Chúng ta

Truyền hình, IoT là đích nhắm của FPT Telecom 10 năm tới

Thứ tư, 11/1/2017 | 11:10 GMT+7

Truyền hình, IoT là 2 trong 5 mục tiêu phát triển chiến lược của FPT Telecom trong 10 năm tới.

Để đạt được doanh thu hơn 6.000 tỷ đồng và phủ sóng 59/63 tỉnh thành trong năm 2016, FPT Telecom đã không ít lần rơi vào cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”.

Nhà cung cấp dial-up hàng đầu và nguy cơ dừng dịch vụ năm 2005

Ngày 31/1/1997, Trung tâm Dịch vụ Trực tuyến (FPT Online eXchange - FOX) tiền thân của FPT Telecom được thành lập. Suốt năm 1998, FPT Internet đã khuấy động thị trường với những chiêu chưa từng xuất hiện như gửi “hàng tấn” bom email đến khách hàng, rải hàng chục nghìn tờ rơi hay thuê nhân viên giao dịch xinh đẹp, mở khuyến mãi ồ ạt... Kết quả của nỗ lực đó là FPT Internet có lãi ngay năm 1998 với doanh thu hơn nửa triệu USD.

Dù phải thuê đường truyền của VNPT để bán lại nhưng nhờ chiêu thức kinh doanh độc đáo, năm 2002, FPT Internet là nhà cung cấp dịch vụ dial-up lớn thứ 2 ở Việt Nam với 1 tỷ phút truy cập Internet.

Chỉ một năm sau đó, FPT Internet lại rơi vào cảnh khó khăn khi VNPT ra mắt dịch vụ ADSL MegaVNN. Trong cuốn FOX tự hào có tôi, Trương Đình Anh - nguyên TGĐ FPT - đã gọi dịch vụ này là một “cơn sóng thần”. Khi đó, FPT Internet đếm sự tồn tại của mình theo đơn vị tuần.

Sau nhiều lần họp không thành công trước việc “có kéo cáp” hay không vì lo ngại tính pháp lý, Trương Đình Anh đã dùng quyền phủ quyết để kéo cáp. Tháng 10/2003, FPT Internet bắt đầu cung cấp dịch vụ ADSL để đến hết năm đã có 2.000 khách hàng và đạt doanh thu 7 triệu USD.

Tuy nhiên, FPT Internet tiếp tục đi vào “cửa tử” năm 2005 khi đứng trước nguy cơ ngừng cung cấp dịch vụ Internet băng thông rộng vì thiếu giấy phép hoạt động. Tháng 9/2005, FPT thực hiện nhiều thủ tục nhằm xin phép các cơ quan quản lý, đồng thời đổi tên từ FPT Internet thành FPT Telecom và có được 51,5% vốn cổ phần của nhà nước, đủ điều kiện cung cấp hạ tầng cho dịch vụ ADSL.

Năm 2006, FPT Telecom ra mắt dịch vụ truyền hình IPTV và dịch vụ Internet cáp quang FTTH. Nhờ đi đầu, FPT đã có thể “hớt váng” những khách hàng giàu có tại các thành phố lớn. Chính sự tiên phong này đã tạo tiền đề để FPT Telecom vững mạnh như ngày hôm nay.

Chặng đường 2006-2016, FPT Telecom không ngừng mở rộng vùng phủ, tham gia vào liên minh các tuyến cáp quốc tế, liên tục ứng dụng công nghệ mới, phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng trên nền tảng Internet.

Phát triển truyền hình là một trong 5 mục tiêu chiến lược của FPT Telecom.

Phát triển truyền hình là một trong 5 mục tiêu chiến lược của FPT Telecom.

5 sứ mệnh trong 10 năm tới

Sau 20 năm, FPT Telecom đã phủ sóng 59/63 tỉnh thành phố trên toàn quốc, sở hữu tuyến trục xương sống Bắc - Nam dài 9.200 km.

20 năm qua, đơn vị này duy trì tốc độ tăng trưởng trên 20%/năm, trở thành một trong những doanh nghiệp Internet hàng đầu Việt Nam. Bên cạnh đó, công ty đang đặt dấu ấn trên trường quốc tế bằng việc đứng vị trí số một về cung cấp dịch vụ tại Campuchia, là doanh nghiệp viễn thông nước ngoài đầu tiên được cấp phép triển khai hạ tầng và chuẩn bị cung cấp dịch vụ viễn thông tại Myanmar.

10 năm tới của FPT Telecom, TGĐ Nguyễn Văn Khoa đặt ra 5 hướng chính cho chiến lược phát triển. Đó là phủ rộng rãi trên toàn quốc dịch vụ cốt lõi là Internet với chất lượng và trải nghiệm tốt nhất; phát triển dịch vụ truyền hình FPT; phát triển các dịch vụ OTT như FPT Play, Fshare, Star Talk; xu hướng IoT và cuối cùng là toàn cầu hóa.

Chủ tịch FPT Telecom Chu Thanh Hà đặt mục tiêu FPT Telecom sẽ trở thành một trong những doanh nghiệp công nghệ trụ cột của nền kinh tế Việt Nam, mỗi người dân Việt Nam đều sử dụng ít nhất một sản phẩm dịch vụ của FPT Telecom.

Zing

Ý kiến

()