Chúng ta

Robot sẽ vượt xa năng lực con người trong cách mạng công nghiệp 4.0

Chủ nhật, 9/4/2017 | 12:22 GMT+7

Theo Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, tất cả các cuộc cách mạng đều được dẫn dắt bởi khoa học công nghệ. Cuộc CMCN đầu tiên là máy có sức khỏe hơn cơ bắp con người và ngựa, voi. Tiếp theo cuộc CMCN lần 2, chúng ta có ánh sáng từ điện, có động cơ và tốc độ phát triển đã tăng lên một bậc mới.

Tại diễn đàn CEO 2017 với chủ đề "Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 - Được & Mất" diễn ra chiều 7/4 tại Hà Nội, các chuyên gia nhận định Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN) sẽ mở ra kỷ nguyên mới của đầu tư, năng suất và mức sống gia tăng. So với các cuộc CMCN trước đó thì cuộc cách mạng này có khác biệt rất lớn về tốc độ phát triển, phạm vi và mức độ tác động; phát triển với cấp độ số nhân, làm biến đổi hầu hết nền công nghiệp ở mọi quốc gia về cả bề rộng và chiều sâu, trong cả hệ thống sản xuất và quản trị.

Theo Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, tất cả các cuộc cách mạng đều được dẫn dắt bởi khoa học công nghệ. Cuộc CMCN đầu tiên là máy có sức khỏe hơn cơ bắp con người và ngựa, voi. Tiếp theo cuộc CMCN lần 2, chúng ta có ánh sáng từ điện, có động cơ và tốc độ phát triển đã tăng lên một bậc mới.

Đến cuộc CMCN lần 3, chúng ta có máy tính tính toán nhanh, với nhiều ứng dụng công nghệ. Còn ở lần thứ 4 này, biểu tượng sẽ là robot có thể có trí tuệ toàn cầu, lấy kiến thức của tất cả các con robot để ứng xử với con người, vượt xa năng lực con người. Con robot này sẽ chế ra các con robot khác.

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình.

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình.

"Tôi cho rằng, đây sẽ là cuộc cách mạng lớn nhất so với các cuộc cách mạng khác. Với cuộc cách mạng này, không chỉ máy móc mà tất cả các sự vật thế giới xung quanh chúng ta đều trở nên có nhân tính, đều có tính toán, tối ưu. Thế giới xung quanh ta không chỉ trở thành thế giới sống mà biến thành thế giới có nhân tính. Khi đó, các ô tô sẽ tự tránh nhau, hàng hóa sẽ tự đến nhà. Đây chính là sự khác biệt lớn nhất mà cuộc CMCN lần thứ 4 sẽ xảy ra. Theo tôi, rất khó để ước lượng quy mô, tầm cỡ của cuộc cách mạng này sẽ biến đổi đến mức độ nào", ông Bình nhấn mạnh.

Nói về lợi thế của Việt Nam, ông Bình cho rằng lúc này khi cuộc cách mạng mới bắt đầu, không phải Chính phủ nào cũng nói về cuộc cách mạng này nhiều như ở Việt Nam. Thứ hai, từ khi ngành CNTT đặt mục tiêu vươn ra thế giới thì tiềm lực ngành cũng vượt trội so với năng lực kinh tế Việt Nam.

Thứ ba là cuộc cách mạng này không chỉ là cuộc cách mạng của các đại gia mà là cuộc cách mạng của mọi người. Trong đó có thể có những nhóm rất bé, chỉ có vài người nhưng những nhóm nhỏ đó sẽ thay đổi tương lai, diện mạo của các ngành kinh tế.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vào sáng 3/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có ý kiến chỉ đạo: "Phải tận dụng cơ hội, có giải pháp hạn chế thách thức của CMCN 4.0. Các cấp, các ngành, trước hết là Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí, bản thân các tập đoàn, tổng công ty phải làm tốt công tác truyền thông, tăng cường nhận thức về CMCN 4.0, để toàn xã hội, từng người dân, mọi doanh nghiệp, mọi cơ quan, các tổ chức đều hiểu về thời cơ, thách thức của CMCN 4.0".

VNReview

Ý kiến

()