Chúng ta

TS. Đặng Hoàng Giang: 'Làm nhục công cộng đang bùng phát dữ dội'

Thứ hai, 18/7/2016 | 08:19 GMT+7

TS. Đặng Hoàng Giang nhận xét mạng xã hội là một môi trường vui và căng thẳng, rất dễ gây nghiện. Vì vậy, cần giảm thiểu nồng độ và liều lượng sử dụng.

Chia sẻ với sinh viên Đại học FPT về chủ đề "thiện", "ác" và "smart phone" sáng 13/7, TS. Đặng Hoàng Giang cho rằng smart phone, mạng xã hội đang thể hiện rõ mặt trái của nó khi bằng công cụ này, hiện tượng làm nhục công cộng đang bùng phát.

"Công nghệ đang ảnh hưởng đến chúng ta khá nhiều. Khi smart phone xuất hiện, đã có hiện tượng cùng nhau cô đơn - dù đi cùng nhau nhưng mỗi người đều ôm chiếc smart phone (điện thoại thông minh), không ai nói với ai câu nào", TS. Đặng Hoàng Giang nhận xét.

Ông cho rằng, hiện nay xã hội đang chứng kiến sự phục sinh đáng kinh ngạc của việc làm nhục cộng đồng. Người ta dùng Internet làm môi trường để lăng nhục lẫn nhau, không chỉ trong phạm vi một nước mà trên phạm vi toàn cầu. Cả một đám đông cùng hùa vào hạ thấp đối tượng, khuất phục họ, tước đi niềm tự hào, danh dự và nhân phẩm của họ, đẩy đối tượng vào trạng thái bị động hoàn toàn...

f1-3908-1468551015.jpg

TS. Đặng Hoàng Giang.

Đó là trường hợp hai anh em người Việt ăn trộm kính khi đi du lịch Thuỵ Sĩ, sau khi bị một người đưa thông tin lên mạng xã hội đã rất nhiều bình luận ác ý nhằm vào họ như: "Chúng đã làm nhục quốc thể, bôi nhọ danh dự của người Việt, quá xứng đáng để mọi người phỉ nhổ! Ai còn bênh chúng thì cũng là loại người chả ra gì"; "Loại này mấy đời ăn cắp nên có gen di truyền rồi, không thể bỏ được"; "Hai đứa đánh đổi tất cả để lấy chữ nhục rồi, ngu hết cả phần trâu, phần chó"; hay "Đồ cặn bã của xã hội".

Hay vụ hai bảo mẫu ở TP HCM bị quay clip bạo hành trẻ em, dọa nhét vào thùng nước. Khi clip được đưa lên mạng thì hai cô giáo này lập tức trở thành "cầm thú, ác thú". Rồi dịch giả Lương Tường (dịch giả sách Lolita) bị phát hiện dùng chú thích mà không xin phép cũng trở thành nạn nhân của chiến dịch lăng nhục, bị ví với các loại động vật, rác thải.

"Dường như xã hội đang khao khát làm nhục người khác", ông Giang nhận xét. 

Theo ông, xu hướng làm nhục công cộng đã hình thành từ rất lâu. Trong lịch sử, Bộ Luật Hồng Đức (thế kỷ 15 đến 19), ai phạm tội sẽ bị xăm lên mặt, vết xăm đó sẽ đi theo họ suốt cuộc đời. Đến thời kỳ phong kiến, người ta vẫn trừng phạt người có lỗi bằng cách đánh đòn, bêu riếu giữa chợ nếu ngoại tình, hay phải đi diễu phố với tấm biển đeo trước ngực với tội "mê nhảy đầm"...

Hiện nay, không gian công cộng lớn nhất là Internet với hàng chục triệu người tham gia. Nếu như ngày xưa những người bị xỉ vả chỉ phải đối mặt với khoảng vài trăm người thì nay nạn nhân phải đối mặt với hàng chục triệu con người trên Internet. Ở trên mạng, có những người luôn muốn tìm ra cái sai của người khác để "ném đá" không thương tiếc.

Trước đây có một nữ sinh sau khi bỏ người yêu bị anh này tung clip sex lên mạng. Cô bị gán hàng nghìn người cùng ném đá, xỉ vả. Gia đình cô phải lên tiếng cầu xin nhưng đám đông không dừng lại. Vài ngày sau cô uống thuốc cỏ tự tử. Sau khi cô chết, đám đông lại chĩa mũi nhọn sang cậu người yêu.

"Vậy mục đích của những người trong đám đông đó là gì? Đám đông bầy đàn giận dữ, cuồng nộ lại đưa ra công lý, nhưng công lý đó dọa xã hội. Những người bị hạ nhục sau đó còn bị đẩy ra rìa xã hội. Trên mạng Internet, tính trầm trọng của nó rất lớn bởi phạm vi, quy mô, số lượng người tiếp cận thông tin lớn và đến hàng chục năm sau thông tin còn lưu lại", ông Giang trăn trở.

Theo ông, tác động tích cực của mạng xã hội là không cần bàn cãi. Liên hợp quốc vừa thừa nhận quyền truy cập Internet là một quyền cơ bản của con người. Đây còn là công cụ mạnh để mang tiếng nói đến với chính quyền. Tuy nhiên, song song với đó, mặt tiêu cực đang lớn mạnh lên, trở thành con dao 2 lưỡi.

"Bạo lực trên mạng cần phải được coi trọng như bạo lực học đường. Cần phải đưa nó trở thành pháp luật, quy chế", ông nói.

Là một người sử dụng khá nhiều Facebook, TS. Giang nhận xét mạng xã hội là một môi trường vui và căng thẳng, rất dễ gây nghiện. Vì vậy, cần giảm thiểu nồng độ và liều lượng sử dụng. Đến một lúc nào đấy, khi quan hệ xã hội như với đồng nghiệp, gia đình, bạn bè… bị ảnh hưởng, đấy là lúc cần phải cảnh báo bản thân và tìm cách dứt ra khỏi môi trường này.

Ông cũng nhắn nhủ, cần phải dừng văn hóa làm nhục, không tham gia cuộc chơi, cuộc đua làm nhục người khác. "Hãy phê bình người khác bằng ngôn ngữ từ tốn, văn minh, bênh vực quyền tồn tại của họ, hiểu cảm xúc của người khác, đặt mình vào vị trí của người khác để thông cảm với họ...", ông nói.

Talkshow với TS. Đặng Hoàng Giang là sự kiện đầu tiên trong chuỗi FE Talk do Đại học FPT tổ chức. Dự kiến các sự kiện tiếp theo trong chuỗi FE Talk sẽ diễn ra 3 tuần một lần luân phiên tại Hà Nội và TP HCM với diễn giả là những nhân vật có ảnh hưởng đến cộng đồng. Đại học FPT mong muốn mang đến cơ hội cho sinh viên, giảng viên, cán bộ trong và ngoài FPT cơ hội được tiếp cận gần hơn với những quan điểm, góc nhìn mới, tích lũy kiến thức và hiểu biết xã hội.

iOne

Ý kiến

()