Chúng ta

10 sự kiện tiêu biểu FPT năm 2015

Thứ tư, 30/12/2015 | 15:37 GMT+7

Năm qua, Tập đoàn FPT tiếp tục có những bước đi vững chắc trên còn đường toàn cầu hóa khi kỷ niệm 10 năm thành lập pháp nhân ở thị trường nước ngoài có đóng góp doanh số nhiều nhất - Nhật Bản, giành giấy phép viễn thông ở Myanmar và ký hợp đồng có giá trị kỷ lục tại Bangladesh.

Giành giấy phép viễn thông tại Myanmar

Sau thành công tại Campuchia với vị trí là đơn vị số 1 trong lĩnh vực Internet cố định, năm 2015, FPT tiếp tục tiến ra nước ngoài bằng việc nhận giấy phép NFSI, cung cấp dịch vụ viễn thông tại Myanmar. FPT là công ty nước ngoài duy nhất được cấp giấy phép cho đến nay ở nước này.

top4-1-9966-1437971041.jpg

Giấy phép NFSI có hiệu lực từ ngày 6/7/2015. Điểm quan trọng nhất của giấy phép NFS(I) là FPT sẽ được phép triển khai hạ tầng tuyến trục quốc gia tại Myanmar, tạo cơ sở vững chắc cho việc phát triển dịch vụ Internet tại đây.

Đang bắt đầu làn sóng mở cửa, với dân số khoảng 56 triệu người, Myanmar được xem là “mỏ vàng” cho các doanh nghiệp CNTT-VT trong và ngoài nước. Chất lượng Internet của Myanmar hiện ở mức rất thấp và đắt đỏ với giá khoảng 100 USD/Mbps, chưa kể chi phí triển khai. Myanmar sơ khai là cơ hội vàng để FPT có thể lặp lại thành công như từng ghi dấu ấn tại thị trường Việt Nam. “FPT nhận thấy Myanmar có nhiều nét tương đồng với Việt Nam cách đây 20 năm, và đây là quốc gia mà tập đoàn hướng đến cung cấp toàn bộ dịch vụ như đang cung cấp trong nước”, Chủ tịch Trương Gia Bình nhấn mạnh.

FPT Japan - mắt xích quan trọng trong chiến lược toàn cầu hóa

Sau một thập kỷ, từ công ty CNTT 100% vốn Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực IT Outsourcing đầu tiên mở tại Nhật, FPT Japan đã trở thành doanh nghiệp Phần mềm Việt Nam lớn nhất ở xứ sở hoa anh đào.

10-nam-fpt-lam-duoc-gi-o-nhat-ban1447411

Sau 10 năm hoạt động tại thị trường Nhật Bản, FPT đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 30%/năm. Trong đó, riêng năm 2015, ước đạt doanh thu 90 triệu USD.

10 năm qua, doanh thu của FPT Japan tăng 12 lần, quy mô nhân sự từ 3 người đã chạm mốc 500 người, chiếm 1/8 số nhân lực toàn FPT phục vụ cho thị trường Nhật Bản. Xứ Phù tang hiện là thị trường trọng điểm của FPT Software, chiếm tới 50% tổng doanh thu từ thị trường nước ngoài. Không chỉ là đối tác Việt Nam được ưa thích nhất tại đây, đơn vị còn xác lập mối quan hệ với gần 300 khách hàng hàng đầu thế giới.

Cùng với việc đẩy mạnh phát triển công nghệ Cloud, FPT Japan cũng nỗ lực đào tạo và cung cấp nguồn lực chất lượng nhằm giúp nước bạn có thêm nguồn kỹ sư CNTT trẻ với chương trình 10.000 Kỹ sư cầu nối (BrSE), góp phần tạo dựng thương hiệu cho ngành CNTT Việt Nam tại Nhật, đồng thời mở rộng mối quan hệ song phương.

Ngoài ba văn phòng tại Tokyo, Nayoga và Osaka, FPT Japan là công ty đầu tiên của Việt Nam tại Nhật có khu ký túc xá dành cho cán bộ nhân viên sang công tác.

Thâu tóm nhiều danh hiệu

FPT là doanh nghiệp CNTT duy nhất được Nikkei Asian đưa vào danh sách 100 công ty giá trị nhất Đông Nam Á cùng 4 cái tên khác là PV GAS, Vinamilk, Vietcombank và Vingroup. 26.000 nhân viên và hiện diện tại 19 quốc gia là minh chứng khi FPT nằm trong Top 300 công ty hàng đầu châu Á của Nikkei.

1448960038FPT-LOT-TOP3.jpg

Theo Nikkei, FPT trong nhóm những công ty không chỉ có quy mô lớn, nền tảng vững chắc như các ngân hàng thương mại hay tập đoàn kinh tế, mà còn có nhiều lĩnh vực kinh doanh trẻ đang phát triển với những lợi thế chuyên biệt như công nghệ hay mô hình kinh doanh tập trung vào những thị trường đặc biệt.

Với doanh thu toàn tập đoàn đạt 35.114 tỷ đồng, tăng trưởng 23% so với năm 2013, đạt 110% kế hoạch năm, FPT xếp thứ 29 trong Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Riêng FPT Software với doanh thu năm 2014 đạt 3.035 tỷ đồng trở thành doanh nghiệp lớn nhất ngành gia công phần mềm Việt Nam.

Năm nay, FPT tiếp tục lọt vào danh sách “50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam”. Ở giải Sao Khuê, FPT nhận 4 giải thưởng dành cho ĐH FPT, FPT Telecom và FPT Software. Ngoài ra, tập đoàn cũng tiếp tục nằm trong Top 10 giải thưởng Sao Vàng Đất Việt. Tại giải “Top 5 và Huy chương Vàng ICT 2015”, FPT Software, FPT IS và Truyền hình FPT đều có giải. 

Ký hợp đồng toàn cầu hóa kỷ lục tại Bangladesh

FPT IS đã gây tiếng vang lớn khi trúng thầu dự án “Cung cấp, triển khai và bảo hành, bảo trì hệ thống ứng dụng quản lý thuế VAT” (IVAS) trị giá 33,6 triệu USD tại Bangladesh. Hợp đồng toàn cầu hóa có giá trị lớn nhất trong lịch sử FPT này đã mở ra cơ hội lớn cho FPT IS trong việc chinh phục thị trường Nam Á.

32e82-fpt-thang-thau-tai-bangladesh_1451

FPT IS đã vượt qua các doanh nghiệp đến từ các quốc gia như Anh, Pháp, Canada, Trung Quốc và Luxemburg để được cơ quan thuế của Bangladesh chọn lựa để triển khai dự án IVAS. Đây là hợp đồng CNTT theo dạng chìa khóa trao tay lớn nhất từ trước đến nay của Bangladesh. FPT kỳ vọng rằng hợp đồng này sẽ mở ra một hướng đi mới cho việc xuất khẩu chất xám Việt Nam vào khu vực Nam Á.

Đây cũng là hợp đồng CNTT lớn nhất từ trước đến nay của Bangladesh, giúp cơ quan thuế nước này quản lý, tổng hợp, phân tích tốt hơn và nhanh chóng áp dụng Luật thuế VAT mới vào năm 2016. IVAS cũng góp phần giúp Bangladesh thực hiện kế hoạch nâng số tiền thu thuế VAT từ 4,5 tỷ USD (chiếm 3,7% GDP) năm 2014 lên 8 tỷ USD (4,5% GDP) vào năm 2020.

Chủ tịch Đỗ Cao Bảo cho rằng, đây là “trận thắng lớn” không chỉ của FPT IS mà còn của ngành CNTT Việt Nam. Nó khẳng định vị thế tiên phong của FPT trong lĩnh vực xuất khẩu giải pháp, dịch vụ phần mềm ứng dụng ra thị trường quốc tế.

Vé tàu điện tử phục vụ người dân

Dự án Hệ thống bán vé điện tử của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam được FPT IS khởi động từ tháng 7/2014 theo hình thức thuê dịch vụ CNTT. Đây là một trong những dự án trọng điểm hướng tới lợi ích cộng đồng và giao thông thông minh của FPT.

DSC-7529-1443689053-660x0.jpg

Theo thông báo mới nhất của ngành đường sắt, đến ngày 27/12, những tàu số chẵn trước Tết chiều Nam - Bắc từ ngày 29/1 đến 6/2/2016 (tức từ 20 đến 28 tháng Chạp năm Ất Mùi) hiện bán được 122.322 vé (đạt khoảng 96%).

Hệ thống vé tàu điện tử chính thức đi vào hoạt động, góp phần tạo nên bước đột phá cho ngành đường sắt trong việc ứng dụng CNTT, hiện đại hóa các khâu quản lý và bán vé công khai, minh bạch. Dự án cũng giúp người dân thuận tiện hơn khi lựa chọn tàu hỏa làm phương tiện di chuyển, đặc biệt là những dịp cao điểm như lễ, Tết. Thay vì phải vạ vật chờ đợi, chen lấn để mua vé trực tiếp ở các nhà ga, người dân có thể tự đặt mua và thanh toán trực tuyến mọi lúc, mọi nơi thông qua kết nối Internet.

Đầu tháng 9 năm nay, ngành đường sắt đã chính thức bán vé điện tử và đến tháng 10 triển khai bán vé Tết online, sớm hơn 2 tháng so với năm 2014. Lượng đặt mua online chiếm 57% trong tổng số 311.000 vé bán ra (tính đến ngày 21/12). Sau hơn một năm đi vào hoạt động, Đường sắt Việt Nam đã bán ra hơn 10 triệu vé, trong đó có khoảng 1 triệu vé đặt mua thành công theo hình thức trực tuyến.

FPT mở đại học trực tuyến đầu tiên

Tập đoàn tiếp tục “khát vọng đổi thay” trong cách học và dạy bằng việc thành lập trường đại học trực tuyến duy nhất ở Việt Nam đến nay (funix.edu.vn). Ngôi trường đặc biệt với 15 m2, giảng viên không đến trường và sinh viên không có giáo trình này có mong muốn trang bị kiến thức cho sinh viên của FUNiX là học bằng hỏi chuyên gia về CNTT.

khai-giang-funix.jpg

Bắt kịp xu thế toàn cầu và những nhu cầu thiết thực hiện nay, FUNiX ra đời kế thừa những mục tiêu vốn có của ĐH FPT và đồng thời mang đến một phương pháp giảng dạy hoàn toàn mới, giúp cho sinh viên tiết kiệm thời gian học ngắn nhất.

Mở trường đại học online thể hiện sự tiên phong của ĐH FPT khi đưa công nghệ giáo dục và phương pháp giáo dục mới nhằm đào tạo nguồn nhân lực tốt, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường CNTT. 

Với 90 triệu đồng học phí và 3 năm rùi mài kinh sử, sinh viên được cấp bằng kỹ sư CNTT do Bộ Giáo dục - Đào tạo công nhận và có kiến thức cần thiết để làm việc ngay ở môi trường toàn cầu hóa. Đặc biệt, với 3 tháng học, FPT Software đã nhận sinh viên làm việc ngay.

Khóa 1 FUNiX có 50 sinh viên tham gia học đến từ 6 quốc gia gồm Việt Nam, Mỹ, Philippines, Nhật Bản, Australia và Pháp. Bên cạnh đó, 125 mentor đến từ Nhật Bản, Philippines, Australia, Singapore, Việt Nam và Mỹ đã sẵn sàng hỗ trợ sinh viên.

FPT Retail hoàn thành chỉ tiêu 250 shop trước một năm

Kết thúc năm 2015, đơn vị Bán lẻ đã xuất sắc đạt được 7.800 tỷ đồng doanh thu và 180 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Tháng 4, FPT Retail đã cán mốc 200 shop, hoàn thành kế hoạch mở rộng vùng phủ trước 8 tháng. Đến đầu tháng 12, đơn vị hoàn thành luôn cả kế hoạch mở shop năm 2016 với 250 cửa hàng được "phủ mịn" trên 63 tỉnh, thành.

FPT-Shop-5.jpg

FPT Retail đang là một trong những điểm sáng của FPT.

"Thành công này là nhờ sự tin chọn, ủng hộ của hơn 2 triệu khách hàng và nỗ lực hết mình của 4.500 CBNV trong suốt thời gian qua", chị Nguyễn Bạch Điệp, TGĐ FPT Retail, cho hay. “Mục tiêu kinh doanh của đơn vị trong năm 2016 không chỉ ở những con số doanh thu, lợi nhuận mà trên hết là làm khách hàng hài lòng hơn mong đợi".

FPT thành tổ chức học tập

Năm 2015, tập đoàn thành lập Trường Đào tạo Cán bộ FPT (FCU) với quyết tâm đưa FPT trở thành tổ chức học tập. FCU đã tổ chức hơn 220 lớp học như MiniMBA, cán bộ cốt cán, đào tạo ngành dọc…thu hút trên 7.000 lượt CBNV tham gia. Đồng thời triển khai thành công 10 số “72h trải nghiệm” cho gần 700 tân binh trên toàn quốc. Năm nay cũng đánh dấu khát vọng học tập sôi nổi với 17 số “TGB Seminar on Leadership” do Chủ tịch Trương Gia Bình sáng lập.

mooc-1-2205-1432543497.jpg

"Một tổ chức trở nên mạnh hay yếu là nhờ vào chất lượng nguồn nhân lực. Nếu vấn đề chi phí khiến chúng ta ít có cơ hội tiếp cận với tri thức mới thì MOOC đã mở ra cho người FPT một cơ hội, một con đường hữu hiệu", Chủ tịch FPT Trương Gia Bình từng chia sẻ.

Trong năm, 6.733 CBNV từ level 3 trở lên đều phải hoàn thành một trong các khóa học MOOC như Coursera, Duolingo hoặc khóa học chuyên môn của đơn vị theo quyết định do TGĐ Bùi Quang Ngọc ký. Cùng với đó, các công ty thành viên cũng tổ chức hàng nghìn lớp học, các buổi seminar, workshop…để đào tạo cho toàn bộ CBNV về quản trị dự án, ngoại ngữ, kỹ năng bán hàng, kiến thức sản phẩm...

Ra mắt quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên

Từ năm 2015, FPT quyết định mỗi năm sẽ dành 3 triệu USD đầu tư cho các startup. “FPT Ventures sẽ thổi một luồng khí sáng tạo tới khắp đất nước, để mỗi cá nhân trở nên sáng tạo hơn, doanh nghiệp nhỏ lớn hơn, còn doanh nghiệp lớn sẽ thành vĩ đại”, Chủ tịch Trương Gia Bình cho hay.

DSC-2567-1-9823-1432086688.jpg

"Chúng tôi sẽ hỗ trợ các startup tăng giá trị và chiều sâu công nghệ trên sản phẩm, dịch vụ của mình. FPT cũng sẽ chia sẻ platform của mình cho cộng đồng khởi nghiệp", anh Trần Hữu Đức, Giám đốc Quỹ, nói về định hướng của Quỹ trong sự kiện ra mắt ngày 19/5.

Điểm nhấn của Quỹ đầu tư mạo hiểm họ nhà F là không chỉ “gọi” được vốn của FPT, các startup có thể tận dụng triệt để hạ tầng kỹ thuật cũng như sử dụng các nguồn lực có sẵn từ tập đoàn để tiết kiệm chi phí và đẩy nhanh tiến độ.

Cùng với việc đầu tư vào các dự án trong nội bộ tập đoàn như: Sendo.vn, Ants.vn, FPT Play, Nhacso.net, Viecnha.vn, gostudybooking.com, Fshare.vn… FPT Ventures còn tập trung hỗ trợ các khởi nghiệp có định giá chưa tới 1 triệu USD ở các nhóm lĩnh vực: Internet, Di động (Mobile), giải pháp doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMB), Y tế/Giáo dục/Giao thông, và SMAC.

Sau 7 tháng kể từ khi thành lập, Quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên của FPT (FPT Ventures) nhận được 350 hồ sơ mời rót vốn. Trung bình mỗi ngày, quỹ nhận 2-3 hồ sơ gửi về.

SMAC Challenge mở rộng toàn quốc

Bước vào năm thi thứ ba, SMAC Challenge có ba điểm mới: Nam tiến, công nghệ FPT được áp dụng và tính hữu dụng của các sản phẩm.

DSC-5129-1-JPG-9308-1450452327.jpg

Infinity, đại diện của Học viện Bưu chính Viễn thông, xuất sắc giành quán quân SMAC Challenge mùa thứ ba. 

Sau hai năm “đóng đô” tại Hà Nội, SMAC Challenge - Số hóa giọng nói - đã mở rộng đến sinh viên TP HCM với 22 đội thi trong tổng số 48 đội. Các trường lớn về CNTT của phía Nam đều tham gia đông đảo như ĐHQG TP HCM, ĐK KHTN, ĐH FPT…

Sân chơi SMAC Challenge 2015 còn nổi bật bởi tính ứng dụng của sản phẩm khi vẽ lên một "thành phố thông minh", nơi con người được hỗ trợ hoàn toàn từ việc nhà cửa, giải trí, học tập, cho đến tham gia giao thông, y tế... bởi các "trợ lý" chuyên nghiệp được điều khiển bằng giọng nói. iCook - Trợ lý nhà bếp, giành ngôi Vô địch giải, là sản phẩm có tính ứng dụng cao cho người Việt hiện đại.

Chúng ta

Ý kiến

()