Chúng ta

Anh Hùng 'Bi' quay lại FPT Telecom phụ trách IoT

Thứ hai, 5/9/2016 | 09:10 GMT+7

Viễn thông FPT vừa thành lập phòng IoT, và quản lý đơn vị là anh Hoàng Mạnh Hùng, tên thường gọi là Hùng Bi, “người cũ” của FPT Telecom.

Chủ tịch FPT Telecom Chu Thanh Hà vừa ký quyết định thành lập phòng Thử nghiệm IoT, với chức năng nghiên cứu, xây dựng sản phẩm, dịch vụ theo định hướng IoT và SMAC, hai xu hướng công nghệ lớn của thế giới mà FPT cùng các đơn vị thành viên đang theo đuổi. 

Trưởng phòng IoT là anh Hoàng Mạnh Hùng. Anh Hùng sinh năm 1971, tốt nghiệp ĐH Kinh tế, từng kinh qua nhiều vị trí công tác tại FPT Software và FPT Telecom.

Từ năm 1994-2000, anh Hùng là Trưởng bộ phận R&D của Vietinbank. Gia nhập FPT năm 2000, anh Hùng giữ vị trí GĐ Đơn vị Phần mềm Chiến lược số 1 của FPT Software Hà Nội. Đến năm 2006, anh Hùng đảm nhiệm vị trí PGĐ FPT Software HCM.

DSC-0220-JPG-4582-1421658851-3052-147271

Anh Hoàng Mạnh Hùng (phải), thường gọi là Hùng Bi, trong một sự kiện do FPT Software tổ chức năm 2014. Ảnh: Hà Dương.

Đầu năm 2008 đến tháng 9/2009, anh Hùng giữ chức vụ PTGĐ FPT Telecom kiêm GĐ FPT Telecom HCM. Từ 2010-2013, anh phụ trách kỹ thuật công ty Vivoo. Tái gia nhập FPT Software đầu năm 2014, anh Hùng đảm nhiệm vị trí Kiến trúc sư giải pháp của R&D. Từ 1/9, anh được FPT Telecom bổ nhiệm làm Trưởng phòng Thử nghiệm IoT.

Internet of Things, thường gọi là IoT, là một hệ thống các thiết bị đồ dùng được kết nối với nhau qua mạng Internet. Chúng có khả năng trao đổi và truyền tải thông tin, dữ liệu một cách hiệu quả, tiện lợi thông qua mạng Internet mà không cần sự tương tác trực tiếp giữa người với thiết bị hay giữa người với người.

Điều đó có nghĩa là khi mọi thiết bị đã được “Internet hóa”, chỉ với một thiết bị thông minh, chẳng hạn như Smart tivi, Smartphone hay thậm chí chỉ bằng một chiếc smartwatch nhỏ bé trên tay đã được hỗ trợ IoT, người dùng có thể điều khiển chúng mọi lúc mọi nơi mà không bị giới hạn về mặt thời gian và không gian.

Theo ước tính của Cisco, đến năm 2020, toàn thế giới sẽ có 50 tỷ thiết bị được kết nối không dây vào mạng lưới IoT. Và con số này sẽ tăng lên 500 tỷ đến năm 2030. Với những thành công cho đến thời điểm hiện tại, IoT được kỳ vọng sẽ trở thành thị trường thiết bị lớn nhất thế giới và sẽ tạo ra sự bùng nổ kinh tế mới.

IoT mang lại ảnh hưởng sâu sắc trong tương lai bởi nó mang lại sự kết nối cho mọi đối tượng trên cơ sở những giá trị rất thông minh. Trước sự phát triển mạnh mẽ của IoT, FPT Telecom đã thành lập đơn vị mới để bảo đảm sản phẩm, dịch vụ kịp xu thế.

Trong khi đó, SMAC được coi là “chìa khóa”, “đôi cánh” của FPT trong chiến lược toàn cầu hóa, hướng tới mục tiêu trở thành nhà cung cấp dịch vụ thông minh toàn cầu. Theo kế hoạch, đến năm 2016, doanh thu từ dịch vụ SMAC của FPT sẽ đạt trên 800 tỷ đồng, chiếm hơn 10% doanh thu toàn cầu của tập đoàn.

>> FPT Telecom bổ nhiệm nhiều quản lý Vùng mới

Nguyên Văn

Ý kiến

()