Chúng ta

Anh Trương Gia Bình: ‘Biến Việt Nam thành kho lương thực thế giới’

Thứ ba, 5/6/2018 | 17:38 GMT+7

Theo Chủ tịch FPT, Việt Nam có nhiều thuận lợi để sản xuất và xuất khẩu nông nghiệp ra quốc tế, đồng thời mong muốn cùng các bộ, ban, ngành, học viện nghiên cứu sâu, rộng hơn cơ hội cho nông sản nước ta có thương hiệu trên toàn thế giới.

Tại Diễn đàn Kinh tế 2018 (ViEF) chủ đề “Giải pháp phát triển thương mại cho nông sản Việt”, do Báo điện tử VnExpress phối hợp Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (PSD Committee) tổ chức ngày 5/6, trong vai trò Trưởng Ban điều hành, anh Trương Gia Bình cho biết, Việt Nam hội tụ đầy đủ yếu tố để phát triển mạnh nền nông nghiệp, xứng đáng là ngành nhận được nhiều sự quan tâm và đầu tư nhất.

anh-Truong-Gia-Binh-9840-1528187098.jpg

Anh Trương Gia Bình, Trưởng ban Diễn đàn kinh tế phát biểu khai mạc. 

Diễn đàn ViEF 2018 gồm 2 phiên làm việc trong 4 giờ, tập trung 2 chủ đề chính là mở cửa cho thị trường và ứng dụng công nghệ cao cho nền nông nghiệp, với sự tham gia của các diễn giả là đại diện của các bộ, ban, ngành và doanh nghiệp tư nhân.

Tại phiên làm việc thứ nhất với chủ đề “Giải pháp phát triển thương mại và mở rộng thị trường”, anh Trương Gia Bình, điều phối chính, đưa ra các vấn đề nòng cốt: "'Át chủ bài' cho nông nghiệp cao là gì? Làm sao biết được đó là át chủ bài?".

Anh cũng băn khoăn về thứ hạng của Việt Nam "ở đâu trong chuỗi giá trị nông nghiệp thế giới", "chúng ta cần chuẩn bị gì và Việt Nam có trở thành kho thực phẩm thế giới nếu có sự vào cuộc của cả hệ thống?".

34415875-1327207154090097-3759-2942-8086

Phiên làm việc thứ nhất về mở rộng thị trường nông sản Việt Nam. 

Bàn luận về “con át chủ bài” nông nghiệp Việt, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, cho biết: "Dưới góc độ cơ quan quản lý, "át chủ bài" của nền nông nghiệp vẫn là cơ chế chính sách ngoài dòng vốn". Tuy nhiên, ông Vũ Trường Ca - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Lina Network lại nhận định, yếu tố thị trường mới là quan trọng nhất đối với nền nông nghiệp Việt Nam. "Nông nghiệp Việt Nam đang được Chính phủ đẩy mạnh hỗ trợ, có nhiều chính sách giúp đỡ người nông dân. Nhưng chúng ta lại luôn gặp phải trường hợp được mùa mất giá, được giá mất mùa, hay mất mùa và mất luôn cả giá, và thường xuyên phải tiến hành giải cứu".

Đồng ý với quan điểm trên, anh Trương Gia Bình cho rằng, khi đi tìm mở rộng thị trường, chúng ta cần cân nhắc từng thị trường. "Cần phải xuất phát từ thị trường, thế giới cần gì và chúng ta có vào được không. Nếu vào được thì phải có chương trình hợp tác cụ thể về hạ tầng”, anh nói. Nhưng theo anh, "câu chuyện về "át chủ bài" của nông sản Việt Nam là không dễ trả lời và phải cần sự nghiên cứu sâu rộng hơn nữa".

Bên cạnh đó, anh Bình bày tỏ, với sự nỗ lực của Chính phủ, sự đồng lòng của các ban ngành, sự tham gia của doanh nghiệp, người nông dân và cả hệ thống, sẽ có một ngày Việt Nam trở thành kho thực phẩm của thế giới.

34399603-1327207130756766-1533-6913-7458

Anh Trương Gia Bình chụp ảnh cùng Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam.

Liên quan đến vấn đề trên, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói: "Không thể phủ nhận sự đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp trong thời gian qua. Chúng ta đã có từ 3.300 đến 3.700 doanh nghiệp, 33.000 hộ trang trại, hàng nghìn hợp tác xã lớn. Tính 4 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, giá trị xuất khẩu nông sản đạt 6,5 tỷ USD, giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 2,4 tỷ USD... Thặng dư ngành nông nghiệp dự kiến vượt 9 tỷ USD trong năm nay. Chúng ta hoàn toàn có khả năng đạt được”.

Trong phiên làm việc thứ 2, ông Phan Vinh Quang, Phó Giám đốc Sáng kiến thúc đẩy kinh tế tiểu vùng Mekong MBI, điều phối phiên cùng các diễn giả tiếp tục thảo luận về chủ đề “Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để chủ động chiếm lĩnh thị trường”.

Phát biểu tổng kết tại Hội nghị, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết, những ý kiến đóng góp xoay quanh hai nội dung lớn là phát triển giá trị chuỗi nông nghiệp và ứng dụng công nghệ cao mà các diễn giả thảo luận đã giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về tình hình sản nông nghiệp trong thời gian tới. Người sản xuất biết mình phải sản xuất gì và nhà quản lý có thể đưa ra các chính sách đúng đắn. Bộ Nông nghiệp sẽ tiếp thu ý kiến từ các diễn giả để đẩy mạnh nghiên cứu và đưa ra giải pháp toàn diện.

Đại diện Bộ Nông nghiệp cũng cho biết cơ quan quản lý muốn phối hợp với các doanh nghiệp để có hoạt động hiệu quả hơn.

Diễn đàn lớn về nông nghiệp tại Việt Nam lần đầu tổ chức có sự tham gia của các bộ: Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Tài chính và Ngân hàng Nhà nước.

Diễn đàn là nơi hội tụ nhiều diễn giả là các đại diện trong ngành nông nghiệp trong và ngoài nước, các chuyên gia đầu ngành ứng dụng công nghệ và chuyên gia từ World Bank. Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, trong vai trò Trưởng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân, phát biểu khai mạc diễn đàn ViEF 2018.

Tại đây, đại diện các bộ, chuyên gia đầu ngành tập trung vào 3 vấn đề chính: Tìm ra giải pháp giúp nông sản Việt Nam phát triển thương mại, mở rộng thị trường; Tối ưu hóa việc ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp để đáp ứng yêu cầu thị trường; Đề xuất một số khuyến nghị phát triển Nông nghiệp Việt Nam để đưa vào bản báo cáo trong Diễn đàn Kinh tế Việt Nam diễn ra tháng 12/2018.

Hà Trần

Ý kiến

()