Chúng ta

Thế giới Di động, FPT Shop 'bủa vây' các cửa hàng Apple kiểu cũ

Thứ hai, 30/10/2017 | 17:59 GMT+7

Các đại lý ủy quyền kiểu cũ của Apple đang chững lại trong khi Thế Giới Di Động và FPT Shop ngày càng mở rộng quy mô.

Cách đây hai năm, khi vào trang tìm kiếm của Apple để tìm các cửa hàng được ủy quyền, người xem sẽ thấy không nhiều cửa hàng hiện lên. Những cái tên quen thuộc sẽ gồm iCenter, Future World (hai đối tác tầm khu vực của Apple), KTC, Phong Vũ... Tuy nhiên tại thời điểm này, các tên tuổi trên chỉ “làm nền” cho hai hệ thống Thế Giới Di Động và FPT Shop.

Khi tìm kiếm trên hệ thống của Apple các cửa hàng ủy quyền (AAR và APR) tại TP HCM, trong 99 cửa hàng được tìm thấy thì có đến 51 cửa hàng của Thê Giới Di Động, 24 cửa hàng của FPT Shop, phần còn lại của các thương hiệu kể trên và thêm Viễn Thông A, Mai Nguyên... Như vậy, hai hệ thống bán lẻ công nghệ lớn nhất Việt Nam đang nắm đến 75% tổng cửa hàng ủy quyền của Apple tại TP HCM đến thời điểm hiện tại.

Thế Giới Di Động và FPT Shop chiếm phần rất lớn trong chuỗi cửa hàng ủy quyền của Apple tại TP.HCM - Ảnh chụp màn hình.

Thế Giới Di Động và FPT Shop chiếm phần rất lớn trong chuỗi cửa hàng ủy quyền của Apple tại TP.HCM - Ảnh chụp màn hình.

Bức tranh này khác hoàn toàn với cách đây 2 năm, khi Apple vẫn chỉ phân phối iPhone qua công ty FPT Trading và nhà mạng di động, còn các sản phẩm khác như máy tính Macbook, máy tính bảng iPad bán tại các cửa hàng ủy quyền như Future World, iCenter... Tại thời điểm đó và đến nay, Future World hay iCenter chỉ được bán các sản phẩm như máy tính, máy tính bảng Apple, không được bán chính thức iPhone; muốn bán iPhone, họ phải phân phối từ nguồn hàng của các nhà mạng chẳng hạn. Song song đó, các nhà bán lẻ lớn nhỏ đều dùng nguồn iPhone từ FPT Trading, ít khi bán Macbook hay iPad. Nguồn hàng Apple khi đó khá phân mảnh.

Tuy vậy, kể từ quý 3/2015 Apple đổi chính sách phân phối tại Việt Nam, cho hai nhà bán lẻ lớn là Thế Giới Di Động, FPT Shop được nhập trực tiếp iPhone từ Apple, không qua nhà phân phối như FPT Trading nữa. Ban đầu hai hệ thống này chỉ được nhập iPhone nhưng sau đó được mở rộng thêm, nhập cả Macbook và iPad từ Apple. Việc này tạo cho hai chuỗi này thế mạnh đáng nể so với bất kỳ đối tác nào khác của Apple.

Trừ hai chuỗi lớn nói trên, các nhà bán lẻ khác muốn bán iPhone chính hãng hầu hết phải lấy nguồn hàng từ FPT Trading hay nguồn khác, do đó không chủ động được thời gian và số lượng hàng hóa.

Một khu trải nghiệm sản phẩm Apple của FPT Shop.

Một khu trải nghiệm sản phẩm Apple của FPT Shop.

Apple có hai mô hình đại lý bán lẻ ủy quyền tại Việt Nam là AAR và APR. Ban đầu, các cửa hàng này chỉ bán các sản phẩm của Apple, không bán máy hãng khác. Mô hình này hiện vẫn áp dụng tại iCenter, Future World và vài đại lý khác. Trong khi đó, kể từ hai năm nay Thế Giới Di Động, FPT Shop, hay gần đây là Mai Nguyên cũng có các cửa hàng được xem là AAR của Apple.

Ông Mai Triều Nguyên, chủ hệ thống Mai Nguyên, cho rằng mô hình cửa hàng chỉ bán sản phẩm Apple như trước đây và kéo dài đến hiện tại sẽ khó cạnh tranh hơn so với các mô hình bán đa dạng. Thế Giới Di Động, FPT Shop hay Mai Nguyên, Viễn Thông A,... dù là AAR nhưng vẫn bán song song nhiều mặt hàng khác; khu vực của Apple chỉ chiếm một phần trong siêu thị lớn của họ. Việc này giúp các siêu thị dễ cân đối thu chi hơn so với chỉ bán Apple.

Theo ông Nguyên, mô hình phân phối Apple hiện nay phân mảnh, iPhone, máy tính Apple, phụ kiện đều do các nhà phân phối khác nhau đảm trách, do đó một cửa hàng muốn có đủ sản phẩm Apple không dễ. Trong khi đó hai chuỗi FPT Shop, Thế Giới Di Động lại có quyền nhập trực tiếp hầu hết sản phẩm chủ lực của Apple.

Nhiều Macbook ở thị trường xách tay có giá bán rẻ hơn nhưng vẫn được áp dụng chính sách bảo hành như chính hãng khiến nhiều đơn vị không có đa dạng nguồn hàng sẽ khó cạnh tranh.

Đồng ý rằng các cửa hàng theo mô hình cửa hàng ủy quyền kiểu cũ của Apple sẽ gặp khó trong giai đoạn này, ông Nguyễn Việt Anh, Phó tổng giám đốc FPT Shop, nói thêm rằng chỉ các hệ thống có khả năng vận hành đúng chuẩn, đủ doanh thu mới tiếp tục phát triển được tại Việt Nam.

"Làm AAR không "dễ ăn". Phải tuân thủ các chuẩn của Apple, còn phải đảm bảo doanh thu, có vị trí kinh doanh tốt. Quan trọng nữa là năng lực mở cửa hàng. Nếu không đáp ứng được thì sẽ phải đóng cửa thôi", Phó tổng FPT Shop có thời gian làm việc cho Apple phụ trách thị trường Việt Nam cho biết.

Cho đến nay, ngoài các hệ thống bán lẻ lớn mở thêm cửa hàng, đồng thời có thêm các cửa hàng ủy quyền của Apple, các chuỗi truyền thống khác như iCenter, Future World vẫn giữ số lượng cửa hàng cũ, không tăng, có nơi còn đóng cửa cửa hàng để sửa chữa.

Với việc bị "bủa vây" bởi các hệ thống bán lẻ lớn dẫn đầu tại Việt Nam, các AAR hay APR truyền thống chắc chắn sẽ gặp khó, ít nhất bị chia sẻ thị phần. Trong thời gian tới, trừ khi có những chính sách kinh doanh mới, nhóm cửa hàng truyền thống của Apple trong thế bị cạnh tranh dữ dội chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn.

>> 4 mục tiêu, 4 nguyên tắc hiện thực hóa khát vọng thành phố thông minh

ICT News

Ý kiến

()