Chúng ta

Xe tự lái: Cuộc đua giữa các 'ông lớn'

Thứ sáu, 13/7/2018 | 17:40 GMT+7

Tại Việt Nam, Tập đoàn FPT cũng đang triển khai những bước đi đầu tiên trong việc phát triển công nghệ xe tự hành. 

Uber đã quyết định đặt 100 xe tự lái tại TP Pittsburgh, Mỹ. Bước đi này một lần nữa cho thấy cuộc cạnh tranh không ngừng giữa các hãng công trong việc tung ra những mẫu xe không người lái.

8-JPG-2177-1515312523-8498-152-6928-9612

Xe tự lái của FPT đang chạy thử.

Cuộc đua xe tự lái

Hiện nay, nhiều công ty công nghệ đang tìm cách tung ra những chiếc xe không người lái. Những sản phẩm này bao gồm các sản phẩm của các hãng như Waymo của Google hay như Tesla, Apple, cũng như các nhà sản xuất ô tô như Volkswagen và Toyota.

Về phía Uber cho biết, họ đã sa thải 100 lái xe hợp đồng Uber tại thành phố Pittsburgh và hy vọng trong mùa hè này, những chiếc xe tự lái sẽ xuất hiện trên những con đường của Pittsburgh.

Trước đó, Tập đoàn Toyota Corp dự định chi 2,8 tỷ USD để phát triển hệ thống phần mềm cho xe tự lái của họ vận hành hiệu quả giống như các nhà máy sản xuất xe hiện tại. Tuy nhiên, trước sự kiện đau lòng một chiếc xe tự lái của Uber gây tại nạn chết người hồi tháng 3/2018 đã khiến Toyota phải tạm dừng thử nghiệm xe tự lái.

Còn với “ông lớn” tìm kiếm Google, trong gần như cả thập kỷ vừa qua, Google đã rót hàng núi tiền để nghiên cứu công nghệ xe tự lái. Google là hãng tiên phong trong việc đưa ra những mẫu xe hơi tự động, với một "đội quân" xe hơi mini không người lái đã lăn bánh trên những con đường tại thung lũng Silicon. Tuy nhiên, công ty mẹ của Google là Alphabet đã quyết định đại tu lại toàn bộ dự án này. Và vào năm 2016 Alphabet đã chính thức công bố rằng Waymo sẽ chịu trách nhiệm thực hiện dự án xe tự lái của họ.

Không như Google, Waymo không tự mình sản xuất xe hơi mà sẽ hợp tác với các nhà sản xuất chuyên nghiệp khác. Kết quả là mới đây Waymo đã có sự hợp tác với hãng xe hơi Jaguar Land Rover cho ra đời chiếc xe  I-PACEs được tích hợp tính năng lái tự động của Waymo, dự kiến sẽ có 20.000 chiếc được đưa ra thị trường, theo Business Insider.

Việt Nam không nằm ngoài cuộc đua

Tại Việt Nam hiện Tập đoàn FPT cũng đang triển khai những bước đi đầu tiên trong việc phát triển công nghệ xe tự hành. Bắt đầu vào tháng 10/2016, FPT đã hợp tác với Viện nghiên cứu Daiwa trong cuộc đua toàn cầu về xe tự hành. Theo đó, cuối tháng 10/2017, FPT đã tiến hành thử nghiệm công nghệ xe tự hành của mình trong khuôn viên trường Đại học FPT tại TP HCM.

Xe ô tô tự lái của FPT đã trải qua khoảng 200 giờ chạy trong khuôn viên tòa nhà F-Town. Nhóm R&D đã mô phỏng các trải nghiệm trong thế giới thực cùng rất nhiều bài thử nghiệm nhằm kiểm tra khả năng lái xe đúng làn hay học cách tránh người đi đường, vật cản.

Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cho biết xe tự hành là mảng kinh doanh quan trọng của FPT Software trong tương lai. Mục tiêu của FPT là năm 2020 sẽ đạt doanh thu 200 triệu USD/năm. Đồng thời, đây cũng là "biểu tượng" phản ánh tương lai mà FPT đang hướng tới. Nó biểu thị thái độ tập trung vào kinh doanh kỹ thuật số, đó cũng là một biểu tượng nhằm thu hút các kỹ sư để hỗ trợ sự phát triển của mảng này. Việc cho chạy xe tự hành trong khuôn viên của công ty cũng nhằm thu hút sự quan tâm của các kỹ sư trong công ty để họ có động lực nâng cao kỹ năng.

Thách thức xe tự lái

Mặc cho những đánh giá về triển vọng của xe tự lái thì đến năm 2030, con số xe tự lái bán ra trên toàn thế giới sẽ chỉ vào khoảng 10 triệu chiếc. Đây là con số cực khiêm tốn so với hàng tỉ chiếc xe đang lưu thông trên đường.

Vì vậy, thách thức là làm sao tìm ra cách để cả những chiếc xe tự lái, xe đạp, người đi bộ hay xe có người lái cùng tham gia giao thông một cách an toàn. Sẽ phải mất hàng thập kỷ để công nghệ xe tự lái có thể giải quyết được mọi tình huống trên đường.

Theo đánh giá của Business Insider, trên những tuyến phố như tại Việt Nam, một chiếc xe hơi tự lái có lẽ cần phải thực hiện hàng trăm phán đoán tình huống khác nhau mới có thể đưa ra được cách thức di chuyển chính xác.

Giáo sư Raj Rajkumar của Đại học Carnegie Mellon, một trong những chuyên gia hàng đầu về xe hơi tự lái cho rằng hệ thống giao thông tại những quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc, hay Ấn Độ sẽ là những thử thách lớn đối với họ. Ông cho rằng sẽ phải mất nhiều hơn một thập kỷ để công nghệ xe tự lái trở nên khả dụng tại đây.

"Quan trọng hơn", giáo sư Rajkumar giải thích, "ngành công nghiệp cần phải "giải mã" cách vận hành của hệ thống giao thông tại những nơi như Việt Nam. Không giống như ở Mỹ, nơi người điều khiển giao thông tuân thủ các quy tắc được thiết lập rõ ràng, các tài xế ở Việt Nam dường như sử dụng các quy tắc "ngầm" để điều khiển phương tiện của họ.

Ông Josh Sadlier, quản lý cấp cao về chiến lược tại Edmunds.com cho biết: ”Các xe tự hành cần phải được lập trình chặt chẽ để hoạt động theo đúng luật giao thông. Với các quốc gia có hệ thống giao thông phức tạp như Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam... chi phí đầu tư cho công nghệ này sẽ không hề rẻ. Một hệ thống điều hành với hàng ngàn quy trình phức tạp như vậy sẽ tiêu tốn hàng nghìn USD. Đó là lý do vì sao các doanh nghiệp ô tô hàng đầu thế giới cần rất nhiều năm để phát triển công nghệ này".

>> Bộ Giao thông 'bật đèn xanh' cho FPT phát triển công nghệ ô tô tự lái

Diễn đàn Doanh nghiệp

Ý kiến

()