Chúng ta

Sinh viên FPT 'hiến kế' quản lý hệ thống giáo dục

Thứ hai, 16/5/2016 | 08:52 GMT+7

Môi trường học tập tại Hòa Lạc Campus vừa là cảm hứng vừa là thực tiễn giúp nhóm sinh viên năm cuối Đại học FPT nghiên cứu và phát triển phần mềm nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục.

f1-6402-1463282364.jpg

Các thành viên nhóm xây dựng phần mềm “Hệ thống quản lý giáo dục”.

Lựa chọn đề tài “Hệ thống quản lý giáo dục”, nhóm sinh viên ngành Kỹ thuật phần mềm của Đại học FPT gồm 5 thành viên: Vũ Bình Minh, Hoàng Anh, Nguyễn Quang Hưng, Nguyễn Tuấn Minh và Nguyễn Tiến Minh Phương đã tiến hành nghiên cứu thực tiễn từ phần mềm quản lý đang được trường THPT FPT (đơn vị trực thuộc Đại FPT cũng đặt tại Hòa Lạc Campus) sử dụng. Qua đó, nhóm đã nhận thấy phần mềm mua lại từ nước ngoài nên chưa thực sự phù hợp với đặc điểm hệ thống giáo dục trong nước.

“Xuất phát từ thực tế cán bộ và Ban giám hiệu gặp khó khăn khi sử dụng phần mềm do nước ngoài tạo ra, phụ huynh chưa thực sự hài lòng về những hình thức quản lý quá trình học tập của con hiện nay như sổ liên lạc điện tử qua tin nhắn điện thoại, nhóm đã quyết định tìm kiếm một giải pháp mới”, Trưởng nhóm Bình Minh chia sẻ.

“Hệ thống quản lý giáo dục” đã được hoàn thành sau hơn 4 tháng nghiên cứu, xây dựng. Giao diện phần mềm được thiết kế đơn giản, nhất quán, lựa chọn điểm nhấn là các phím xác nhận câu lệnh. Những chức năng thường dùng được nhóm sinh viên sắp xếp nằm ở ngay trang chủ. Các thành viên trong nhóm cho biết: “Hướng đến đối tượng sử dụng là học sinh, phụ huynh, giáo viên các cấp học nên nhóm đặt tính tiện ích, linh hoạt lên hàng đầu. Từ thiết kế đến cách sử dụng phần mềm đều đơn giản, hầu như ai cũng có thể sử dụng được”.

Khi đăng nhập trên phần mềm, người dùng có thể tùy chọn sử dụng các tính năng phù hợp với nhu cầu, mục đích của mình. Phụ huynh và học sinh có thể tạo và xem thời khóa biểu; xem điểm số các môn học, kỳ học; điểm danh theo môn trong năm học. Giáo viên dễ dàng quản lý lịch dạy theo từng tuần, điểm danh học sinh; chấm và theo dõi điểm số các môn học. Còn Quản trị viên của hệ thống (thường là giáo vụ nhà trường) được phân quyền quản lý các tác vụ trong nhà trường như tạo học kỳ mới, xếp học sinh vào các lớp, thay đổi các khối lớp học….

Đặc biệt, sự tiện ích của phần mềm thể hiện ở tính năng lập bảng biểu thống kê tình trạng giảng dạy, học tập giúp người dùng có cái nhìn tổng quát, kịp thời điều chỉnh để đạt kết quả tốt hơn.

Các thông tin mà phần mềm lưu trữ mang tính cá nhân nên nhóm rất chú trọng việc bảo mật: “Mọi thông tin của người dùng đều được mã hóa, đăng ký tài khoản thuộc đối tượng nào thì bạn chỉ được cấp phép truy cập vào những tài nguyên hạn chế nhất định. Ví dụ học sinh chỉ được quyền xem điểm chứ không thể sửa điểm, phụ huynh kiểm tra được thời khóa biểu của con nhưng không tự ý thay đổi được.”, sinh viên Hoàng Anh, một thành viên của nhóm đồ án phân tích.

f2-1450-1463282364.jpg

Theo đánh giá của hội đồng chấm đồ án, phần demo sản phẩm cho thấy phần mềm sử dụng kỹ thuật, công nghệ tốt nhưng còn thiếu một số tính năng do các thành viên nhóm thực hiện chưa có kinh nghiệm về nghiệp vụ quản lý giáo dục.

Nói về quá trình xây dựng sản phẩm, các thành viên trong nhóm nhớ mãi những ngày tháng “vùi đầu” tìm hiểu thông tin nghiệp vụ quản lý sư phạm. Đều là “dân” CNTT, các quy trình xếp lớp, cách xếp thời khóa biểu… là những kiến thức hoàn toàn mới mẻ. Thành viên Nguyễn Quang Hưng bộc bạch: “Một phần mềm thành công không chỉ được đánh giá bởi tốc độ, tính ổn định hay công nghệ mà còn là việc áp dụng những yếu tố đó để giải quyết một bài toán cụ thể nào đó. Đối với EMS, nhóm tin rằng mình đã có thể giải quyết được rất nhiều vấn đề hiện nay song vẫn còn không ít những vấn đề khác mà chúng tôi chưa có điều kiện, cũng như kinh nghiệm để làm”.

Hội đồng chấm đồ án cũng nhận xét nhóm thực hiện đề tài “Hệ thống quản lý giáo dục” còn thiếu sót trong việc tìm hiểu nghiệp vụ dẫn đến phần mềm vừa thừa tính năng không cần thiết lại vừa thiếu tính năng khá quan trọng là thiết kế khung chương trình. Tuy nhiên, nhóm sinh viên này được đánh giá cao ở kỹ thuật, sử dụng nhiều công nghệ mới trong ngành lập trình. Nếu được đầu tư về kiến thức nghiệp vụ và thời gian, hệ thống quản lý giáo dục này có thể hoàn thiện và ứng dụng được trong các cơ sở đào tạo.

Trưởng nhóm Vũ Bình Minh tự tin vào khả năng phát triển hệ thống của các thành viên trong nhóm: “Hy vọng trong tương lai, chúng em sẽ có thể lấy đây làm một bài học kinh nghiệm để phát triển những hệ thống hoàn chỉnh hơn, góp phần giải quyết các bài toán hiện nay của xã hội”. 

ICT News

Ý kiến

()