Chúng ta

Thủ tướng mong doanh nghiệp tư nhân đóng góp 50-60% GDP

Thứ ba, 1/8/2017 | 09:42 GMT+7

Phát biểu kết luận Diễn đàn Kinh tế tư nhân, Thủ tướng mong doanh nghiệp (DN) không ngừng thay đổi, nâng cao năng lực cạnh tranh, phấn đấu đạt mục tiêu đóng góp của kinh tế tư nhân 50-60% GDP.

Thủ tướng nêu rõ, DN tư nhân phải không ngừng thay đổi, nâng cao năng lực cạnh tranh, tránh tự mãn, dễ bằng lòng, phấn đấu đạt mục tiêu nâng tỷ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân.

Chuyện du lịch nhận nhiều kiến nghị, bức xúc từ DN

Ông Trần Trọng Kiên, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Minh, cho biết sẽ tập trung vào các giải pháp có thể giải quyết trong thời gian ngắn. Các kiến nghị này được tổng hợp trên ý kiến của nhiều đơn vị, các hãng hàng không...

Theo ông, ngân sách quảng bá du lịch của Việt Nam hiện nay là 2 triệu USD mỗi năm, thấp hơn nhiều nước khác trong khu vực. Để quảng bá được hình ảnh, lãnh đạo DN này đề xuất xây dựng quỹ quảng bá xúc tiến; đề nghị Chính phủ giải ngân ngay quỹ 200 tỷ cho các hoạt động du lịch, thành lập hội đồng quảng bá xúc tiến du lịch quốc gia để quản lý, vận hành quỹ.

20526835-1752907404749482-1076-4779-3974

Gửi các kiến nghị sát sườn tới Thủ tướng, các bộ, ngành, DN mong muốn cùng chung tay chia sẻ các vấn đề phát triển kinh tế. Ảnh: Việt Hùng. 

Với quỹ này, ông Kiên kiến nghị cần có quy định tài chính để DN được đóng góp mà không bị tính quỹ.

Các đại biểu cũng đề xuất điều chỉnh chính sách thị thực, tăng số ngày được miễn thị thực từ 15 lên 30 ngày cho 12 quốc gia, thời gian miễn thị thực kéo dài thành 5 năm, thay vì 1 năm như hiện nay. Thông báo miễn thị thực cần có ít nhất 6 tháng.

“Chúng tôi đề xuất Thủ tướng được áp dụng trong quý III năm nay, để đón đầu thời gian cao điểm”, đại diện DN cho biết.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel, cũng đưa ra một số vấn đề về du lịch và đề xuất xây dựng bộ tiêu chí xanh, sạch cho du lịch. Đồng thời, ông đề xuất cần xử lý hàng rong, chèo kéo du khách, nạn trộm cướp, tăng tính chuyên nghiệp của cơ quan quản lý về du lịch.

Quỹ xúc tiến, quảng bá du lịch sẽ ra đời ngay năm 2017

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho rằng DN nêu rất trúng vấn đề. Theo ông Tuấn, sau 10 năm tổ chức quảng bá xúc tiến lại chưa thành lập được quỹ tổ chức quảng bá xúc tiến.

Luật Du lịch quy định rõ Nhà nước cấp ban đầu vốn điều lệ, sau đó được bổ sung dần bằng vốn. Ông Tuấn khẳng định chắc chắn năm 2017 quỹ này ra đời, mỗi năm sẽ có 400-500 tỷ đồng, có kinh phí để thay đổi cơ bản tình trạng du lịch, đẩy mạnh quảng bá.

20562684-1752904801416409-4646-4723-9981

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định Chính phủ luôn nhất quán mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, đồng hành cùng DN, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư. Ảnh: Việt Hùng.

“Chúng ta đang bị mất hình ảnh về môi trường du lịch, cả tự nhiên, xã hội. Cướp giật không phổ biến nhưng tác hại rất lớn, vì lan truyền nhanh trên mạng xã hội. Chúng tôi kêu gọi địa phương cần quan tâm xử lý”, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết.

Giải quyết các vấn đề hàng không cũng được ông Tuấn nêu ra, vì hàng không là yếu tố quan trọng với du lịch.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, kiến nghị Chính phủ xây dựng phương án đường sắt công nghệ cao kết nối Bắc Nam. Tại các nước, đường sắt đóng vai trò rất quan trọng.

Trước đó, tổng hợp lại phần kiến nghị liên quan đến chủ đề thúc đẩy thực thi chính sách để bắt kịp cách mạng công nghệ, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT CMG, đưa ra nhiều kiến nghị, trong đó có nhiều nội dung về cải cách thủ tục.

Chính phủ hành động thì tư nhân cũng phải thay đổi

Về vấn đề nông nghiệp, DN cũng mang đến tâm tư khi có nhiều rào cản thương mại, khó cạnh tranh, khó khăn trong ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao do thủ tục, thuế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết các vấn đề về nông nghiệp gặp phải hiện nay là hạn điền, vốn, thị trường, khoa học công nghệ. Người đứng đầu Chính phủ cho biết sẽ trình Quốc hội sửa Luật đất đai liên quan đến hạn điền. Thông tin của Thủ tướng nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng DN.

Tuy nhiên, thực tế vẫn có một số tỉnh vận dụng thành công vấn đề hạn điền. Do vậy, theo Thủ tướng, việc cần làm là phải rút kinh nghiệm chứ không chỉ chờ sửa luật.

20504138-1752907318082824-2870-5337-3378

Lần thứ 2 tổ chức, diễn đàn kinh tế tư nhân thu hút sự quan tâm của rất nhiều DN, các tổ chức trong và ngoài nước. Ảnh: Việt Hùng.

Một vấn đề được Thủ tướng lưu ý là gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao đã có nhưng tỷ lệ giải ngân thấp, chứng tỏ thủ tục khó khăn.

“Ngân hàng nên tiếp thu sớm để làm tốt hơn”, Thủ tướng chỉ đạo.

Phát biểu kết luận diễn đàn, Thủ tướng khẳng định: “Chính phủ vẫn luôn nhất quán với mục tiêu đã đặt ra là xây dựng Chính phủ kiến tạo, đồng hành cùng DN, bảo vệ đến cùng mọi quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư”.

Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng Chính phủ kiến tạo và hành động thì tư nhân cũng phải đổi mới, bỏ cách làm ăn kiểu cũ, rập khuôn, thiếu chuẩn mực. Doanh nghiệp tư nhân phải không ngừng thay đổi, nâng cao năng lực cạnh tranh, phấn đấu đạt mục tiêu nâng tỷ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân lên từ 50–60% GDP.

Theo Thủ tướng, DN nên đặt tầm nhìn xa hơn ra thế giới, từ đó, tập trung sản xuất, hoạt động trong các lĩnh vực mà thế giới có nhu cầu lớn, thay vì tình trạng phổ biến hiện nay là chỉ chú trọng phục vụ các DN lớn khác của Việt Nam dưới dạng nhà cung cấp hoặc nhà thầu phụ, giá trị gia tăng thấp. 

DN cần mạnh dạn hợp tác quốc tế hơn nữa, tránh tình trạng tự ti về kinh nghiệm, về quy mô nguồn vốn mà không dám hợp tác cởi mở, công bằng với các công ty toàn cầu. Trong nước thì cần liên kết, cùng phát huy thế mạnh, lợi thế của nhau, nắm rõ thị trường, hiểu thị trường; lường trước những rủi ro, khó khăn; đổi mới sáng tạo, năng động, tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ban, ngành cần lắng nghe và đối thoại định kỳ tại các diễn đàn với DN; giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn của DN.

Với các địa phương, Thủ tướng mong muốn cần liên kết, chia sẻ cơ hội và giới thiệu cho nhau những nhà đầu tư mà tỉnh bạn có lợi thế, tránh cạnh tranh bằng mọi giá, thu hút đầu tư theo kiểu giẫm đạp lên nhau, không phát huy được lợi thế so sánh đặc thù của địa phương mình.

Đặc biệt, Thủ tướng nhắn nhủ ngành ngân hàng cần nhận thức việc DN khó khăn tiếp cận nguồn vốn có phần trách nhiệm của mình. DN làm ăn được mới có dòng tiền về ngân hàng, ngân hàng cùng DN phát triển.

Các kiến nghị trong thực thi chính sách để bắt kịp cách mạng công nghiệp 4.0:

- Sửa Nghị quyết 36 theo tinh thần bình đẳng

- Bỏ phí viễn thông công ích đối với dịch vụ Internet

- Xây dựng mới Nghị định 102, tránh cơi nới, nếu có sửa lại cần loại bỏ các rào cản trước đây.

- Có khung pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

-Đẩy mạnh giao dịch điện tử, triệt tiêu dần dùng tiền mặt.

- Thúc đẩy thành phố thông minh, áp dụng chuẩn của các nước tiên tiến.

- Đến năm 2020 có 100.000 kỹ sư công nghệ thông tin.

- Khi ra luật, thông tư không lấy số lượng mà nhấn vào chất lượng

>> FPT Telecom tăng gần 90% tốc độ truy cập Internet miễn phí

Zing

Ý kiến

()