Chúng ta

Việt Nam: Số 1 thế giới về Outsourcing

Thứ ba, 31/3/2015 | 11:55 GMT+7

Đầu năm nay, Ban lãnh đạo FPT Software đã có một màn trình diễn hoạt cảnh tuồng độc đáo nhằm báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Theo đó, 2014 là năm để lại nhiều dấu ấn trong chiến lược phát triển ra nước ngoài của FPT Software khi họ liên tục thắng lợi tại các thị trường quan trọng như Mỹ, châu Âu, Nhật hay Singapore.

Cụ thể, tại Mỹ, FPT Software đã vượt qua một đối thủ hàng đầu từ Ấn Độ và tiếp tục mở rộng quy mô với khách hàng DTV, hãng truyền hình vệ tinh số 1 xứ cờ hoa. Ở châu Âu, FPT Software là công ty công nghệ thông tin đầu tiên của Việt Nam tiến hành thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) khi mua lại hãng RWE IT Slovakia và đổi tên thành FPT Slovakia. Tại Nhật, FPT Software cũng được nhiều khách hàng chọn làm đối tác gia công dịch vụ (outsourcing) khi họ dịch chuyển từ Ấn Độ và Trung Quốc.

Tốc độ phát triển mạnh ở các thị trường mới đã giúp FPT Software đạt được kết quả kinh doanh khả quan. Năm 2014, Công ty đạt 2.900 tỷ đồng doanh thu, tăng 35% so với năm trước đó. Nhân sự cũng đạt trên 7.000 người, tăng 40%, trong đó có gần 1.000 người đang sống và làm việc ở 19 văn phòng tại 9 quốc gia. FPT Software hiện có 350 khách hàng là các công ty lớn trên thế giới, gồm 40 khách hàng trong danh sách Fortune 500.

Khach-tham-quan-gian-hang-cua-1598-2187-

Việt Nam là thị trường gia công phần mềm lớn thứ 2 thế giới cho Nhật. Ảnh: Chungta.vn.

Chưa dừng lại, với mục tiêu đạt doanh thu 1 tỷ USD, nhân sự 30.000 người vào năm 2020, FPT Software đang trên đường trở thành một tên tuổi lớn trong làng gia công phần mềm.

Không chỉ riêng FPT, hiện một số doanh nghiệp tại Việt Nam cũng bước đầu tạo được uy tín ở lĩnh vực gia công phần mềm trên thế giới như Lạc Việt (gia công cho nhiều ngân hàng nước ngoài), ERAS (gia công cho các tập đoàn đa quốc gia như Nortel và Motorola) hay LogiGear Việt Nam.

Tuy FPT Software chỉ mới tiến vào “Top 100 nhà cung cấp dịch vụ gia công toàn cầu” do Hiệp hội các chuyên gia gia công chuyên nghiệp quốc tế bình chọn, nhưng không thể phủ nhận công ty này đã đóng góp không nhỏ giúp Việt Nam tăng tới 4 bậc trong bảng xếp hạng các điểm đến có dịch vụ gia công đứng đầu thế giới.

Theo đó, nghiên cứu mang tên “Bảng xếp hạng các Quốc gia dẫn đầu ngành Dịch vụ thuê ngoài” do Công ty Tư vấn Bất động sản Cushman & Wakefield công bố gần đây cho thấy lần đầu tiên Việt Nam đã vươn lên vị trí số 1 thị trường gia công dịch vụ thế giới. Năm 2013, Việt Nam chỉ đứng thứ 5 trong bảng xếp hạng này.

Kết quả này có thể khiến nhiều người ngạc nhiên, nhưng sự thật là Việt Nam đã trở nên đặc biệt hấp dẫn kể từ khi Chính phủ bắt đầu áp dụng nhiều biện pháp cải cách. Ðơn cử như việc đầu tư mạnh vào giáo dục và đào tạo đã tạo điều kiện cho nhiều người Việt phát triển khả năng đọc hiểu và tính toán, giúp nguồn lao động chuyển từ nghề nông năng suất thấp sang công việc văn phòng năng suất cao hơn.

Theo Cushman & Wakefield, “Bảng xếp hạng các Quốc gia dẫn đầu ngành Dịch vụ thuê ngoài” được xây dựng bằng cách đánh giá các chỉ tiêu về chi phí, rủi ro và điều kiện hoạt động. Các chỉ số giúp Việt Nam đứng đầu bảng xếp hạng này chính là chi phí thấp, rủi ro chính trị thấp và thu nhập bình quân đầu người tăng đáng kể. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên 6,2% vào năm 2015, Cushman & Wakefield tính toán.

Theo ông Jonathan Tizzard, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Định giá Cushman & Wakefield Việt Nam, bảng xếp hạng đã cho thấy sự thành công của Chính phủ Việt Nam trong việc tạo ra một môi trường kinh doanh ổn định, cùng với những chính sách khuyến khích nâng cao chất lượng giáo dục và trình độ chuyên môn cho thế hệ trẻ. Cùng lúc đó, đầu tư nước ngoài trực tiếp vào Việt Nam (FDI) đang và sẽ tiếp tục tăng khi các hiệp định tự do thương mại được ký kết.

“Cái tên Việt Nam sẽ được nhắc nhiều trong các tờ báo kinh tế và tài chính trong và ngoài nước”, ông Jonathan Tizzard nói.

Ngoài ra, Cushman & Wakefield cũng cho rằng nhờ mức lương vẫn còn thấp so với những nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài do nguồn lao động lành nghề cùng chi phí hợp lý. Và lĩnh vực phát triển mạnh nhất ở Việt Nam là ngành công nghiệp phần mềm.

“Dù không phải là thị trường dịch vụ gia công giá rẻ nhất, Việt Nam vẫn rất cạnh tranh so với thị trường các nước khác. Chi phí tiền lương đang tăng lên ở Ấn Độ và Trung Quốc đã giúp cho Việt Nam đứng đầu bảng xếp hạng năm 2015”, ông Richard Middleton, Giám đốc Bộ phận dịch vụ thuê của Cushman & Wakefield khu vực châu Á Thái Bình Dương - châu Âu - Trung Đông - châu Phi, phân tích.

Cùng lúc, người láng giềng Philippines đã tiến lên vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng (tăng một hạng so với năm 2014). Thực tế, thị trường dịch vụ thuê ngoài đã trở thành trụ cột của nền kinh tế nước này. Lĩnh vực dịch vụ thuê ngoài của Philippines đã đạt lợi nhuận kỷ lục 15 tỉ USD vào năm ngoái, có tốc độ tăng trưởng vượt qua cả Ấn Độ và lấy mất 70% giá trị ngành dịch vụ chăm sóc khách hàng qua điện thoại của nước này.

Trong khi đó, theo dữ liệu từ hãng tư vấn đầu tư Tholons, Việt Nam giờ đã trở thành điểm đến của hơn 1.000 công ty phần mềm với hơn 80.000 nhân viên, trở thành một trong những nhà xuất khẩu phần mềm lớn nhất thế giới và là đất nước gia công phần mềm lớn thứ 2 thế giới cho Nhật.

Nhịp cầu Đầu tư

Ý kiến

()