Chúng ta

Thiếu hụt nhân lực ngành CNTT: Thôi đừng làm anh... 'thợ may'

Chủ nhật, 28/6/2015 | 09:52 GMT+7

Các doanh nghiệp CNTT trong nước cần khoảng 500.000 nhân lực CNTT trong 6-7 năm tới. Nhưng giải quyết bài toán này nhất thiết phải tăng cơ học về số lượng nhân lực CNTT, khi chúng ta chỉ là đối tác gia công cho các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài? Đây cũng là một trong bốn chủ đề “nóng” được đưa ra bàn thảo tại Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam 2015.

Theo ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software, tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 32.000 sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT cũng như liên quan tới ngành này nhưng chỉ 9.000 em trong đó có thể đáp ứng nhu cầu và 3.000 em trong đó có năng lực làm việc tại nước ngoài. Riêng 2015, Công ty này có nhu cầu đào tạo 3.600 người và tốc độ phát triển như hiện nay, đến năm 2018, Công ty cần tuyển khoảng 9.000 người/năm. Trong khi, số các em tốt nghiệp CNTT có ngoại ngữ dùng được, đến năm 2018, con số này “loay hoay” khoảng 3.000-4.000 em. Trên đây mới là con số của riêng Công ty phần mềm FPT, còn bao nhiêu công ty CNTT, và ở các đơn vị có nhu cầu sử dụng, ứng dụng CNTT thì sẽ lấy đâu nhân lực để làm việc?

DSCF3799-1435246285-660x0-8910-143537899

Y tế, giao thông, nhân lực CNTT... ba vấn đề lớn trong Diễn đàn cấp cao ICT Summit 2015 đều có sự tham gia của FPT trong vai trò đồng hành, tiên phong. Ảnh: Tiểu Thanh.

Sự thiếu hụt nhân lực khiến các công ty tranh giành người, PGS-TS Trương Gia Bình với cương vị Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT (Vinasa) cho biết: “Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đến gặp tôi nói rằng các doanh nghiệp Việt Nam lấy mất người của họ, vì họ đã phải mất công đào tạo. Ngược lại, các doanh nghiệp Vinasa nói rằng, doanh nghiệp Nhật Bản trả lương gấp đôi gấp ba thì doanh nghiệp Việt Nam mất nguồn lực”.

Trong khi đó, Viện trưởng Viện CNTT và TT (ĐH Bách Khoa) Huỳnh Quyết Thắng cho rằng, câu chuyện tăng số lượng, Bộ GDĐT quy định hàng năm số lượng sinh viên không được tăng quá 10% (vì phải cân đối số lượng giảng viên, học phí, sinh viên); PGS-TS Phan Thanh Bình - GĐ ĐH Quốc gia TP HCM - cũng cho biết, số lượng sinh viên 3 năm vừa rồi của trường đại học này không thay đổi. Có thể thấy, việc bù đắp nhân lực ngành CNTT cho các doanh nghiệp đang gặp trở ngại, đặc biệt, ngay từ nguồn cung là các trường đào tạo nhân lực cho ngành này.

Như vậy, bài toán thiếu hụt nhân lực CNTT khi chưa có lời giải thì các doanh nghiệp phải tự xoay sở, ông Hoàng Nam Tiến cho rằng: “Đói thì phải bò, nghĩa là hiện nay vấn đề các trường đại học chưa giải được thì doanh nghiệp chúng tôi như FPT đang nhảy vào cùng giải”. Các doanh nghiệp cho rằng họ phải tự xoay sở vất vả đề có nhân lực làm việc trong ngành thì ông Nguyễn Mạnh Hùng - TGĐ Vietel - lại có niềm tin mãnh liệt rằng, sau khi thiếu thì thừa, việc thừa chỉ xảy ra sau khi thiếu. Giải quyết bài toán thiếu hụt nhân lực CNTT, PGS-TS Trương Gia Bình kiến nghị, quy hoạch đào tạo phải phù hợp với yêu cầu thực tiễn, tất cả các loại hình đào tạo công lập, dân lập, từ đại học, cao đẳng, học nghề nên tăng quy mô lên 30% để kịp đà phát triển và bắt được cơ hội đang đến. Đưa văn bằng hai CNTT vào giáo dục đại học ở tất cả các cấp. Thực tế cho thấy 40% cán bộ IT đến từ những người “non-IT”. Đẩy mạnh đào tạo từ xa, và học miễn phí để tham gia vào ngành CNTT...

Lao Động

Ý kiến

()