Chúng ta

TS. Nguyễn Thành Nam: 'Giáo viên đứng lớp như ca sĩ hát trên sân khấu'

Thứ bảy, 4/3/2017 | 12:22 GMT+7

Khi mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang ảnh hưởng sâu đến đời sống xã hội, nhất là về giáo dục thì mô hình học đại học ảo sẽ rất phù hợp và đứng vững. Đó là khẳng định của Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam, Hiệu trưởng Đại học FUNiX, tại hội thảo bàn về nội dung của cuộc cách mạng 4.0, ứng dụng công nghệ thông tin, chiến lược liên kết giữa các trường đại học, cao đẳng ngày 24/2.

Sinh viên càng hỏi, giáo viên càng… thích

Ông Nam cho biết, mô hình học đại học ảo là mô hình học đại học trực tuyến lĩnh vực công nghệ thông tin. Đại học FUNiX đã triển khai từ tháng 10/2015, hiện có khoảng 1.000 sinh viên theo học.

Chương trình này được chia thành 8 học kỳ, mỗi kỳ 4 tháng. Trong 8 học kỳ, sinh viên sẽ lần lượt trải qua các kiến thức cần thiết cho nghề nghiệp gồm: Công dân số, Lập trình viên ứng dụng mobile, Lập trình viên ứng dụng doanh nghiệp, Thông thạo môi trường làm việc công nghệ thông tin, Kỹ sư phần mềm cơ bản, Thông thạo môi trường kinh doanh, Chuyên viên hệ thống thông tin, Bằng kỹ sư phần mềm.

TS-Nguyen-Thanh-Nam-1-9841-1488533075.jp

Hiệu trưởng FUNiX Nguyễn Thành Nam.

Sau mỗi kỳ, sinh viên sẽ nhận được một chứng chỉ có giá trị độc lập và có cơ hội tìm kiếm việc làm tương ứng. Hoàn thành toàn bộ chương trình học, sinh viên sẽ trở thành kỹ sư công nghệ thông tin, nhận bằng đại học được Bộ Giáo dục & Đào tạo công nhận. Những sinh viên tốt nghiệp đều có việc làm ngay. Điều đặc biệt, sinh viên không phải đến trường mà ngồi ở nhà hay bất cứ đâu, lên máy tính, online Facebook là có thể học được đại học.

Điều kiện đặt ra, sinh viên phải đặt ra được câu hỏi, ít nhất là 8 câu/môn cho các mentors (mentors tại trường Đại học Trực tuyến FUNiX là các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ hàng đầu Việt Nam sẽ giải thích những thắc mắc, đưa ra bài tập thực hành cho sinh viên 24/24h thông qua các kết nối online).

Số lượng câu hỏi sinh viên đưa ra sẽ quyết định việc mình có qua được môn học hay không. Nhiệm vụ của mentors là phải giải đáp những thắc mắc, đưa ra bài tập thực hành cho sinh viên 24/24h thông qua các kết nối online. Sinh viên hỏi càng nhiều, mentors càng mừng, càng trân trọng dù là câu hỏi ngớ ngẩn nhất. Thậm chí, montors phải tự marketing cho bản thân để được sinh viên chú ý đặt câu hỏi.

Giáo viên đứng lớp như ca sĩ hát trên sân khấu

Theo ông Nam, việc giáo viên đứng lớp dạy giống như ca sĩ đứng trên sân khấu hát vậy. Ca sĩ có hát hay, có chất lượng và truyền được cảm xúc thì mới được nhiều người nghe, tìm mọi cách mua đĩa nhạc.

Giáo viên đứng lớp cũng vậy, có dạy hay, truyền tải được nhiều kiến thực bổ ích, phù hợp với nhu cầu thực tế thì sinh viên mới thích học và đưa ra nhiều câu hỏi cho môn học.

Ngày trước ông Nam cũng đi dạy, "mỗi khi hỏi: "Có ai hỏi hay có ý kiến gì không", tôi thấy các sinh viên tự nhiên cắm đầu xuống hết. Mà không chỉ sinh viên mới lớn, quen ngoan ngoãn nghe lời, cả các học viên trưởng thành hơn, tự tin hơn, đã đi làm, học các khóa lãnh đạo cũng thế”.

Đã nhiều lần ông phát cáu vì chẳng có học viên nào đặt câu hỏi cho vấn đề thầy giáo đưa ra. Dù vấn đề đó, giáo viên cố tình dạy lệch, tạo ý mở cho sinh viên cũng chẳng có câu hỏi nào được đưa ra. "Dạy thế thì giải tán lớp cho rồi. Chán lắm. Ai đời đi dạy mà giáo viên cứ thế hát, còn học viên thì cứ ngỏng cổ lên nghe, hay cũng được, dở cũng chẳng quan tâm”, ông Nam nói.

Ông quan niệm rằng, tất cả sự sáng tạo đều bắt đầu từ sự tò mò, khám phá thế giới, từ những câu hỏi. Lớp trẻ bây giờ đang bị ”ô nhiễm” môi trường hỏi.

“Thầy cô có tâm huyết đến đâu, thì ngay cả kham cho đủ giáo án cũng đã hết thời gian, nói gì đến hỏi đáp. Chưa kể thi cử vẫn theo hình thức cũ rích, một chiều kiểu: thầy hỏi, chúng em thuộc lòng (hoặc chép trộm). Cái câu “các em có hỏi gì không?” lẽ ra phải phổ biến thì lại trở thành “giờ học đến đây là hết”, ông Nam thảng thắn nói.

Theo ông, không hẳn vấn đề là học sinh không tích cực, cũng không hẳn thầy giáo không khơi gợi. Sự thụ động trong giáo dục nằm ở chỗ thời khóa biểu quá chặt, số học sinh trong một lớp quá lớn, và quy chế thi cử đã lạc hậu. “Thay đổi những cái đó không thuộc hoàn toàn thẩm quyền của hiệu trưởng. Nhưng vẫn nhiều điều có thể thực hiện được ngay. Người lớn chúng ta cứ cố gắng đi. Còn các bạn trẻ, đừng sợ “hỏi ngu”. “Ngu” gì mà không hỏi”, ông Nam nói.

Trở ngại lớn nhất là tâm lý phụ huynh, học sinh

Ông Nam cho biết, trở ngại lớn nhất của mô hình đào tạo đại học ảo là tâm lý của phụ huynh, học sinh. Đã có rất nhiều phụ huynh không tin vào chương trình mà con mình đang theo học là sự thật. Bởi học đại học gì mà không phải đến trường, đến lớp, cứ ở nhà "ôm” máy tính.

"Phụ huynh họ đến trường để xem cơ sở vật chất của nhà trường. Không thấy trường đâu, họ cứ hỏi. Tôi trả lời trường trên mây ấy. Họ ngớ người ra. Lúc đó, tôi lấy thời gian học, chất lượng và sinh viên ra trường không phải xách hồ sơ khắp nơi đi xin việc mà giải thích. Lúc đó phụ huynh họ mới đặt niềm tin. Nói thật, khi mở chương trình đào tạo này, tôi rất sợ phụ huynh và học sinh không tin tưởng. Vì chương trình này đâu cần cơ sở vật chất kỹ thuật. Chỉ cần các mentors tốt, làm sao kiếm được việc làm cho sinh viên là ưu tiên hàng đầu”, ông Nam nói.

Trở ngại thứ hai là sợ sinh viên gian dối. Có những vấn đề đưa ra trong bài học, sinh viên không thể đặt câu hỏi thì lên mạng tìm câu hỏi hay nhờ người khác hỏi giùm. Thế nhưng, với cách học đó, sinh viên sẽ suốt đời chẳng tiến bộ được. Hiện trường đã khắc phục bằng cách tạo ra các cộng đồng để sinh viên gặp gỡ, giao lưu, học tập, tiếp xúc với thầy cô giáo. Mỗi tháng sẽ được tổ chức một lần. Các sinh viên phải tham gia và phải đặt câu hỏi về vần để đã học và đã đặt câu hỏi. Nếu trong buổi giao lưu không đặt được câu hỏi thì sẽ bị đánh rớt. "Ông hỏi tôi đi, không hỏi thì trượt”.

Trao đổi về vấn đề này, Phó giáo sư Mạc Văn Tiến, Tổng cục Dạy nghề, cho rằng, với sự thay đổi mạnh mẽ của của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, đòi hỏi phải có phương thức và phương pháp đào tạo thay đổi với sự ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin.

Đào tạo ảo, mô phỏng và số hóa bài giảng là xu hướng đào tạo nghề nghiệp trong tương lai. Mô hình đào tạo mà Trường Đại học FUNiX đang triển khai là tiến bộ, phù hợp với thời đại và nhu cầu tuyển dụng của các nhà tuyển dụng hiện nay. Với các trường đào tạo theo phương pháp truyền thống: đọc chép, thi, kiểm tra… thì nên đổi mới cho phù hợp với nhu cầu xã hội đang đặt ra.

Giáo dục Việt Nam

Ý kiến

()