Chúng ta

Trường đại học phải có năng lực dạy và học bằng tiếng Anh

Thứ ba, 20/1/2015 | 07:34 GMT+7

Ngoại ngữ nên được coi là môn học công cụ, bậc học phổ thông nên có một số môn được dạy và học bằng tiếng Anh để lên đại học (ĐH), các ngành ĐH đại trà cũng được đào tạo bằng tiếng Anh chứ không chỉ chương trình chất lượng cao, tiên tiến, liên kết với nước ngoài. 

Đó là quan điểm được TS. Lê Trường Tùng - Chủ tịch HĐQT ĐH FPT - chia sẻ với báo Kinh tế & Đô thị sau khi Thủ tướng Chính phủ ra quyết định quy định việc dạy và học bằng ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục.

Ngoại ngữ là kỹ năng bắt buộc

- Thưa ông, ĐH FPT thực hiện đào tạo bằng ngoại ngữ từ khi nào với bao nhiêu phần trăm trong tổng số môn học?

- ĐH FPT áp dụng dạy và học hoàn toàn bằng tiếng Anh từ năm 2006 - khi trường vừa thành lập. Dạy học bằng ngoại ngữ giúp chúng tôi luôn cập nhật giáo trình mới và áp dụng dạy luôn, thay vì phải mất thời gian và nguồn lực để chuyển nhượng bản quyền, dịch sang tiếng Việt và tổ chức in ấn. Sinh viên lại được tiếp cận giáo trình nguyên gốc để hiểu nội dung cặn kẽ hơn.

- Để học ngoại ngữ tốt thì phải có môi trường, nhưng hiện nay, chúng ta đang thiếu yếu tố này. Vậy, FPT có giải pháp gì, thưa ông?

- Môi trường học tiếng Anh là Internet, tivi, thầy - trò giao tiếp và dạy học trên lớp, khi có thêm giảng viên nước ngoài với tỷ lệ nhất định thì tự dưng thành môi trường. Các em dễ dàng giao tiếp, nghe giảng và đọc giáo trình bằng ngoại ngữ mà không gặp trở ngại gì lớn.

Dạy học bằng ngoại ngữ giúp chúng tôi luôn cập nhật giáo trình mới và áp dụng dạy luôn, thay vì phải mất thời gian và nguồn lực để chuyển nhượng bản quyền, dịch sang tiếng Việt và tổ chức in ấn.

Theo TS. Lê Trường Tùng, dạy học bằng ngoại ngữ giúp ĐH FPT luôn cập nhật giáo trình mới và áp dụng dạy luôn, thay vì phải mất thời gian và nguồn lực để chuyển nhượng bản quyền, dịch sang tiếng Việt và tổ chức in ấn. Ảnh: H.D.

- Được học hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài, trình độ ngoại ngữ của sinh viên tốt nghiệp phải đạt ở mức độ nào?

- Chúng tôi chỉ quy định trình độ ngoại ngữ đầu vào. Cụ thể, sau khi đỗ vào trường FPT, các em được học một năm dự bị ngoại ngữ để đạt chuẩn tương đương mức 5/6 tiêu chuẩn châu Âu (mức C1) trước khi học chuyên môn chính thức. Trong quá trình học chuyên môn, trường dạy thêm các môn phục vụ cho công việc khi ra trường, chẳng hạn như kỹ năng viết báo cáo, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc theo nhóm…

- Học bằng tiếng Anh mang đến cho sinh viên thuận lợi gì khi ra trường?

- Năng lực ngoại ngữ là một trong các kỹ năng mà ĐH FPT bắt buộc sinh viên phải có khi tốt nghiệp ra trường. Bởi thế, khi các em đã tốt nghiệp trường FPT hay đang học giữa chừng cũng dễ dàng ra nước ngoài du học tiếp, không gặp trở ngại gì về ngôn ngữ. Các em đi tìm việc cũng thuận lợi hơn và có thể ra nước ngoài làm việc. Đó là ưu thế của FPT.

Phổ thông cũng phải dạy bằng tiếng nước ngoài

- Với 9 năm kinh nghiệm đào tạo bằng ngoại ngữ của ĐH FPT, ông có sự chia sẻ gì đối với các trường đang có ý định áp dụng cho một số chương trình phù hợp?

- Để các trường ĐH đào tạo bằng tiếng nước ngoài, lý tưởng nhất là từ bậc phổ thông, học sinh phải được dạy ngoại ngữ tốt như các nước xung quanh. Thế nhưng, hiện nay, các trường phổ thông Việt Nam dạy ngoại ngữ như một môn học, gần chục năm học ngoại ngữ, thi đỗ tốt nghiệp và ĐH nhưng vẫn không sử dụng được. Cho nên, ĐH FPT phải mất thêm một năm dạy học ngoại ngữ để trang bị kỹ năng cho sinh viên.

Tôi mong rằng, các trường phổ thông sớm triển khai dạy một số môn học bằng tiếng Anh. Khi ấy, học sinh coi tiếng Anh như là môn học công cụ thì khả năng nghe - nói - đọc - viết mới đẩy lên được. Phổ thông mà làm tốt việc này thì ĐH sẽ được hưởng thành tựu, để các ngành ĐH đại trà cũng được đào tạo bằng tiếng Anh chứ không chỉ chương trình chất lượng cao, tiên tiến, liên kết với nước ngoài. Theo tôi, các trường ĐH đích thực thì phải có năng lực học và dạy bằng tiếng Anh.

Muốn sinh viên của mình du học nước ngoài và người ngoại quốc đến Việt Nam học, chúng ta phải giải quyết vấn đề đồng nhất về ngôn ngữ.

"Năng lực ngoại ngữ là một trong các kỹ năng mà ĐH FPT bắt buộc sinh viên phải có khi tốt nghiệp ra trường. Bởi thế, khi các em đã tốt nghiệp trường FPT hay đang học giữa chừng cũng dễ dàng ra nước ngoài du học tiếp, không gặp trở ngại gì về ngôn ngữ", Chủ tịch HĐQT ĐH FPT khẳng định. Ảnh: H.D.

- Đào tạo bằng ngoại ngữ cũng là lợi thế để FPT thu hút sinh viên nước ngoài đến học?

- Đúng vậy. Không dạy bằng ngoại ngữ thì chẳng có cách gì thu hút sinh viên nước ngoài đến học. Việc này cũng giống như mình hội nhập quốc tế cần phải biết sử dụng tiếng Anh. Muốn sinh viên của mình du học nước ngoài và người ngoại quốc đến Việt Nam học, chúng ta phải giải quyết vấn đề đồng nhất về ngôn ngữ. Tất nhiên, chương trình đào tạo của chúng ta phải được kiểm định và công nhận ở khu vực và quốc tế. Hiện nay, ĐH FPT có hơn 100 sinh viên nước ngoài sang du học. Trong tương lai gần, chúng tôi sẽ đề ra chỉ tiêu này cao hơn.

- Vừa rồi, Bộ GD&ĐT có chủ trương miễn thi tốt nghiệp THPT môn ngoại ngữ cho những em có chứng chỉ đáp ứng yêu cầu. Đây cũng là hình thức khuyến khích học sinh học tốt ngoại ngữ từ bậc phổ thông?

- Theo tôi, việc Bộ GD&ĐT quy định thi tốt nghiệp có môn ngoại ngữ hay miễn thi và dành điểm tối đa cho học sinh có một trong các chứng chỉ là giúp cho các em yên tâm học thêm và tự tin vào kết quả học của mình. Còn muốn các em sử dụng và học được bằng ngoại ngữ từ trường phổ thông, chúng ta phải có chiến lược cũng như thay đổi cách dạy, và điều quan trọng là môi trường để trải nghiệm.

Kinh tế & Đô thị

Ý kiến

()