Chúng ta

Quá nửa người tiêu dùng xem hàng online trước khi mua sắm

Thứ hai, 17/7/2017 | 09:23 GMT+7

Với sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường bán lẻ hiện nay, thật không dễ dàng để có thể tìm được một vị thế ổn định.

Dù thị trường Việt Nam vẫn được các nhà đầu tư đánh giá là có nhiều hứa hẹn, nhưng do tình hình kinh tế không nhiều khởi sắc, sức mua kém, việc tiếp cận vốn khó khăn và phải đầu tư lớn, nhưng sức cạnh tranh không hiệu quả nên việc thu hồi vốn chậm khiến các doanh nghiệp bán lẻ chùn bước.

Trong một buổi tọa đàm về phát triển thị trường bán lẻ, Chủ tịch Công ty truyền thông tương tác (Công ty đại diện thương mại của Forbes Việt Nam) Nguyễn Hoàng Bảo nhận định: “Các nhà đầu tư đánh giá ngành bán lẻ Việt Nam sẽ có cơ hội phát triển mạnh trong tương lai gần. Nhiều thương hiệu lớn của ngành này đang tìm cách mở rộng sự có mặt tại Việt Nam, đầu tư phát triển cả kênh thương mại, bán lẻ truyền thống và thương mại điện tử”.

Bán hàng đa kênh là sự kết hợp lý tưởng để phát triển kinh doanh bán lẻ.

Bán hàng đa kênh là sự kết hợp lý tưởng để phát triển kinh doanh bán lẻ. Ảnh: S.T.

Rõ ràng đây là xu hướng chung của ngành bán lẻ và thế giới đã đi trước Việt Nam khá lâu rồi. Nhìn sang thị trường bán lẻ Trung Quốc, dễ dàng thấy rằng để mua một sản phẩm, người tiêu dùng chỉ cần một cú click chuột, chỉ sau một vài ngày, thậm chí một vài giờ, sản phẩm đã đến tận tay với đủ chủng loại hàng tiêu dùng, từ cao cấp như sản phẩm điện tử đến thông dụng như mớ rau, con cá. Vậy thì, có quá tự tin không khi nói ngành bán lẻ ở Việt Nam sẽ bùng phát trong tương lai gần?

Câu trả lời là có. Với dân số 93 triệu người, thị trường bán lẻ thương mại điện tử Việt Nam vẫn là bức tranh mới có vài nét chấm phá, chưa hề được khai thác một cách hiệu quả bởi nhiều lý do cả khách quan và chủ quan. Nhưng rõ ràng xu hướng người trẻ tuổi sử dụng công cụ mua sắm thông minh đang dần thay đổi thói quen mua sắm của cả xã hội. Trên thực tế, ngành bán lẻ Việt Nam đang buộc phải thay đổi theo xu hướng đó. Bài toán cạnh tranh không chỉ đơn giản là đầu tư cơ sở vật chất, chọn lựa địa điểm tại các khu trung tâm hoặc quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện truyền thông, các nhà bán lẻ còn phải tìm ra đáp án về sự chuyển đổi mô hình hoạt động và thích nghi với sự dịch chuyển của thị trường.

Ông Ngô Quốc Bảo - Giám đốc Trung tâm phát triển kinh doanh, dịch vụ kỹ thuật và thương mại điện tử FPT Retail, đánh giá: “Các kênh tương tác với khách hàng cực kỳ quan trọng. Nếu chỉ dựa vào một nền tảng, ví dụ bán hàng tại cửa hàng thực hay bán hàng online, doanh nghiệp sẽ bị giới hạn và sức cạnh tranh yếu hơn đối thủ nên dễ dẫn đến thất bại. Bán hàng đa kênh trở thành xu hướng bán lẻ hiệu quả".

Một số thông số được ông Bảo đưa ra để minh chứng cho việc cần song hành vừa bán hàng theo phương thức truyền thống vừa bán hàng thương mại điện tử như sau: Theo khảo sát, có tới 44% khách hàng tìm hiểu sản phẩm online và tiếp tục đặt hàng online. Trước khi mua hàng tại cửa hàng có 51% người tiêu dùng tìm hiểu sản phẩm qua tương tác online. 67% người tiêu dùng bắt đầu hoặc kết thúc việc mua bán của mình thông qua một thiết bị điện tử - cho dù họ mua sắm trực tiếp hay online. Rõ ràng hành vi người tiêu dùng cũng đã thay đổi rất nhiều so với mua sắm truyền thống.

Giám đốc điều hành Infocus Mekong Research - ông Ralf Matthaes đánh giá: “Việc kết hợp giữa cách bán hàng truyền thống với thương mại điện tử đều quan trọng với thị trường Việt Nam ở thời điểm hiện nay. Do sự bùng nổ giao dịch thương mại điện tử cùng uy tín của các hãng bán lẻ đã thúc đẩy mạnh mẽ ngành này”. Nhưng thói quen của phần lớn người tiêu dùng vẫn là tìm đến sự thuận tiện và niềm tin chưa được xây dựng đủ, vì thế kênh bán lẻ điện tử không phải được tất cả chấp nhận,ngay cả với những người trẻ tuổi. Không chỉ vậy, kênh hỗ trợ bán hàng của chúng ta cũng chưa thật sự hiệu quả. Sản phẩm hầu hết đi qua các kênh bưu điện, chuyển phát nhanh… rất ít đơn vị có thể xây dựng được cho mình một hệ thống hỗ trợ vận chuyển, chăm sóc khách hàng, phản hồi khách hàng… một cách hiệu quả.

Ông Lương Duy Hoài, Giám đốc giao hàng nhanh (GHN), băn khoăn: "Thị trường bán lẻ điện tử gặp khó khăn một phần do chưa có kênh phân phối chuyên nghiệp. Việc vận chuyển hàng triệu thậm chí hàng chục triệu đơn hàng mỗi ngày là bài toán nan giải khiến thị trường khó khai mở rộng hơn. Trong tương lai, khắc phục được yếu điểm này, tức là xây dựng được một mạng lưới hỗ trợ bán hàng đáp ứng được yêu cầu của khách hàng sẽ quyết định sự thành công của lĩnh vực này".

>> Thị trường laptop vào mùa thấp điểm

Lao Động

Ý kiến

()