Chúng ta

Viết ước mơ từ đôi tay khuyết tật

Thứ hai, 31/8/2015 | 12:02 GMT+7

“Lúc trước bị gọi là Vỹ “cụt” mình còn buồn nhưng khi lớn lên mình chẳng còn buồn nữa. Mình luôn cười, luôn tự tin vì mình biết gục đầu trước khó khăn đồng nghĩa với lùi bước trước số phận”.

Đó tâm sự của Trần Khắc Vỹ, cậu sinh viên năm cuối trường Đại học FPT, người đã trải qua tại nạn nghiêm trọng khi chỉ còn là một cậu bé và đã lớn lên với một nghị lực phi thường.

Đêm định mệnh

Vỹ là con của núi rừng Tây Nguyên, được sinh ra trong một gia đình thuần nông giống phần đa các hộ gia đình sinh sống ở xã EaWy, huyện EaHLeo, tỉnh Đăk Lăk.

Nhớ lại tai nạn kinh hoàng, Vỹ kể lại chuyện xảy ra đã 16 năm nhưng đến nay vẫn còn gây nhức nhối cho cậu và gia đình. Lúc đó Vỹ mới tròn 4 tuổi. Một buổi chiều trời nhá nhém tối, ba Vỹ đang bận việc, mẹ chuẩn bị buổi cơm tối cho cả gia đình. Trong ánh sáng leo lét từ ngọn đèn dầu, Vỹ chập chững bước đi rồi sa chân ngã vào hố mùn cưa đang ngún lửa cháy trước nhà. Làn da non nớt của đứa bé không chịu nổi sức nóng như thiêu đốt của mùn cưa, tay chân Vỹ cháy đến nỗi muốn chín hết cả thịt, nếu không có anh trai cứu có lẽ Vỹ đã chết.

vuot-qua-tat-ca-onvo-3804-1440648671.jpg

Những vết thương từ tai nạn năm đó vẫn in trên cơ thể cậu sinh viên.

Ngày tháng sau đó cả gia đình Vỹ không thể nào quên. Đó là cuộc chạy đua sinh tử đau đớn và cực nhọc. Gia đình khó khăn gom góp tất cả những gì có được đưa em lên thành phố Buôn Ma Thuột chữa trị. Kết quả không tốt, Vỹ tiếp tục được đưa vào Sài Gòn chạy chữa. Những cuộc phẫu thuật liên tiếp diễn ra, kéo dài nhiều giờ liền. Chị Vỹ kể: “Khi đó các bác sĩ phải lóc da trên người Vỹ để ghép vào chỗ bỏng, cả nhà tôi đứng ngồi không yên, nhìn em mà đau xót”. Dù đã nỗ lực hết sức nhưng số phận đã định, những ngón tay, chân của Vỹ mãi mãi không thể lấy lại.

“Ngày đó, khi da non bắt đầu thay lớp mới tôi chứng kiến cảnh em mình kêu khóc, ba má đã phải thức cả đêm người quạt, người gãi cho em đỡ ngứa, những tháng ngày đó thật sự khó khăn và mệt nhọc. Bây giờ, ba má rất ít khi nhắc lại vì đó vẫn còn một nỗi buồn quá lớn”,  Chị Vỹ kể lại.

Bàn tay không ngón viết nên ước mơ

Từ một người bình thường bỗng chốc cơ thể không còn nguyên vẹn, ban đầu Vỹ tự ti về bản thân và buồn rầu khi bạn bè trêu chọc. Nhưng rồi niềm tin vào cuộc sống và nỗi vất vả của cha mẹ, đam mê được học và từ tấm gương học giỏi của anh chị đã thôi thúc Vỹ đứng lên.

Từ bàn tay thiếu ngón, Vỹ nắn nót từng con chữ đầu tiên để bây giờ có thể lướt thoăn thoát trên bàn phím máy tính. Vỹ liên tiếp đạt thành tích cao trong học tập, đạt nhiều giải thưởng học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh. Vỹ là một trong số ít học sinh trường THCS Huỳnh Thúc Kháng đậu vào trường THPT Chuyên Nguyễn Du, TP Buôn Ma Thuột.

vy2dwps-suwo-1970-1440648671.jpg

Vỹ vui vẻ, lạc quan bên cạnh những người bạn của mình.

Một người bạn thân của Vỹ vui vẻ chia sẻ: “Học chung với Vỹ, đường đi học rất xa, lần đầu tiên nhìn thấy Vỹ chạy xe đạp tôi hoàn toàn bất ngờ. Đó là cả một nỗ lực lớn. Vỹ rất hiếu động và vui vẻ, lần nào đi chung cũng đòi chở. Dù được miễn học môn thể dục nhưng Vỹ vẫn không vắng buổi nào và trải qua mọi cuộc kiểm tra như bình thường”.

Vỹ phải tự mình làm tất cả mọi việc vì trường xa nhà hàng trăm cây số. Bạn nói: “Không có gì khó khăn cả, làm nhiều, siêng năng chuyện gì cũng trở nên dễ dàng”. Sau 3 năm xa nhà, Vỹ mang lại niềm vui lớn cho gia đình khi trở thành một trong 6 học sinh đạt học bổng toàn phần Nguyễn Văn Đạo của Đại học FPT ngành Kỹ nghệ phần mềm.

Niềm đam mê với máy tính và công nghệ của Vỹ được phát huy toàn diện trong môi trường đại học. Kết quả học tập của Vỹ khiến nhiều bạn bè trong lớp phải khâm phục. “Năm cuối đại học, mình sẽ làm tốt nhiệm vụ học tập, hoàn thành chương trình tiếng Anh và lên cấp tiếng Nhật để phục vụ tốt nhất cho công việc sau này”, Vỹ chia sẻ.

Sài Gòn tất bật, rực rỡ ánh đèn của một đô thị hàng đầu cả nước. Nơi ấy, khiêm tốn trong một góc nhỏ của căn phòng trọ, ánh sáng nhỏ bé của chiếc đèn bàn, cậu sinh viên khuyết tật Trần Khắc Vỹ vẫn miệt mài viết nên những chương trình máy tính, viết nên ước mơ đền đáp công ơn ba mẹ và hoàn thành ước mơ còn dài phía trước, dựng nên một công ty thiết kế phần mềm mang tầm thế giới.

>> Ba người thầy

Pháp luật TP HCM

Ý kiến

()