Chúng ta

Sinh viên FPT sáng tạo máy pha chế đồ uống điều khiển bằng smartphone

Thứ sáu, 22/12/2017 | 18:52 GMT+7

Ấn tượng bởi hiệu quả hoạt động của máy pha chế đồ uống Barista do nhóm sinh viên Tổ chức Giáo dục FPT nghiên cứu và phát triển, thầy Đỗ Công Hùng - Giảng viên ngành Kỹ thuật phần mềm, đã ngỏ ý mua lại sản phẩm ngay trong buổi bảo vệ đồ án.

“Tôi sẽ mua lại sản phẩm này của nhóm các bạn” thầy Đỗ Công Hùng (Giảng viên ngành Kỹ thuật phần mềm) khẳng định sau khi thưởng thức ly cocktail pha chế bởi Barista - máy pha đồ uống do nhóm sinh viên Nguyễn Thái Dương, Nguyễn Lê Thu Hiền, Cao Hoàng Anh, Phùng Tiến Đạt nghiên cứu và phát triển. Đây có lẽ là một trong số ít sản phẩm đồ án được thương mại hóa thành công ngay tại buổi bảo vệ.

Sản phẩm máy pha chế đồ uống Barista ra đời từ sở thích thưởng thức các loại đồ uống ngon của nhóm bạn trẻ. Trong khi, việc mua một ly cocktail được pha bởi bartender chuyên nghiệp khá tốn kém với các bạn sinh viên thì tự pha chế đồ uống theo sở thích lại tỏ ra thú vị và tiết kiệm hơn nhiều.

Nhóm sinh viên FPT đã nghiên cứu và phát triển máy pha chế đồ uống Barista gồm hai hệ thống chính là phần cứng - máy pha chế) và phần mềm ứng dụng điều khiển chạy trên điện thoại thông minh Android. Hai hệ thống kết nối với nhau qua Bluetooth, cho phép người dùng gửi đi yêu cầu pha một loại đồ uống tự chọn hoặc theo công thức có sẵn.

Phần cứng là thiết kế quan trọng của bộ sản phẩm này. Được làm từ mika và nhựa trong, các máy bơm nguyên liệu có cảm quan thân thiện và khá đẹp mắt. Thành viên Hoàng Anh chia sẻ: “Nhóm dùng 5 loại linh kiện chính để tạo nên phần cứng của sản phẩm: Vi điều khiển, 6 máy bơm mini tốc độ 1,5 - 2 lít/ phút nối với 6 bình chứa nguyên liệu, mô-đun rơ le 8 kênh, mô-đun bluetooth và bộ chuyển đổi nguồn điện”.

ictnews-dai-hoc-fpt-1.jpg

Máy pha đồ uống Barista là một trong số ít sản phẩm đồ án được thương mại hóa thành công ngay tại buổi bảo vệ đồ án của sinh viên.

Người dùng sẽ điều khiển phần cứng của máy qua một ứng dụng chạy trên hệ điều hành Android. “Bạn có thể tùy chọn pha một ly cocktail theo 10 công thức có sẵn trong ứng dụng hoặc sáng tạo loại đồ uống của riêng mình bằng cách hòa trộn tỷ lệ nguyên liệu khác nhau. Thông qua bộ vi xử lý, yêu cầu của người dùng được gửi tới phần cứng. Nếu phần cứng không đáp ứng được, thông báo sẽ gửi đến người dùng qua điện thoại", sinh viên Thái Dương, thành viên nhóm đồ án cho biết.

Giao diện ứng dụng Android của máy pha chế Barista có thiết kế đơn giản nhằm tiết kiệm điện năng và bộ nhớ khi dùng trên điện thoại. Màn hình chức năng có 6 nút bấm thả để điều khiển 6 máy bơm nguyên liệu theo sở thích. “Tỷ lệ phần trăm các nguyên liệu tạo nên các loại đồ uống khác nhau được căn cứ theo tỷ lệ thời gian. Ngoài ra, nếu thay dung dịch đồ uống bằng nước sạch, ta sẽ có ngay bộ máy bơm để lọc rửa máy, rất tiện lợi”, sinh viên Thu Hiền cho biết. Ngoài ra, ứng dụng cũng theo dõi lượng nguyên liệu trong các bình chứa và thông báo cho người dùng khi nguyên liệu pha chế sắp hết.

Thực tế, để pha chế ly cocktail hòa trộn giữa rượu và đồ uống có gas, một bartender chuyên nghiệp thường mất gần 3 phút. Cùng pha chế loại cocktail đó, máy Barista của nhóm sinh viên chỉ mất chưa đến 10 giây. Hương vị đồ uống được những người có mặt trong buổi bảo vệ đồ án nếm thử và đánh giá là ngon: tỷ lệ các loại nguyên liệu hài hòa, phù hợp với khẩu vị của số đông. Cách thức máy pha chế hoạt động và việc được thoải mái phối hợp các loại nguyên liệu theo sở thích cũng khiến nhiều người cảm thấy thú vị và mong muốn sở hữu sản phẩm này.

Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng máy Barista tiện lợi, pha chế nhanh nhưng vẫn theo cơ chế “trộn tất cả nguyên liệu với nhau”, chưa đáp ứng được nhu cầu về những ly đồ uống “có tầng có lớp, nghệ thuật và đẹp mắt” như các bartender vẫn làm. Để khắc phục nhược điểm này, Hội đồng chấm đồ án tốt nghiệp đưa ra một số gợi ý cải tiến sản phầm cho nhóm sinh viên Tổ chức Giáo dục FPT như: thay đổi tốc độ bơm, đặt lại ống dẫn nguyên liệu.

Bản thân nhóm cũng chia sẻ, thời gian nguyên cứu và phát triển hoàn thiện sản phẩm chỉ trong vòng 4 tháng. Máy pha chế đồ uống Barista vẫn còn hạn chế. “Ứng dụng di động còn tồn tại những vấn đề như giao diện chưa đẹp, cần bổ sung chức năng để tương tác với máy pha chế tốt hơn, chưa có phiên bản chạy trên các hệ điều hành khác ngoài Android. Nhóm còn muốn phát triển các chức năng mới như điều chỉnh nhiệt độ đồ uống, thiết bị máy phun kem, tích hợp với các máy bán hàng tự động hiện có để ai cũng có thể tự pha đồ uống mà không nhất thiết phải sở hữu một chiếc máy Barista riêng”, sinh viên Tiến Đạt chia sẻ.

Tiếp tục cải tiến sản phẩm đồng nghĩa với việc nhóm sinh viên phải tiếp tục đối mặt và giải quyết những khó khăn về mặt công nghệ trên cả phần cứng và phần mềm. Thực tế, trong quá trình làm sản phẩm, nhóm thực hiện đồ án từng phải “tháo tung” để kiểm tra các máy bơm khi vừa mới lắp đặt xong bởi có một máy bơm bị dây nối, không hoạt động được hay mất nhiều thời gian sửa lỗi trên ứng dụng để hoạt động mượt mà trên điện thoại Android. Tuy vậy, việc chất lượng các loại đồ uống pha chế từ máy Barista được đánh giá tốt và sản phẩm đầu tiên đã được mua ngay tại buổi bảo vệ là một tín hiệu khả quan, khích lệ nhóm sinh viên FPT thương mại hóa rộng rãi sản phẩm này trong tương lai.

ICTNews

Ý kiến

()