Chúng ta

Phổ điểm thi đại học, cao đẳng không còn dáng dấp chuẩn

Thứ ba, 28/7/2015 | 08:50 GMT+7

Đánh giá cao phản ứng tích cực của Bộ GD-ĐT khi có dư luận về tính không đầy đủ của phổ điểm lần trước, ông Lê Trường Tùng - Chủ tịch HĐQT Đại học FPT - cũng cho rằng phổ điểm của thí sinh ở cụm thi do các đại học chủ trì có tính “giật cục”, không mang dáng dấp chuẩn. 

- Ông đánh giá thế nào về việc Bộ GD-ĐT cung cấp phổ điểm chi tiết đến 0.25?

– Phổ điểm với đầy đủ số liệu về điểm số và số lượng thí sinh chi tiết đến 0.25 là thông tin rất hữu ích để có bức tranh khá đầy đủ về kỳ thi “2 trong 1″ năm 2015 – một cuộc thi với nhiều điểm mới.

Việc Bộ GD-ĐT xử lý và cung cấp thông tin nhanh chóng, cung cấp phổ điểm tất cả các môn ngay cả trong thời gian nghỉ cuối tuần – thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm cao của Bộ GD-ĐT.

Tôi đánh giá cao phản ứng tích cực của Bộ GD-ĐT khi có dư luận về tính không đầy đủ của phổ điểm lần trước, đánh giá cao việc các cơ quan chức năng của Bộ GD-ĐT sẵn sàng tính toán cung cấp các thông tin hữu ích cho thí sinh và cho các trường phục vụ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay.

- Ông có nhận xét gì về phổ điểm vừa công bố?

– Cần có thời gian mới có thể phân tích rút ra các kết luận về chất lượng học tập, thi cử cũng như chất lượng của đợt thi lần này. Các môn tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Trung, tiếng Đức chỉ có vài trăm đến vài nghìn thí sinh dự thi – quá ít nên phổ điểm không cung cấp được được thông tin gì có giá trị.

Nhìn qua thì trong các môn còn lại, môn tiếng Anh có phổ điểm đẹp nhất, đồ thị lên xuống mịn màng, liên tục, phân bố chuẩn mực, và thể hiện rõ 2 điều: trình độ tiếng Anh của học sinh hết lớp 12 còn yếu, cùng việc chất lượng đề thi cho môn này là tốt.

Các môn khác thì phổ điểm có khá nhiều biểu hiện “giật cục” – lên xuống nhiều chứ không còn mang dáng dấp chuẩn là hình quả chuông úp ngược nữa (đồ thị hình quả chuông úp ngược thể hiện quy luật là với mỗi môn thi, sẽ có một số ít em rất kém, một số ít em kém, một số em giỏi, một số ít em rất giỏi, còn lại thì tập trung ở khúc giữa là trung bình - khá. Mức độ yếu kém giỏi khá từng môn khác nhau, mức độ dễ khó của đề thi cũng khác nhau nên đỉnh quả chuông sẽ dao động nhiều ít sang phải hoặc sang trái và độ dốc của thân chuông sẽ biến đổi).

Đánh giá cao phản ứng tích cực của Bộ GD-ĐT khi có dư luận về tính không đầy đủ của phổ điểm lần trước, ông Lê Trường Tùng – Chủ tịch HĐQT Đại học FPT cũng cho rằng phổ điểm của thí sinh ở cụm thi do các đại học chủ trì có tính “giật cục”, không mang dáng dấp chuẩn.

Đánh giá cao phản ứng tích cực của Bộ GD-ĐT khi có dư luận về tính không đầy đủ của phổ điểm lần trước, TS. Lê Trường Tùng cũng cho rằng phổ điểm của thí sinh ở cụm thi do các đại học chủ trì có tính “giật cục”, không mang dáng dấp chuẩn.

Lấy ví dụ môn Ngữ văn. Phổ điểm môn này cho thấy có 2 “đồ thị hình quả chuông úp ngược” chồng lên nhau: một đồ thị cao cho các điểm số với phần lẻ là .0 hoặc 0.5, và một đồ thị thấp cho các điểm số lẻ là 0.25 và 0.75. Nếu gộp lại thành một phổ điểm thì đang từ cao ở mức lẻ 0.00, hạ xuống thấp ở mức lẻ 0.25, lại lên cao ở mức lẻ 0.50, rồi lại hạ xuống thấp ở mức lẻ 0.75, rồi lại lên cao khi về mức lẻ 0.00. Điều này cho thấy rõ việc quy định chấm môn Ngữ văn phải chi tiết đến 0.25 là không chính xác, làm khó người chấm. Với môn này chỉ cần chấm điểm làm tròn đến 0.5 là đủ. Hai môn Sử, Địa cũng có tình trạng giống môn Ngữ văn.

Môn Toán nhìn chung phổ điểm khá đều. Nhìn kỹ thì cũng thấy ở môn này, tại phân khúc giữa, số thí sinh có điểm lẻ 0.25 và 0.75 ít hơn số thí sinh có điểm lẻ 0.0 hoặc 0.5. Tuy nhiên sự khác biệt không cao như các môn Văn, Sử, Địa. Lý do ở đây là môn Toán dễ chấm chi li hơn các môn xã hội.

Với phổ điểm 4 môn Văn, Sử, Địa, Toán như vậy, nên chăng xem xét sau này chỉ quy định điểm thi chính xác đến 0.5 là đủ.

Ba môn Lý, Hóa, Sinh thì các điểm số có phần lẻ 0.5 đều có số lượng thí sinh đông hơn hẳn các điểm số khác. Có điều gì đó hơi bất thường trong đề thi và barem chấm thi các môn này dẫn đến tình trạng việc được điểm có số lẻ là 0.5 dễ hơn là được điểm có số lẻ khác (0.0, 0.25, 0.75).

Người đứng đầu Đại học FPT cũng cho biết, phổ điểm các môn Lý Hóa Sinh bị dồn vào điểm lẻ 0.5 là do thi trắc nghiệm 50 câu và khi quy sang thang điểm 10 làm tròn đến 0.25 (thực chất là thang điểm 40) thì bị hiệu ứng “một cái lồng 2 con thỏ”. Nghĩa là, các thì sinh có điểm 20, 21, 22, 23, 24, 25 trong thang điểm 50, khi quy đổi sang thang điểm 10 thì: 20 thành 4 điểm, 21 thành 4.25, 22 và 23 thành 4.5, 24 thành 4.75 và 25 thành 5.0. Hai “con thỏ” 22 và 23 bị nhốt vào một “cái lồng” 4.5. Cho nên phổ điểm tại 4.5 tăng vọt (nói chung là gấp đôi).

Hậu quả của việc thi trắc nghiệm có 50 câu, giả sử thi 3 môn Lý, Hóa, Sinh để xét tuyển đại học. Một em điểm (23,23,20), một em điểm (22,22,22). Tổng 3 môn của em như nhau là 66. Khi quy sang thang điểm 10, một em là (4.5, 4.5, 4) với tổng 13, 1 em (4.5, 4.5, 4.5) được 13.5. Nếu trường lấy điểm 13.5 thì một em đậu, một em trượt!

TS. Lê Trường Tùng cũng đưa ra kết luận: Nếu làm tròn đến 0.25 thì trắc nghiệm chỉ nên có 40  câu.

- Thưa ông, thí sinh có lợi ích gì từ phổ điểm này?

– Phổ điểm Bộ GD-ĐT mới công bố tổng hợp điểm thi tại các cụm thi do các trường đại học chủ trì và đăng ký lây kết quả để tuyển sinh đại học cao đẳng. Mục tiêu như Bộ cho biết là hỗ trợ thí sinh có thêm căn cứ để quyết định đăng ký xét tuyển. Phổ điểm Bộ công bố lần trước thì có khác, bao gồm điểm của tất cả các thí sinh – kể cả thi ở cụm thi địa phương. Ví dụ lần trước có 5.410 thí sinh điểm 0 môn Toán, thì con số lần này chỉ còn 2.670.

Đây là thông tin hữu ích để thí sinh biết được với từng môn, với điểm số như vậy mình đang ở đâu trong bức tranh tổng thể, bao nhiêu thí sinh kém kém mình để lượng sức chọn trường phù hợp.

Tuy nhiên sẽ hữu ích hơn nêu có thêm phổ điểm tổng theo các khối thi truyền thống. Và cũng sẽ hữu ích hơn nêu trong phổ điểm vừa công bố loại bớt đi điểm của các thí sinh không đỗ tốt nghiệp. Không đỗ tốt nghiệp thì cũng sẽ không tham gia xét tuyển, cho nên đưa vào làm loãng bức tranh và không giúp ích được gì cho các thí sinh đang chuẩn bị chọn trường và tham gia xét tuyển đại học, cao đẳng.

VietnamNet

Ý kiến

()