Chúng ta

Áp dụng SIT để sáng tạo 'iPhone tắc kè hoa'

Thứ năm, 6/11/2014 | 13:00 GMT+7

Các nhóm tham dự TGB Seminar số 5 đã áp dụng 5 kỹ thuật sáng tạo của SIT để cho ra chiếc iPhone độc đáo với các tính năng như vỏ điện thoại tự biến đổi màu theo trang phục, bỏ hẳn màn hình thành cúc áo thông minh...

Chiều ngày 5/11, TBG Seminar on Leadership số 5 đã được tổ chức tại tầng 13, tòa nhà FPT Cầu Giấy, Hà Nội, với chủ đề "Phương pháp sáng tạo có hệ thống - Systematec Inventive Thinking (SIT)" do Báo cáo viên Phan Phương Đạt, Hiệu phó ĐH FPT, trình bày.

Khi đặt vấn đề sáng tạo đến từ đâu, nhiều người sẽ có câu trả lời khác nhau. Phương pháp luận SIT (Systematic Inventive Thinking) ra đời góp phần lý giải câu hỏi này một cách rõ ràng hơn. 

SIT chỉ ra, trong thực tế, trẻ con luôn sáng tạo hơn người lớn vì chúng không có những giả định ngầm. Câu chuyện thú vị về cái lò nướng chỉ ra những cố định về nhận thức của chúng ta. Khi người vợ làm chân giò nướng, cô thường chặt đôi rồi mới cho vào lò. Người chồng ngạc nhiên hỏi thì biết cô học từ mẹ, sau đó tìm hiểu thêm và biết được mẹ học từ bà. Song thời trước, do lò nướng nhỏ nên bà mới phải làm thao tác chia đôi, và dần dần nó hình thành thói quen cho thế hệ kế tiếp, mọi người coi đó là điều hiển nhiên đúng và cứ thế làm theo.

Từ đó, báo cáo viên chỉ ra lý do chúng ta không sáng tạo được là vì đã hình thành cho mình một số giả thiết trong quá trình lớn lên. Phá được những giả định này sẽ dẫn đến sáng tạo, nhưng thường lúc đó ta không nhìn thấy giả định này mà chỉ nhận ra khi nó đã bị phá.

Khác với "Out of the box" cho rằng các ý tưởng không có quy luật chung, khuyến khích mọi người nghĩ ra thật nhiều ý tưởng một cách ngẫu nhiên, SIT lại quan điểm các sáng tạo đều có những mô hình chung và trên cơ sở đó xác định 5 kỹ thuật của sáng tạo, gồm Subtraction (Loại bớt), Multiplication (Nhân bản), Division (Phân chia), Task Unification (Hợp nhiệm) và Attribute Dependency (Thuộc biến). 

Báo cáo viên đã chia người tham dự thành 5 nhóm áp dụng 5 kỹ thuật này để sáng tạo iPhone mới và cho ra những kết quả thú vị. Một số hình ảnh về TGB Seminar số 5:

4-3225-1415253297.jpg

Chương trình lần này đã thu hút hơn 50 người tham dự.

1-3626-1415253297.jpg

Anh Trương Gia Bình nhấn mạnh tầm quan trọng của sáng tạo với FPT khi tập đoàn đang hướng đến mục tiêu trở thành tổ chức học hỏi. Theo anh, chỉ có sáng tạo mới giúp chúng ta vươn lên tầm cao mới, thực hiện những mục tiêu xa hơn trên thị trường toàn cầu. Phương pháp sáng tạo này cũng liên quan mật thiết đến những chủ đề trước như Lean Start-up, Thành Cát Tư Hãn... Nắm vững những kiến thức này sẽ giúp người FPT khai phá khả năng tiềm ẩn, từ đó đóng góp cho công việc.

2-2455-1415253297.jpg

Anh Đạt giải thích rõ 5 kỹ thuật của SIT mà anh gọi là "Cách tân ngũ tuyệt". "Loại bớt" là cách bỏ bớt một thành phần quan trọng của sản phẩm và thử xem “sản phẩm ảo” được cấu thành bởi các thành phần còn lại có thể dùng làm gì. "Nhân bản" sẽ nhân một thành phần nào đó lên và dùng cho việc khác. Tiếp theo, người ta có thể dùng "Phân chia" để chia sản phẩm thành nhiều phần khác nhau nằm ở những chỗ khác nhau trong tình huống sử dụng, như việc tách bảng điều khiển ra khỏi TV. Kỹ thuật "Hợp nhiệm" được dùng để thêm chức năng cho một tài nguyên sẵn có, hay gộp vài chức năng vào trong một thành phần. Còn "Thuộc biến" là cách làm cho các thuộc tính của sản phẩm phụ thuộc vào nhau, ví dụ điện thoại thông minh cung cấp thông tin nhà hàng trên cơ sở tọa độ của bạn (thông tin phụ thuộc vị trí).

3-3723-1415253297.jpg

Nguyên tắc quan trọng nhất của SIT là "Closed World - Cái khó ló cái khôn". "Bằng cách xác định và đóng các đường biên của một thách thức, chúng ta sẽ trở nên sáng tạo hơn, ít ra là so với việc chơi trò ghép chữ trên bảng hoặc chém gió về những thứ trừu tượng trong cuộc họp", anh Đạt chỉ ra. Nguyên tắc thứ hai là “Function Follows Form” (Hình trước ý sau), đa số mọi người đều nghĩ sáng tạo bắt đầu bằng một vấn đề rồi đi tìm lời giải nhưng SIT cho rằng nếu có lời giải trừu tượng rồi đi ngược đến vấn đề có thể giải quyết sẽ dễ dàng hơn.

5-9917-1415253297.jpg

Sau phần chia sẻ các kiến thức cơ bản về SIT, anh Đạt đưa ra bài tập cho các nhóm thực hành. Trong vòng 20 phút, mỗi nhóm sẽ áp dụng một trong 5 kỹ thuật để sáng tạo một chiếc iPhone mới.

6-4641-1415253297.jpg

Các nhóm đều tích cực thảo luận để tìm ra những ý tưởng đột phá nhất.

7-4041-1415253297.jpg

"Lần đầu tiên được nghe đến phương pháp sáng tạo có hệ thống, mình nhận ra nhiều điều bổ ích và lý thú cho bản thân. Dự án Công nghệ Giáo dục tôi đang tham gia đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng, và lý thuyết này có thể gợi mở nhiều ý tưởng cho công việc. Nguyên tắc sáng tạo của SIT không quá phức tạp mà dựa trên nền tảng sẵn có, song để có những ý tưởng đột phá, chúng ta vẫn phải cần thời gian để thay đổi những cố định về nhận thức", chị Hoàng Giang Quỳnh Anh, ĐH FPT, chia sẻ.

8-9542-1415253297.jpg

Nhóm đầu tiên trình bày ý tưởng về iPhone mới bằng cách áp dụng kỹ thuật "Loại bớt" đã đề xuất ý tưởng khá độc đáo - bỏ hẳn màn hình, biến điện thoại thành chiếc cúc áo thông minh. 

9-1399-1415253297.jpg

Không kém phần thú vị là ý tưởng "Nhân đôi" màn hình iPhone và mỗi màn hình sẽ làm những chức năng khác nhau, một bên có thể dùng làm việc, chơi game, một bên là gương soi cho chị em trang điểm. Tuy nhiên, anh Đạt cho rằng, ý tưởng của nhóm giống việc "cộng thêm tính năng" hơn là nhân bản.

10-8665-1415253297.jpg

Dùng kỹ thuật "Hợp nhiệm", nhóm số 3 đề xuất gắn thêm chức năng trình chiếu cho camera. Tương tự với nhóm dùng "Nhân bản", anh Đạt cho rằng đây vẫn là cách cộng thêm chức năng chứ không phải hợp nhiệm.

11-4244-1415253297.jpg

Ý tưởng của nhóm anh Trần Thế Trung (Viện trưởng Viện Công nghệ FPT, ĐH FPT) được đánh giá là mới mẻ và độc đáo nhất khi "Thuộc biến" cho iPhone chức năng thay đổi màu sắc theo trang phục và các đồ vật xung quanh. Lúc này, chiếc điện thoại thông minh giống như tắc kè hoa, có thể biến đổi một cách đa dạng, giúp cho chủ nhân luôn có phong cách thời trang ton sur ton.

12-8355-1415253297.jpg

Nhóm anh Hà Nguyên, Viện Quản trị Kinh doanh FSB, ĐH FPT, đề xuất nhiều cách phân chia, trong đó có ứng dụng khá thú vị về việc tích hợp chức năng thông minh cho loa điện thoại. Khi bạn đang nghe một bản nhạc, nếu ở gần đó có các thiết bị loa khác nó có thể truyền phát bài hát đang nghe trong iPhone.

13-7913-1415253297.jpg

Sau buổi thảo luận, người tham dự đều đánh giá cao những kiến thức bổ ích của diễn giả cũng như cách làm bài tập nhóm giúp người nghe hiểu sâu và nhớ lâu hơn về phương pháp này. "Tôi rất ấn tượng với các kỹ thuật sáng tạo của SIT. Hiện tại, chúng tôi đang giảng dạy riêng một chuyên đề về sáng tạo cho sinh viên FSB và SIT sẽ là một trong những chìa khóa quan trọng cho các em mở cánh cửa tương lai. Sau chương trình, tôi sẽ nhờ anh Phan Phương Đạt giảng dạy phương pháp này cho sinh viên, giúp các em nâng cao khả năng sáng tạo và biết thêm một cách tiếp cận mới", anh Hà Nguyên cho biết.

Phương pháp luận SIT (Systematic Inventive Thinking) bắt nguồn từ TRIZ và được sử dụng trong lĩnh vực sản phẩm và dịch vụ, trong khi TRIZ được sử dụng trong kỹ nghệ (engineering). 

SIT cho rằng mọi sáng tạo đều có phương thức chung. Phương pháp này còn có tên khác là “Think inside the box”, đối nghịch với phương pháp “Out of the box”. Nếu “Out of the box” hướng suy nghĩ của mọi người ra bên ngoài tình huống đang có thì SIT quan điểm rằng, sáng tạo phải nằm trong một không gian cho trước, quen thuộc với những người tham gia sáng tạo. Không gian đó gọi là "Closed world" hay là cái box, là các ràng buộc (constraint). Chính những ràng buộc này khuyến khích sự sáng tạo.

"Out of the box" cho rằng các ý tưởng không có quy luật chung, khuyến khích mọi người nghĩ ra thật nhiều ý tưởng một cách ngẫu nhiên và hy vọng trong số đó sẽ có những ý tưởng hay. SIT lại cho rằng các sáng tạo đều có những mô hình chung và trên cơ sở đó xác định ra 5 công cụ, kỹ thuật của sáng tạo (thinking tool, technique). Việc sử dụng chúng theo một quy trình chặt chẽ sẽ tạo ra những ý tưởng sáng tạo. Do vậy mà có chữ “systematic” - sáng tạo có hệ thống chứ không ngẫu nhiên.

Để tìm hiểu chi tiết hơn về chủ đề này, người FPT có thể xem bài viết về phần trình bày của anh Đạt hồi tháng 4 tại đây.

Tử Quyên

Ý kiến

()