Chúng ta

100.000 sinh viên - giấc mơ không quá xa vời

Thứ tư, 3/12/2014 | 15:07 GMT+7

"Trong ba chiến lược phát triển của ĐH FPT thì Global là quan trọng nhất. Với chiến lược này, ĐH FPT thực sự trở thành trường quốc tế, không chỉ có sinh viên quốc tế mà phạm vi hoạt động sẽ vươn toàn cầu", Chủ tịch HĐQT FPT chia sẻ.

Trong lễ tôn vinh cá nhân tiêu biểu của khối Giáo dục Hà Nội diễn ra ngày 25/11 vừa qua, "cha đẻ" của khối Giáo dục (FPT Education) - Chủ tịch HĐQT ĐH FPT Lê Trường Tùng - tỏ rõ niềm vui với vẻ phấn khởi. Anh chia sẻ với Chúng ta về cảm xúc, kỷ niệm và định hướng phát triển của khối Giáo dục trong thời gian tới.

IMG-8462-JPG-4008-1417660866.jpg

Chủ tịch HĐQT ĐH FPT tỏ rõ niềm vui với gương mặt rạng rỡ phấn khởi trong lễ tôn vinh cá nhân tiêu biểu của FE. Ảnh: Lê Hoàng.

- Cảm xúc của anh như thế nào khi dự lễ 15 năm kỷ niệm thành lập khối Giáo dục FPT?

- Tôi rất vui bởi chương trình có sự góp mặt của đông đảo cán bộ giáo dục - những người đã cống hiến cho FPT Education từ 5 năm trở lên, kể từ năm 1999. Gần 300 CBNV, có thâm niên ít nhất 5 năm làm việc (Hà Nội gần 200 người, TP HCM hơn 100 người và một số người từ Đà Nẵng), cống hiến thời gian, công sức, tuổi trẻ ở vị trí công việc khác nhau, tạo quy mô lớn và hình ảnh của FPT Education ngày hôm nay.

- Anh có thể miêu tả lại bức tranh của khối Giáo dục trong thời điểm hiện tại?

- Cách đây khoảng 15 năm, tôi khó hình dung bức tranh FPT Education của ngày hôm nay. Sự phát triển của khối trải qua nhiều thăng trầm với nhiều sự kiện đáng nhớ. Khối Giáo dục FPT đang có một đội hình hoàn chỉnh, chiến lược rõ ràng, tương lai cho 5-10 năm tới là rất lớn.

- 15 năm gắn bó với khôi Giáo dục có kỷ niệm nào khiến anh nhớ nhất?

- Trong quá trình phát triển, khối Giáo dục FPT có nhiều thăng trầm. Dù khó khăn nhưng cuối cùng chúng tôi đều giữ được định hướng và đi đến đích.

- Trong chia sẻ với CBNV, anh đặt mục tiêu năm 2020 FPT Education sẽ đạt chuẩn 5 sao QStar với 100.000 sinh viên. Cơ sở nào để khối Giáo dục đặt mục tiêu này?

- Từ năm 1999, FPT có 100 học viên Aptech với doanh thu 100.000 USD, 5 năm sau đã tăng lên 1 triệu USD và 5 năm tiếp theo cán đích 10 triệu USD. Nếu vẫn giữ đà phát triển đó, mục tiêu đặt ra về doanh thu và số lượng sinh viên không phải là giấc mơ quá xa vời.

Hiện, FPT Education có 17.000 sinh viên và với tốc độ tăng trưởng là 30% mỗi năm, giấc mơ 100.000 sinh viên vào năm 2020 là điều có thể thực hiện. Các trường đại học ở khu vực khác với việc đa dạng hóa sản phẩm, phân khúc họ cũng thực hiện được tốc độ phát triển như vậy.

- Theo anh, khả năng ĐH FPT sẽ hoàn thành mục tiêu ra sao?

- Sớm muộn mục tiêu sẽ đạt được, nếu lùi lại một năm cũng không phải là vấn đề quá lớn vì sự nghiệp giáo dục là một chặng đường dài. Một trường đại học trẻ là chưa quá 50 năm hình thành và phát triển. Khối Giáo dục FPT đã thành lập được 15 năm, còn ĐH FPT mới có 8 năm phát triển. Tuy nhiên, thành tích đạt được tương đương đại học khác có quá trình phát triển vài chục năm.

Cụ thể, ĐH FPT được xếp hạng 3 sao, cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo, mối quan hệ quốc tế không thua kém trường đại học nước khác. Thậm chí, có trường lâu năm cũng chỉ xếp hạng ngang ĐH FPT, điều đó, chứng tỏ giáo dục FPT đang đi đúng hướng.

Trong chiến lược FPT Education, có một chữ M - Mega là đa phân khúc, đa trình độ, đa địa điểm, đa phương thức đào tạo dựa trên nền tảng chất lượng. Việc phân khúc khách hàng tương đối rộng rãi và phát triển ở hệ thống đại học không chỉ có một trường sẽ giúp FE thực hiện được mục tiêu.

SV1-5173-1417660866.jpg

Khối Giáo dục FPT hướng đến mục tiêu 100.000 sinh viên vào năm 2020. Ảnh: S.T.

Ngoài Mega, yếu tố Smart cũng được nhắc nhiều. Bởi công nghệ thay đổi nhanh nhưng công nghệ trong giáo dục đào tạo thì đi hơi chậm. ĐH FPT đặt tham vọng công nghệ sẽ thể hiện ở nền tảng đào tạo thông minh. Đây chính là điều cốt lõi như một giá trị cạnh tranh tạo động lực để ĐH FPT phát triển.

Công nghệ đưa vào giáo dục gồm CNTT - SMAC (mạng xã hội, công nghệ di động, phân tích dữ liệu, điện toán đám mây), công nghệ giáo dục cách thức phương thức dạy học với sự hỗ trợ của CNTT thay đổi như thế nào cho phù hợp, công nghệ quản lý một hệ thống lớn. Tất cả tạo nền tảng cho SMAC Education của ĐH FPT.

- Slogan của ĐH FPT là "Khát vọng đổi thay". Trong giai đoạn tới, "khát vọng đổi thay" của ĐH FPT sẽ được thể hiện ra sao?

- Trong ba chiến lược phát triển của ĐH FPT thì Global là quan trọng nhất. Với chiến lược này, ĐH FPT thực sự trở thành trường quốc tế, không chỉ có sinh viên quốc tế mà phạm vi hoạt động vươn ra toàn cầu.

Khi dấn thân vào quá trình toàn cầu hóa, ĐH FPT chấp nhận cạnh tranh với các trường khác ở nước ngoài, đầu ra là sinh viên nước khác và cung cấp nhân lực toàn cầu. Đây là sân chơi lớn nếu chỉ ở Việt Nam sẽ bị giới hạn, nếu mở toàn cầu thì bước đi đúng đắn nhất là khi tập trung thị trường kém phát triển và phát triển trung bình, sẽ mở ra hướng đi rất lớn.

Một số thử nghiệm ĐH FPT trong quá trình toàn cầu hóa là đưa sinh viên châu Phi sang học. Những thành công bước đầu chứng tỏ đây là thị trường tiềm năng, nếu đi đúng hướng sẽ tạo sức hút. ĐH FPT có thể cạnh tranh được bởi chất lượng tốt, giá rẻ hơn hệ thống của các nước có nền giáo dục phát triển hiện nay.

- Thông điệp mà anh muốn gửi gắm đến CBNV khối Giáo dục FPT dịp kỷ niệm 15 năm là gì?

- Định hướng của ĐH FPT đã rõ ràng, không phải mò mẫm, tìm đường nhưng thực tế khó khăn rất nhiều vì đây là lĩnh vực mới, cần quyết tâm mới có thể làm được. Nếu thành công, chúng ta không chỉ đóng góp thành tích cho trường FPT mà đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Tôi mong muốn CBNV của khối sẽ chia sẻ khát vọng của ĐH FPT với tầm nhìn, chiến lược và đóng góp công sức của mình xây dựng thành công chiến lược đó.

Lâm Thao - Lưu Vân thực hiện

Ý kiến

()