Chúng ta

Anh Nguyễn Thành Nam: 'Lạc đường thì hỏi ai?'

Thứ ba, 21/11/2017 | 18:25 GMT+7

Trong vòng 15 phút chia sẻ, nhà sáng lập Đại học trực tuyến FUNiX Nguyễn Thành Nam tái hiện toàn bộ hành trình thành công của bản thân qua từ khóa "Khi đi lạc thì hỏi ai".

“Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng có thể làm diễn giả ở hội nghị đầu tư hoành tráng nhất Việt Nam như này. Tôi sợ kinh doanh lắm. Và mỗi khi nói đến tiền rất ngại”, anh Nguyễn Thành Nam, cựu CEO FPT, nhà sáng lập Đại học trực tuyến FUNiX, chia sẻ tại Hội nghị Đầu tư 2017, do tạp chí Nhịp cầu Đầu tư tổ chức, với chủ đề Đột phá tư duy kinh doanh, diễn ra sáng ngày 21/11.

DSC-9587-JPG-7401-1511261116.jpg

Hội nghị Đầu tư 2017 là hội nghị lần thứ 10 của Tạp chí Nhịp cầu Đầu tư với chủ đề “Đột phá tư duy Kinh doanh” hướng đến chia sẻ những câu chuyện đột phá và mạnh dạn từ cấp độ điều hành kinh tế vĩ mô cho đến chiến lược kinh doanh thực tiễn của doanh nghiệp, để mang lại những kết quả thực sự vượt trội, góp phần tạo nên khác biệt và khẳng định vai trò dẫn đầu của nhà lãnh đạo. 

Anh Nam là diễn giả mang đến câu chuyện lạc quan sau phần chia sẻ với nhiều gam màu 'trầm' của Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện Quản lý Kinh tế Việt Nam.

Khi mới từ Nga về, cùng anh Bình và các đồng sự sáng lập ra FPT, anh Nam đặt mục tiêu FPT sẽ trở thành Microsoft.

Làm phần mềm hay CNTT, Mỹ là số 1, và FPT đương nhiên lấy Microsoft làm mục tiêu. Nhưng FPT lạc lối trong 10 năm mà không đến được mục tiêu, đành phải chuyển hướng từ trời Tây về phương Đông. Đó là khi FPT đến Bangalore, Ấn Độ. Khi đó là năm 1998, còn nghèo nàn lạc hậu lắm.

Theo đại diện FPT, để có những thành công trong lĩnh vực phần mềm không phải là điều dễ dàng. Trong giai đoạn đầu, FPT đã phải trả giá khi là người tiên phong mở hai văn phòng ở Ấn Độ (thành lập tháng 11/1999) và Mỹ (tháng 1/2000) và chỉ sau hơn một năm hoạt động, vì không có được hợp đồng như dự tính, đã phải "tan". Giấc mơ phần mềm dang dở khi các thị trường mà nhóm khai phá tin rằng tiềm năng nhất đều thất bại.

“Khi lạc phải hỏi đường và có người để hỏi. Điều tiên quyết là người chỉ dẫn phải rành đường. FPT đã rất may mắn khi gặp ông Narayana Murthy, đồng sáng lập Infosys, huyền thoại của ngành công nghiệp phần mềm Ấn Độ”, anh Nam kể tiếp.

FPT đến thăm Tập đoàn Infosys lần đầu tiên vào năm 1998 để tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm làm xuất khẩu phần mềm (outsourcing). Trong các công ty phần mềm lớn nhất của Ấn Độ, FPT Software đặc biệt ngưỡng mộ Infosys vì hai lẽ: Thứ nhất, công ty được xây dựng bởi một nhóm người từ tay trắng khá giống FPT. Thứ hai, Infosys mong muốn đóng góp cho đất nước và sẵn sàng chia sẻ với cộng đồng những “bí quyết” của mình. Ở FPT Software, ông Murthy hay được gọi vui là “cụ tổ”.

Chia sẻ với anh Nam và đồng sự trong lần gặp đầu tiên vào năm 1998, ông Murthy nhấn mạnh: “Infosys không phải là công ty công nghệ. Chúng tôi quản lý con người làm công nghệ. Tài sản của chúng tôi buổi tối đi về nhà hết”.

DSC-9610-JPG-9897-1511261116.jpg

Nhà sáng lập FUNiX được mời chia sẻ câu chuyện trong loạt mô hình kinh doanh mang tính xu hướng diễn ra trong bối cảnh công nghệ hoá toàn cầu.

Quan điểm này đã thay đổi hoàn toàn cách nhìn của anh Nguyễn Thành Nam, người phụ trách mảng Phần mềm FPT khi ấy. “Lúc đó, chúng tôi định vị mình là công ty công nghệ với mục tiêu tiên quyết là phải sáng chế ra sản phẩm/phần mềm này nọ. Vậy mình không quan tâm đến những người làm sao?”, vị diễn giả tự đặt câu hỏi trước khi trả lời. “Ồ hay quá. Cái này dễ hơn. Quản lý người Việt Nam phải hay hơn người nước ngoài chứ. Vấn đề đã dễ hơn rất nhiều, bên cạnh làm công nghệ”.

Tìm được từ khóa quan trọng, và hơn hết là có người thầy, anh Nam và các cộng sự đã tự tin hơn rất nhiều trong hành trình 10 năm tiếp theo của FPT Software. Từ đó, chương trình "Về nguồn" trở thành thường niên hoặc khi gặp vấn đề lớn, FPT Software đều "cơm nắm lên đường" sang Ấn Độ thỉnh giáo “cụ tổ”.

Năm 2002, FPT Software làm CMMi, (Capability Maturity Model Integration - hệ thống quy trình sản xuất - được phát triển tại Viện Kỹ nghệ Phần mềm của Mỹ, này là Viện CMMI), vấn đề rất tù mù hoặc chỉ biết sơ qua trên mạng. FPT Software phải cử người trực tiếp sang Infosys tham vấn. Nội dung được giải đáp gọn, dễ hiểu và sáng sủa.

Năm 2010, FPT Software đứng trước bài toán là chi phí gia tăng khó kiểm soát. Trong khi đó, với người khổng lồ Infosys, lượng nhân sự hàng trăm nghìn người nhưng lợi nhuận (profit) vẫn tăng. Thỉnh giáo lần 3, TGĐ FPT Software Nguyễn Thành Nam khi ấy được ông Narayana Murthy mách sách "7 điểm". “Rất rõ ràng và rành mạch. Như kiểu tập các động tác yoga để giảm cân”, anh Nam ví von.

Việc tìm lời giải bài toán này cũng khiến anh Nam trăn trở về chặng đường kế tiếp. Nhường vị trí quản lý cấp cao cho người trẻ, đồng sáng lập FPT muốn theo đuổi lĩnh vực giáo dục đại học, muốn viết tiếp "câu chuyện liên quan đến con người".

Từng thăm các đại học khắp thế giới, anh Nam nhận thấy các trường ở những nước đang phát triển đang bắt chước đại học ở Anh hay Mỹ, với khuôn viên to đẹp, giảng đường cổ kính. Nhưng sinh viên họ lại không chọn học. Trùng thời điểm, Internet xuất hiện xu hướng MOOC (Massive Open Online Course - tạm dịch: Cổng giáo dục trực tuyến mở). Theo anh Nam, với MOOC, mọi kiến thức đều được cung cấp trên mạng nên không phải tốn công sức mở trường to đẹp.

“Khuôn viên to đẹp cũng chả cần. Cái duy nhất khiến tôi nhớ là lời thầy Narayana Murthy, rằng đi học cũng như đi làm, họ có thể tự đi nhưng dễ bị lạc đường”, anh Nam đúc kết từ kinh nghiệm của chính mình và tiết lộ sự mệnh của Đại học Trực tuyến FUNiX: “Các bạn khai phá kiến thức qua Internet cũng dễ bị lạc. Và nhiệm vụ của chúng tôi là nếu họ lạc sẽ có người để hỏi rồi đi đúng”.

Nhà sáng lập Đại học trực tuyến đầu tiên ở Việt Nam cho hay, FUNiX gọi những người có nhiệm vụ này là Mentor - người hướng dẫn. Họ không dạy, chỉ đứng cạnh người học. FUNiX cam kết, bất cứ thời điểm nào học viên hỏi đều có ít nhất 4 Mentor hỗ trợ. Và điểm khác biệt của trường là kể cả Mentor trả lời “không biết” cũng được tính công. “Tôi khuyến khích không biết nói không biết để tránh dẫn học viên đi vòng quanh hay lạc đường”.

Rút kinh nghiệp từ lần làm Phần mềm, cựu CEO FPT cất công tìm hiểu xem thế giới có ai đang làm cách này không. Rất may ở Pháp có École 42 với các tòa nhà trên đại lộ Bessières, phía bắc Paris.

École 42, ngôi trường hơn 3 năm tuổi, hoạt động dựa trên phương pháp học theo dự án (project-based learning). Sinh viên có được kiến thức và kỹ năng nhờ làm việc trong một thời gian dài, tự tìm câu trả lời cho những vấn đề phức tạp. Mùa thu năm 2016, École 42 mở cơ sở tại Thung lũng Silicon (California, Mỹ).

DBS-5924-resize-6710-1511320150.jpg

Anh Nguyễn Thành Nam trong phiên tọa đàm cùng các lãnh đạo doanh nghiệp. Ảnh: Viết Hiếu.

Chương trình giảng dạy của phương pháp học theo dự án gồm 21 tiêu chuẩn (theo cách nói của nhà sáng lập là 21 cấp độ của một trò chơi), được thiết kế bởi 6 nhân viên. Ngoài một video hướng dẫn 5 phút và tài liệu PDF, sinh viên phải tự học theo nhóm.

Sau một tháng, sinh viên có thể lập trình ngôn ngữ C. Từ những kỹ năng mới, họ sẽ được thử thách xây dựng Tetris (trò chơi xếp hình) và sudoku (trò chơi điền số logic). Họ tiếp tục quá trình tùy thuộc vào tốc độ của bản thân. Người học nhanh kết thúc trong vòng 18 tháng, những người khác có thể cần nhiều nhất là 5 năm.

“Không giảng viên, không giáo trình, không học phí là những điều ấn tượng của Đại học École 42 ở thủ đô nước Pháp”, anh Nam hào hứng và thông tin, trường ở Pháp có 3.000 sinh viên nhưng chỉ có 10 nhân viên, trong đó 5 ông đảm nhiệm công việc vệ sinh và 5 ông thu tiền. Trường này không có thầy. Sinh viên tự học và tự chấm điểm với nhau. “Khi chúng tôi đến, trường phát loa thông báo có đoàn Việt Nam tới, sinh viên nào tiếp thì đăng ký. Có 2 sinh viên tình nguyện dẫn đoàn. Khi được hỏi, 2 sinh viên tiết lộ chọn cách tham gia dẫn đoàn bởi được phiếu (coupon) ăn trưa miễn phí”, nhà sáng lập FUNiX nhớ lại kỷ niệm vui.

Nhà sáng lập FUNiX cho hay, riêng cơ sở ở Thung lũng Silicon (Mỹ) của École 42 có 10.000 sinh viên. Trước khi sinh viên ra trường đều có các tập đoàn lớn như Google hay eBay nhận hết. “Chúng tôi tự tin hơn khi có một người đồng hành để hỏi”, anh Nam hồ hởi. “Muốn như này thì làm thế nào?”.

Người dẫn dắt FPT Software thời kỳ đầu và chặng đường thăng hoa hơn 10 năm tiếp theo cho rằng, công nghệ đã mở ra cơ hội vô cùng to lớn trong tất cả lĩnh vực, từ giáo dục, nông nghiệp hay giao thông. Và điều cốt yếu là mô hình kinh doanh mới phù hợp với thời đại. “Nhưng các bạn phải tìm được lời giải: Lạc đường thì hỏi ai? Và quan trọng là phải hỏi đúng”, diễn giả nhấn mạnh.

Ngoài sự góp mặt của các nhà thực hiện chính sách, chuyên gia kinh tế uy tín như Tiến sĩ Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Hội nghị Đầu tư 2017 còn có sự tham gia của nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam, các định chế tài chính lớn quốc tế gồm: Ông Đỗ Anh Tú, PCT TPBank/CEO Diana Unicharm; ông Phạm Thành Đức, CEO Momo; ông Nguyễn Quốc Khánh, CEO Vinamilk; bà Nguyễn Thị Thúy Bình, PTGĐ Vietjet Air…

>> SCIC thu về khoảng 1.800 tỷ đồng khi thoái vốn FPT

Nguyên Văn

Ý kiến

()