Chúng ta

Soi quy mô ‘khủng’ của công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam

Chủ nhật, 31/12/2017 | 10:05 GMT+7

“Trong suốt 30 qua, FPT luôn nỗ lực khẳng định vị trí là tập đoàn công nghệ lớn trong lĩnh vực CNTT của VN và trên thế giới”, ông Phan Tâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đánh giá tại lễ khởi công khu tổ hợp FPT Tower, tổ hợp văn phòng làm việc có diện tích xây dựng lớn nhất của FPT.

Văn phòng hiện đại theo mô hình quốc tế

Hiện số tổ hợp văn phòng làm việc của FPT đã và sẽ xây dựng trên phạm vi toàn quốc đạt con số 17 với tổng diện tích đất trên 560.000 m2, trong đó có 11 công trình đã được đưa vào sử dụng. Nếu ghép tất cả diện tích các văn phòng đã đưa vào sử dụng của FPT lại thì tổng diện tích sàn xây dựng lên tới trên 230.000 m2, tương đương 40% tổng diện tích của 04 khu CNTT tập trung.

Đặc biệt, với mong muốn tạo môi trường làm việc sáng tạo cho CBNV, FPT luôn chú trọng xây dựng môi trường làm việc hiện đại, thân thiện với môi trường, đặc biệt là theo xu hướng campus (tổ hợp văn phòng làm việc và các khu vực chức năng như khu thể thao, đào tạo, giải trí, khuôn viên cây xanh…) của các tập đoàn công nghệ lớn như Google, Infosys, Neusoft…

khu tổ hợp FPT Tower, tổ hợp văn phòng làm việc có diện tích xây dựng lớn nhất của FPT

FPT Tower - tổ hợp văn phòng làm việc có diện tích xây dựng lớn nhất của FPT.

Chẳng hạn như tổ hợp Làng phần mềm F-Ville và Đại học FPT tại khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Tại khu tổ hợp này hiện có khoảng 4.000 sinh viên theo học và khoảng 3.000 kỹ sư CNTT đang làm việc. Đây không chỉ là nơi làm việc, học tập mà còn mang đến một không gian sáng tạo, không gian sống với các khu vực tiện ích như khu thể thao, bể bơi, sân trượt băng, nhà trẻ, khu vực thư giãn giải trí và đặc biệt là không gian xanh với hệ thống giếng trời và cây xanh.

Xuất khẩu phần mềm chiếm 10% doanh thu xuất khẩu phần mềm Việt Nam

Tính đến hết tháng 11/2017, FPT đạt quy mô doanh thu 39.319 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2016. Dự kiến đến hết năm 2017, doanh thu của FPT sẽ vượt ngưỡng 2 tỷ USD. Trong đó, mảng xuất khẩu phần mềm là động lực tăng trưởng chính, với mức tăng trưởng trung bình 26%/năm.

Năm 2016, lĩnh vực xuất khẩu phần mềm mang về cho FPT 5.181 tỷ đồng, tương đương khoảng 230 triệu USD, chiếm khoảng 10% tổng doanh thu xuất khẩu phần mềm của Việt Nam. Kết thúc 11 tháng năm 2017, doanh thu lĩnh vực xuất khẩu phần mềm của FPT đạt 5.514 tỷ đồng, tăng trưởng 18% so với cùng kỳ. Theo đánh giá của VCSC, lĩnh vực này của FPT vẫn sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao và dự phóng tăng trưởng lợi nhuận trước thuế đạt 24% trong năm 2018 so với 2017.

Nhân sự chiếm 10% nhân lực phần mềm, nội dung số, dịch vụ CNTT của Việt Nam

Trong 10 năm qua, quân số của FPT đã tăng gấp hơn 3 lần, tương đương gần 32.000 người. Trong đó, số lượng nhân sự trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm, giải pháp phần mềm và nội dung số của FPT chiếm khoảng 10% tổng nhân lực ngành công nghiệp phần mềm, nội dung số, dịch vụ CNTT của Việt Nam.

Theo ông Ngọc, “10 năm qua FPT phát triển nguồn nhân lực trung bình 16%/năm, trong những năm tới chúng tôi vẫn tiếp tục hoạch định con số 16-18%/năm và dự kiến đến năm 2020 con số nhân viên của FPT là 50.000 người. Vì vậy, FPT tiếp tục phát triển các cơ sở vật chất, các tòa nhà để phục vụ cho nhu cầu tăng trưởng, phát triển kinh doanh và nghiên cứu phát triển.

Việc phát triển hệ thống các tổ hợp văn phòng trên toàn quốc, minh chứng cho việc FPT tiếp tục phát triển nguồn lực cao và đóng góp chất xám của công nghệ vào phát triển kinh tế đất nước và sự nghiệp toàn cầu hóa của Việt Nam”.

“Bay” cùng các tập đoàn lớn trên thế giới

Với “thâm niên” 20 năm toàn cầu hóa, FPT đã được định danh trong chuỗi giá trị công nghệ toàn cầu khi đồng hành cùng các tập đoàn lớn như Airbus, Siemens, General Electric, Microsoft, đặc biệt trong lĩnh vực chuyển đổi số. Hay nói như lời Thứ trưởng Phan Tâm, “FPT đã khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế khi trở thành đối tác của các tập đoàn lớn hàng đầu thế giới như Airbus, Microsoft và trở thành đối tác tin cậy cho nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ”.

“Trong suốt 30 qua, FPT luôn nỗ lực khẳng định vị trí là tập đoàn công nghệ lớn trong lĩnh vực CNTT của VN và trên thế giới”, ông Phan Tâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đánh giá

“Trong suốt 30 qua, FPT luôn nỗ lực khẳng định vị trí là tập đoàn công nghệ lớn trong lĩnh vực CNTT của VN và trên thế giới”, ông Phan Tâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đánh giá.

FPT đang có khách hàng và hệ thống văn phòng tại 33 quốc gia trên thế giới. Riêng mảng xuất khẩu phần mềm FPT đang cung cấp dịch vụ cho hơn 550 khách hàng là các tập đoàn lớn, trong đó có gần 50 khách hàng thuộc danh sách Fortune 500. Chiến lược ra nước ngoài của FPT trong mảng xuất khẩu phần mềm là tiếp cận khách hàng ở các quốc gia phát triển nhất thế giới cả về kinh tế và công nghệ. Hiện hai thị trường xuất khẩu phần mềm có tỷ trọng lớn nhất của FPT là Mỹ và Nhật Bản, hai cường quốc về kinh tế và công nghệ và cũng là hai thị trường có những tiêu chuẩn khắt khe nhất về chất lượng dịch vụ.

Tại thời điểm này, trong “guồng quay của cuộc cách mạng 4.0”, FPT đang có một khát vọng lớn là đồng hành cùng các tập đoàn công nghệ lớn tiên phong trong thế giới số. Và đây cũng là đề nghị của Thứ thưởng Bộ Thông tin Truyền thông Phan Tâm đối với FPT. Ông Tâm đề nghị trước ngưỡng cửa của cách mạng 4.0, FPT tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực CNTT góp phần thực hiện thành công mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT và mạnh bằng CNTT.

>> Xu hướng tuyển dụng lao động giỏi công nghệ tại Việt Nam

Vietnamnet

Ý kiến

()