiến đạt 75 triệu USD. Ảnh: Nguyên Anh.

Anh Trần Xuân Khôi tiết lộ, năm 2017, FPT Japan đặt mục tiêu đạt 200 triệu USD. Ảnh: Nguyên Anh

Từ năm 2009, Việt Nam giữ vị trí là đối tác được ưa thích nhất của các doanh nghiệp Nhật Bản với 31,5% phiếu bình chọn của các doanh nghiệp Nhật, Ấn Độ chiếm 20,6% còn Trung Quốc là 16,7%.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Kinh tế Nhật Bản, tổng giá trị đơn hàng của doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản mới chỉ bằng 1/30 Trung Quốc.

Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) Trương Gia Bình trong buổi gặp gỡ ICT đầu năm cho hay: “Cơ hội tăng trưởng không giới hạn từ thị trường Nhật Bản thực sự rất gần, có thể nói là trong tầm tay. Nếu coi hợp ủy thác dịch vụ, phát triển phần mềm là cá, thì chúng ta đang gặp một đàn cá rất lớn, nhưng liệu các doanh nghiệp Việt Nam có ‘đan’ được một tấm lưới đủ chắc để nắm bắt cơ hội này hay không”.

“Các doanh nghiệp Nhật đang trong làn sóng đi tìm đối tác mới ngoài Trung Quốc. Chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để nâng tầm hợp tác CNTT giữa hai nước lên tầm cao và quy mô mới”, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VINASA Phạm Tấn Công khẳng định.

Trước cơ hội lớn đó, Giám đốc FPT Japan Trần Xuân Khôi đặt mục tiêu năm 2017, thị trường Nhật Bản sẽ đem về cho công ty doanh thu 200 triệu USD.

Tuy nhiên, vấn đề của công ty hiện tại là nguồn nhân lực. Ước tính, để đạt được con số trên, FPT Japan cần 8.000 kỹ sư biết tiếng Nhật trong thời gian ngắn tới. Giải được bài toán này, chắc chắn mục tiêu đóng góp vào 50% cho mục tiêu thách thức trong chiến lược Toàn cầu hóa của tập đoàn là khả thi.

Triệu Mẫn

Ý kiến

()