Chúng ta

Anh Nguyễn Điệp Tùng trở thành cổ đông lớn Chứng khoán FPT

Thứ tư, 27/2/2019 | 14:33 GMT+7

Ngày 26/2, Chủ tịch kiêm CEO Chứng khoán FPT (FPTS - mã FTS) đã mua thành công 4,92 triệu cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu lên 7,77% và trở thành một trong ba cổ đông lớn của FPTS.

Trước giao dịch, anh Nguyễn Điệp Tùng sở hữu hơn 3,57 triệu cổ phiếu, tương ứng 3,27% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của FPTS. Hiện, lượng cổ phiếu sở hữu của anh Tùng là gần 8,5 triệu cổ phiếu. Với tỷ lệ sở hữu hiện tại trên 5%, anh Tùng đã trở thành cổ đông lớn của Chứng khoán FPT.

fpts-4174-1551248142.jpg

Chủ tịch Nguyễn Điệp Tùng (giữa) và đoàn chủ tọa điều hành ĐHCĐ thường niên 2018. Ảnh: FPTS.

Trước đó, ngày 22/2, anh Tùng đăng ký mua vào 4,92 triệu cổ phiếu FTS theo phương thức thỏa thuận. Cùng thời điểm, ông Nguyễn Văn Quyên, anh ruột ông Nguyễn Văn Dũng - thành viên HĐQT của FPTS, đăng ký bán ra toàn bộ 4,92 triệu cổ phiếu FTS đang nắm giữ cũng theo phương thức thỏa thuận.

Ngày 26/2, giá cổ phiếu FPTS ở mức 16.800 đồng. Theo ước tính, giá trị giao dịch đã được thực lên đến gần 83 tỷ đồng.

Anh Nguyễn Điệp Tùng gia nhập FPT từ năm 1991, từng trải qua các vị trí: Kế toán trưởng FPT; thành viên HĐQT, Trưởng Ban Kế hoạch - Tài chính. Từ năm 2007 đến nay, anh Tùng là Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Công ty cổ phần Chứng khoán FPT. Anh Tùng cũng là thành viên Hội đồng Sáng lập FPT.

Thời gian gần đây, FPTS chứng kiến nhiều giao dịch cổ phiếu với số lượng lớn của các cổ đông. Gần đây nhất, Công ty TNHH Đầu tư phát triển thương mại Hưng Phát đã bán thỏa thuận toàn bộ hơn 8,5 triệu cổ phiếu FTS qua đó không còn là cổ đông lớn từ ngày 19/12/2018. Giá trị giao dịch lên đến gần 127 tỷ đồng tương đương giá thỏa thuận bình quân 14.900 đồng/cổ phiếu. Hiện chưa có thông tin về cá nhân hay tổ chức nào nhận thỏa thuận cổ phiếu từ Hưng Phát. 

Cơ cấu cổ đông hiện tại của FPTS gồm 3 cổ đông lớn là anh Nguyễn Điệp Tùng (7,77%), Công ty Cổ phần FPT (20%) và SBI Financial Services Co., Ltd (20%).

FPTS là công ty thứ ba nhà F chốt báo cáo tài chính năm 2018 sau FPT OnlineFPT Retail. Theo đó, FPTS đạt 542,95 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 489,98 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp lần lượt 2,5 lần và 2,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả thực hiện, công ty đã hoàn thành gấp 2,7 lần chỉ tiêu đề ra.

Đến cuối năm 2018, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) đều công bố FPTS góp mặt trong top 10 dẫn đầu thị phần môi giới. Tháng 11/2018, FPTS cũng đã được cấp phép tham gia thị trường phái sinh.

>> Chứng khoán FPT lãi đột biến nhờ trúng đậm cổ phiếu May Sông Hồng

Hà An

Ý kiến

()