Chúng ta

Ra trường, chỉ làm được như máy sẽ thất nghiệp

Thứ sáu, 2/2/2018 | 09:26 GMT+7

“Nếu đào tạo ra mà chỉ làm được như máy hoặc kém cả máy thì chắc chắn thất nghiệp”, ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị ĐH FPT, nói về yêu cầu đổi mới đào tạo trong các trường ĐH thời cách mạng 4.0 hiện nay.

Ông Tùng cho rằng, với yêu cầu của thực tế hiện nay thì nội dung đào tạo phải đổi mới. Đó là thay đổi, cập nhật một số nội dung, đưa những nội dung liên quan đến cuộc cách mạng 4.0 vào chương trình giảng dạy. “Ví dụ như những nội dung liên quan đến CNTT, hiện trường phải thay đổi rất nhiều. Nếu trước đây, chủ yếu đào tạo về lập trình, hệ điều hành thì bây giờ phải là dữ liệu lớn, điện toán đám mây, mạng xã hội, internet vạn vật... Những thay đổi về nội dung không đơn thuần chỉ liên quan đến ngành CNTT mà các ngành khác cũng phải nắm được một số yếu tố này. Như ngành Tài chính Ngân hàng cũng phải nắm được những khái niệm, nếu không sau này sẽ đứng ngoài cuộc”, ông Tùng khẳng định.

Tung-1957-1517462185.jpg

Tiến sĩ Lê Trường Tùng.

“Phương thức dạy, cách học cách dạy cũng có thay đổi. Làm thế nào để sinh viên học không phụ thuộc quá nhiều vào giảng viên?” - ông Tùng đưa ra câu hỏi. Do đó, ông cho biết ĐH FPT dự kiến 20% chương trình đào tạo sinh viên sẽ được học qua online không phải lên lớp. Điều này liên quan đến cơ sở vật chất, đến nhân lực, đến quản lý, đến thi cử đánh giá...

Một vấn đề nữa mà ông Tùng nêu ra, đó là nâng cao nhận thức của giáo viên. Một số nội dung giáo viên phải được đào tạo trước. Có thể cử giáo viên đi đào tạo ở nước ngoài, hoặc mời giảng viên ở nước ngoài sang đào tạo. “Chắc chắn thời gian tới các trường đều phải thay đổi. Thế giới đã thay đổi rất nhanh. Nếu không thay đổi, chúng ta sẽ lại đào tạo ra những con người của nền công nghiệp 3.0”, ông Tùng thẳng thắn.

Theo ông, trong giai đoạn hiện nay, trí tuệ thông minh sẽ là một ngành học vô cùng quan trọng. Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì sẽ có những quy định rất rõ những gì máy không làm được mới cần đến con người. “Câu hỏi máy làm được gì đã lạc hậu. Mà phải là cái gì máy không làm được. Hơn nữa, giá thành khi đưa máy vào làm sẽ rất rẻ nên với đào tạo không đơn thuần chỉ là đào tạo ra con người điều khiển máy móc, mà là đào tạo ra con người để làm những gì máy không làm được tốt hơn con người. Nếu đào tạo ra mà chỉ làm được như máy hoặc còn kém cả máy làm thì chắc chắn thất nghiệp” - ông Tùng chia sẻ.

Doanh nghiệp tham gia đào tạo

PGS. TS Bùi Đức Triệu, trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho biết, năm 2018, dự kiến trường có thêm 10 ngành mới. Do yêu cầu từ thực tế, ông Triệu cho biết trong quá trình đào tạo, không chỉ giảng viên của trường giảng dạy mà các doanh nghiệp cũng tham gia đào tạo và xây dựng chương trình. Không chỉ doanh nghiệp trong nước mà các doanh nghiệp nước ngoài cũng tham gia đào tạo.

Cũng là trường đào tạo về kinh tế, đại diện phòng Đào tạo, ĐH Ngoại thương cho biết chương trình đào tạo của trường đều có phần lý thuyết và thực hành. Trong đó, ngoài giảng viên của trường, còn có sự tham gia của nhà quản lý, chuyên gia vào công tác giảng dạy. Tỷ trọng giữa giảng viên và nhà quản lý, chuyên gia tham gia vào quá trình giảng dạy là 70% và 30%. Chính vì thế, sinh viên được đào tạo cân bằng giữa lý thuyết và thực hành nên dễ thích ứng khi ra trường đi làm việc.

Tiền Phong

Ý kiến

()