Chúng ta

Đi lên nhờ thẻ điểm cân bằng

Thứ sáu, 19/10/2012 | 16:57 GMT+7

Nhiều công ty trên thế giới đã chuyển bại thành thắng sau khi áp dụng Balanced Score Card vào chiến lược phát triển của mình.

Thẻ điểm cân bằng (Balanced Score Card - BSC) của tiến sĩ Robert Kaplan và David Norton, ĐH Harvard, là một công cụ hàng đầu để sắp xếp các hành động của một công ty với những mục tiêu chiến lược đã đề ra. Hệ thống quản lý kết quả hoạt động này đã giúp các lãnh đạo xác định rõ tầm nhìn chiến lược và lái con người, các đơn vị kinh doanh và nguồn lực hướng về một chiến lược thống nhất.

Phương pháp làm chiến lược trên đã được chuẩn hóa và áp dụng rộng rãi tại nhiều tổ chức, tập đoàn quốc tế với kết quả bất ngờ.

Dịch vụ chuyển phát nhanh UPS của Mỹ đang trong tình trạng nợ chồng chất khi bắt đầu thực hiện BSC. Nhưng UPS muốn tiếp tục cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh hơn nữa. Hãng mở rộng chi nhánh và bước vào kênh kinh doanh mới là các ngành dịch vụ, bên cạnh trọng tâm phân phối hàng hoá và thông tin đi kèm vào cuối những năm 1990. UPS vạch ra chiến lược tiếp quản những công ty về lĩnh vực này và tạo ra những loại hình công ty mới.

Sức mạnh của phương pháp tiếp cận BSC nằm ở quá trình điều chỉnh, sắp xếp tầm nhìn và nhiệm vụ xuyên suốt tổ chức và làm cho từng nhân viên cảm thấy giá trị của họ. Mỗi nhân công của UPS đều hiểu rằng đóng góp của họ có ảnh hưởng như thế nào tới kết quả hoạt động cuối cùng của công ty.

Volkswagen đã vươn lên vị trí số 1 thị trường ô tô Brazil nhờ Thẻ điểm cân bằng. Ảnh: S.T.

Volkswagen đã vươn lên vị trí số 1 thị trường ô tô Brazil nhờ Thẻ điểm cân bằng. Ảnh: S.T.

Khi nhận thấy mình đang mất dần khách hàng, UPS yêu cầu nhân viên gọi điện cho từng khách hàng để xác định rõ mong muốn và chào mời những gói dịch vụ phù hợp hơn. Quá trình này đòi hỏi nhân viên học cách đặt câu hỏi cho khách hàng và thu thập phản hồi để cải tiến. UPS đã giảm được 75% số khách hàng bỏ đi và học được cách thay đổi dịch vụ để duy trì lợi thế cạnh tranh. Nhờ đó, UPS được vinh danh là “Công ty của năm” vào năm 1999 do tạp chí Forbes bình chọn.

Tập đoàn khách sạn Hilton áp dụng BSC từ năm 1997. Họ coi phương pháp này là nền tảng để chuyển từ tầm nhìn chiến lược của công ty sang chiến lược marketing, quản lý thương hiệu, quá trình hoạt động cũng như một loạt nhóm cấu thành khác, gồm khách hàng, cổ đông và nhân viên.

BSC không chỉ giữ điểm mà còn phục vụ theo cách xác định và ưu tiên những hoạt động sẽ có thể cải thiện điểm, thực thi hành động đúng đắn và ghi nhận sự cải thiện. 

Chuỗi giá trị của Hilton cho thấy sự nổi bật của cải thiện không ngừng giữa những mắt xích khác kết nối tầm nhìn và chiến lược với marketing, hệ thống điều hành và tài chính. Trước hết, chiến lược của công ty được kiểm tra về khả năng có thể nuôi dưỡng tầm nhìn hay không. Sau đó, chiến lược và các chiến thuật marketing được phát triển, kết quả tạo ra những chỉ số thể hiện việc hoạt động cụ thể và các mục tiêu hợp thành Thẻ điểm cân bằng.

Sau 8 năm liên tiếp thua lỗ và sụt giảm thị phần, năm 2006, đội ngũ quản lý mới tại công ty sản xuất ôtô Volkswagen, Brazil, đã triển khai bản đồ chiến lược để thay đổi tình hình.

Họ đặt mục tiêu khôi phục vị trí số một tại Brazil vào năm 2009. Điều này được những người đứng đầu quyết tâm thực hiện thông qua thiết kế sáng tạo, hiệu suất cao và giá cả cạnh tranh của chiếc xe. Đối tượng khách hàng được Volkswagen nhắm tới là người có thu nhập khá trở lên.

Volkswagen đã thiết kế một bản đồ chiến lược với những hành động cụ thể để đến thành công. Nhóm nghiên cứu sử dụng bản đồ chiến lược để sắp xếp các nguồn lực tài chính và dự án chiến lược, để thúc đẩy hơn 20.000 nhân viên bằng việc giao tiếp chiến lược theo nhiều cách và cài đặt chương trình khen thưởng và công nhận. Đồng thời, thiết lập những chương trình mới để sắp xếp mạng lưới rộng lớn của các nhà cung cấp và những đại lý chiến lược.

Sau 2 năm triển khai Thẻ điểm cân bằng, doanh thu của Volkswagen tăng từ 5,2 tỷ Euro (2006) lên 7 tỷ Euro vào năm 2008 và đạt 9,2 tỷ Euro vào năm 2010. Sản phẩm của hãng đã tăng từ 594.000 ôtô (năm 2006) lên 717.000 và 825.000 lần lượt vào các năm 2008 và 2010.

Volkswagen đã chinh phục được mục tiêu đạt vị trí số một trong lĩnh vực sản xuất ôtô ở Brazil vào năm 2008 và giữ vị trí thứ hai trong năm 2010.

Mô hình BSC hiện được 70% doanh nghiệp thuộc Fortune 500 ứng dụng. Tại Việt Nam, hiện có một số tập đoàn lớn như FPT, Phú Thái... cũng đang áp dụng mô hình này.

Triệu Mẫn tổng hợp

Ý kiến

()