Chúng ta

Sếp FPT, Viettel: '2 bàn tay trắng là sức mạnh để khởi nghiệp'

Chủ nhật, 29/1/2017 | 08:49 GMT+7

Một điểm khá trùng hợp, cả ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Viettel, và ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT đều cho rằng, sức mạnh để khởi nghiệp đó là trong tay chẳng có gì cả. Khi chúng ta chẳng có gì để mất thì chúng ta có mọi thứ để thắng!

Chủ tịch FPT: “Sáng tạo lúc không tiền là cực kì tốt”

10-6603-1485590366.jpg

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình.

Trong một buổi nói chuyện mới đây với cộng đồng start-up, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho rằng, người làm start-up phải có tầm nhìn toàn cầu, biết sống chết với ý tưởng đã định và không ngại gian khó, biết vươn lên ngay cả khi phải khởi nghiệp từ một căn gác xép đi thuê… Sáng tạo lúc không tiền là cực kì tốt.

Theo ông Bình, nếu thực sự khởi nghiệp, các startup trong nước phải tự chủ, sáng tạo và đam mê. Khởi nghiệp luôn cần sự hy sinh, nỗ lực tối đa của chính cá nhân. Bởi trong nhiều trường hợp, nếu nhận được sự hỗ trợ sớm có thể sẽ không thành công. “Khi bạn đã đầy đủ, an toàn thì thường mất đi sự sắc sảo”, Chủ tịch FPT nói.

Ông Bình cho hay, khởi nghiệp phải theo kiểu từng bước qua sông, dò đá ta đi, đừng làm ý tưởng lớn mà phải từ những thứ đơn giản. ở Việt Nam, số tiền dành cho khởi nghiệp khoảng 10.000 USD, có thể huy động từ bạn bè, gia đình.

“Hãy nghĩ đến chuyện ăn mì gói, đừng nghĩ đến việc ăn ở hoành tráng. Sáng tạo lúc không tiền là cực kì tốt, vì khi có nhiều tiền thì dễ lừa mình lắm, kiểu như đổ tiền vào quảng cáo qua Google, Facebook rồi tưởng sản phẩm mình tốt, đến lúc cắt các khoản này thì đảm bảo sập luôn. Không phải lấy được quỹ lần đầu là tốt mà phải chứng minh chỉ số đo lường kết quả hoạt động (KPI) tăng trưởng trên 30%/tháng thì mới có thể gọi được vốn tiếp. Các doanh nghiệp thường thì tăng gấp 3 lần/năm. Các bạn đạt được các chỉ số đó thì nhiều người đưa tiền cho bạn chơi”, ông Bình chia sẻ.

CEO Viettel: “Nghèo đói là sức mạnh để khởi nghiệp”

Mấy năm gần đây, phong trào khởi nghiệp của Việt Nam bắt đầu lên cao. Thế nhưng, hầu hết các những người khởi nghiệp rất khó khăn về tài chính. Theo số liệu từ Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), 3/10 start-up sẽ chết yểu trong 2 năm đầu tiên gia nhập thị trường, một nửa số còn lại biến mất chỉ trong 3 năm tiếp theo. Nhưng ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Viettel cho rằng, sức mạnh để khởi nghiệp đó là trong tay chẳng có gì cả. Khi chúng ta chẳng có gì để mất thì chúng ta có mọi thứ để thắng, đó chính là sức mạnh của nghèo đói để khởi nghiệp thành công.

11a-1-3350-1485590366.jpg

CEO Viettel Nguyễn Mạnh Hùng.

Đúc rút từ kinh nghiệm của Viettel, ông Hùng phân tích: “Theo tôi, điều kiện quan trọng của khởi nghiệp đó là trong tay chẳng có gì cả, đấy là điều kiện số 1. Đa phần những công ty ở đây khởi nghiệp khi đã có cái gì đó trong tay rồi, hoặc được một công ty đã thành công bỏ tiền ra đầu tư để tạo khởi nghiệp. Viettel cũng từng chi khá nhiều tiền vào những doanh nghiệp gọi là khởi nghiệp ở những lĩnh vực khác của Viettel, nhưng đến thời điểm này không có một công ty nào thành công, cơ bản là lỗ bởi vì ngay từ ngày đầu người ta đã được bơm tiền, đã được vũ trang đến tận răng”, ông Hùng nói.

Tuy có vẻ nghiệt ngã nhưng ông Hùng đã rút ra kinh nghiệm cho những ai muốn khởi nghiệp: “Tôi nhớ thời kì khởi nghiệp của Viettel, trong tay hầu như không có gì. Nhân sự có khoảng chưa đến 100 người, tổng tài sản (vốn) cỡ khoảng 2 tỷ đồng, vốn đó không phải tiền mà được vật chất hoá qua mấy cái ô tô cũ, cái nhà hai tầng. Tôi cho rằng, điều kiện quan trọng nhất của khởi nghiệp là trong tay chẳng có gì cả. Chúng ta phải bán đi cả cái xe máy của mình, bán đi đến cả chiếc áo vest cuối cùng thì mới là khởi nghiệp. Vì chỉ khi ấy mình mới xả thân. Những công ty thành công đều là những công ty xuất phát từ gara của nhà mình, ví dụ như Bill Gates, Steve Jobs…”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng kể câu chuyện khá thú vị khi đầu năm 2004 đi sang Malaysia để học hỏi một người rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực viễn thông. Đối tác hỏi: “Khó khăn lớn nhất của ông là gì”? Tôi bảo: “Khó khăn lớn nhất là chúng tôi chẳng có gì”? Ông ấy nói: “Đó là sức mạnh lớn nhất của ông đấy, khi chúng ta chẳng có gì để mất thì chúng ta có mọi thứ để thắng”.

Một thực tế cho thấy, rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam đã và đang phải “bán chiếc áo vest” để khởi nghiệp. Nhiều doanh nghiệp của mình đã rao bán nhà, vay tiền của người thân sau khi đã dốc kiệt túi của mình để theo đuổi giấc mộng khởi nghiệp, và số người thành công hiện chưa nhiều. Đơn cử CEO KiotViet - một start-up trong lĩnh vực phần mềm quản lý bán hàng, bản thân vị CEO này cũng đã từng tiêu hết số tiền kiếm được khi bươn trải ở Singapore lúc mang dự án về Việt Nam khởi nghiệp. Hiện KiotViet đang đi đúng hướng khi không chỉ chuyên mảng phần mềm quản lý bán hàng cho các chuỗi cửa hàng, siêu thị lớn mà còn đi vào các cửa hàng nhỏ, thậm chí siêu nhỏ với mức phí sử dụng mỗi ngày chỉ tương đương một ly trà đá. “Từ những gì sai lầm, quyết tâm khởi nghiệp sẽ mạnh mẽ hơn bao giờ hết”, CEO KiotViet nói.

>> Thủ tướng giao FPT kết nối Jack Ma cổ vũ start-up Việt

Infonet

Ý kiến

()