Chúng ta

Ứng dụng thuê xe do sinh viên phát triển lấy cảm hứng từ Grab, Uber

Thứ hai, 8/5/2017 | 14:47 GMT+7

Khai thác thị trường “ngách” mà Grab, Uber còn bỏ ngỏ, nhóm sinh viên ngành Kỹ thuật phần mềm của Tổ chức Giáo dục FPT đã phát triển ứng dụng thuê xe mới với nhiều tính năng tiện dụng và mở rộng thêm dịch vụ cho thuê ô tô tự lái.

Như nhiều người trẻ khác, nhóm 5 nam sinh viên năm cuối ngành Kỹ thuật Phần mềm của Tổ chức Giáo dục FPT (FPT Education) gồm Nguyễn Đức Điền, Lê Quý Đức Anh, Phan Thành Nam, Nguyễn Hữu Thái và Lê Tiến Hiệp biết đến và đã từng sử dụng dịch vụ thuê xe của Grab và Uber. Tuy vậy, nhóm nhận thấy những dịch vụ này mới phát triển ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM và còn bỏ ngỏ thị trường “ngách” ở địa bàn những tỉnh, thành phố nhỏ khác.

“Từ quan sát và nghiên cứu thực tiễn đó, nhóm chúng tôi nảy ra ý tưởng xây dựng một ứng dụng thuê xe dễ sử dụng, có thêm tính năng so với các dịch vụ của nước ngoài và phù hợp với nhu cầu của người dân ở các tỉnh, thành nhỏ”, nhóm trưởng Nguyễn Đức Điền cho biết.

Capture-2017-05-05-14-44-06-1-1681-14942

Nhóm 5 sinh viên Tổ chức Giáo dục FPT đã khá nhanh nhạy khi áp dụng mô hình Sharing Economy vào ứng dụng của nhóm mình.

Ứng dụng “Vehicle in your hand” của nhóm sinh viên Tổ chức Giáo dục FPT có giao diện thiết kế đơn giản, tập trung làm nổi bật tính năng quan trọng nhất là thuê xe. Danh mục xe hiện có với hình ảnh và mô tả chi tiết về số chỗ ngồi, tính năng nổi bật, giá thuê/ ngày, đánh giá của người đã sử dụng trước đó hiển thị ngay trang chủ. Nếu muốn thuê các xe đang có sẵn này, người dùng lựa chọn tính năng “Đặt xe ngay” một cách dễ dàng.

Trong trường hợp có những yêu cầu riêng, chưa thể tìm được một phương tiện phù hợp trong số xe có sẵn thì người dùng có thể sử dụng tính năng hỗ trợ tìm kiếm sâu hơn trên ứng dụng “Vehicle in your hand”.

“Sau khi nhập dữ liệu về tỉnh, thành phố nơi đang ở, thời gian nhận và trả xe, người dùng có thể tìm kiếm danh sách xe đáp ứng được yêu cầu của mình. Ngoài ra, ứng dụng còn sắp xếp xe theo hãng sản xuất, màu sắc, số chỗ ngồi, giá tiền để bạn tìm được phương tiện ưng ý nhất”, sinh viên Lê Tiến Hiệp đại diện nhóm phát triển ứng dụng phân tích tính năng.

Yêu cầu quan trọng nhất đặt ra cho một ứng dụng thuê xe đó là quản lý tình trạng phương tiện và lịch đặt xe chính xác. Ứng dụng “Vehicle in your hand” của nhóm sinh viên Tổ chức Giáo dục FPT thực hiện điều này qua một tài khoản duy nhất tương ứng với từng người dùng. Nhờ đó, thông tin được sắp xếp một cách hệ thống và đảm bảo sự bảo mật.

Trưởng nhóm Nguyễn Đức Điền cho hay: “Người dùng đăng ký trên hệ thống bằng một tài khoản email, chủ phương tiện có thể đăng nhập qua email đó để xem lịch đặt xe mới, thay đổi thông tin xe, cập nhật thêm xe mới… Ngược lại, người thuê xe cũng theo dõi yêu cầu đặt xe, tìm kiếm phương tiện phù hợp qua tài khoản duy nhất của mình”

Áp dụng mô hình Sharing Economy (kinh tế chia sẻ) mà Grab hay Uber đang sử dụng, ứng dụng của nhóm sinh viên ngành Kỹ thuật phần mềm – Tổ chức Giáo dục FPT đã giải quyết được bài toán về nhu cầu thuê xe cá nhân đang “nóng” ở các tỉnh, thành phố hiện nay.

Ngoài ra, “Vehicle in your hand” không giới hạn phạm vi hoạt động của phương tiện. Chủ sở hữu xe có thể quyết định nhận lịch thuê phương tiện đi xa hoặc không. Đây được đánh giá là điểm nổi trội của ứng dụng “Vehicle in your hand” khi mà các dịch vụ như Grab hay Uber chủ yếu phục vụ nhu cầu di chuyển trên quãng đường ngắn.

Ứng dụng “Vehicle in your hand” là đồ án tốt nghiệp ngành Kỹ thuật phần mềm của nhóm sinh viên Tổ chức Giáo dục FPT dưới sự hướng dẫn của giảng viên Bùi Đình Chiến. Quá trình nghiên cứu và phát triển ứng dụng có nhiều thuận lợi và cả khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất đến từ sự hạn chế kinh nghiệm của các thành viên. Tuy vậy, bằng nỗ lực liên tục trong hơn 3 tháng và sự dìu dắt, hướng dẫn tận tình của giảng viên, nhóm sinh viên đã hoàn thành đồ án tốt nghiệp của mình.

Ứng dụng “Vehicle in your hand” của các sinh viên Tổ chức Giáo dục FPT đã thể hiện tư duy thị trường khi giải quyết được bài toán mà những dịch vụ vận tải quãng đường dài ở Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng được. Trong thời gian tới, nếu ứng dụng này được phát triển tiếp hoặc đưa ra thương mại hoá, có thể đây sẽ là “tác nhân” góp phần giúp thị trường vận tải ứng dụng công nghệ thêm sôi động.

ICT News

Ý kiến

()