Chúng ta

‘Nội soi’ chiến lược toàn cầu hóa của FPT

Thứ ba, 25/8/2015 | 11:57 GMT+7

Dưới áp lực duy trì tốc độ tăng trưởng khi thị trường trong nước đã bão hòa, nhiều doanh nghiệp Việt, trong đó có FPT đã và đang bước chân ra toàn cầu và thu được những kết quả khá tích cực.

Liên tiếp mở rộng thị phần quốc tế

Điểm qua những hoạt động nổi bật của FPT trong 6 tháng đầu năm nay, có thể thấy chiến lược toàn cầu hóa của tập đoàn này đang tiếp tục được “bành trướng”. Mới đây nhất, FPT ghi danh là công ty nước ngoài 100% đầu tiên được Chính phủ Myanmar cấp giấy phép triển khai hạ tầng viễn thông tại quốc gia 56 triệu dân này. Giấy phép này được coi là tấm vé thông hành mở ra cơ hội cho FPT khai thác tại thị trường được mệnh danh là “mảnh đất vàng” cuối cùng của châu Á.

Cũng trong nửa đầu năm nay, FPT đã mở thêm 2 trung tâm cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) tại Philippines và Myanmar, nâng tổng số văn phòng chi nhánh của FPT tại 19 quốc gia trên toàn cầu lên con số 28.

Được biết, 2 trung tâm này trực thuộc Công ty Phần mềm FPT (FPT Software) - công ty con của FPT. FPT Software đang đặt mục tiêu doanh số 1 tỷ USD và 30.000 nhân sự, trong đó có khoảng 5.000 chuyên gia tư vấn vào năm 2020. Để đạt được mục tiêu này, ngoài việc tuyển dụng trong nước, FPT Software sẽ đẩy mạnh tuyển dụng tại thị trường nước ngoài. Philippines và Myanmar được xem là thị trường cung cấp nhân lực quan trọng của hướng đi này.

Dự kiến, trong vòng 5 năm tới, trung tâm cung cấp dịch vụ CNTT của FPT tại Myanmar sẽ có tới 1.000 người và trở thành 1 trong 5 trung tâm ủy thác dịch vụ CNTT lớn của FPT Software tại Việt Nam và ASEAN.

Trong khi đó, FPT kỳ vọng trung tâm tại Philippines sẽ trở thành một trung phát triển dịch vụ có quy mô nhân lực và năng lực công nghệ tương đương các trung tâm lớn khác tại Việt Nam. Dự kiến đến cuối năm 2015, FPT Software Philippines có khoảng 150 người và con số này sẽ tăng lên gấp 10 lần vào năm 2020, tương đương quy mô hiện tại của trung tâm phát triển dịch vụ tại Đà Nẵng.

FPT đang tiếp tục đẩy mạnh toàn cầu hóa với mức tăng tối thiểu 40% mỗi năm

FPT đang tiếp tục đẩy mạnh toàn cầu hóa với mức tăng tối thiểu 40% mỗi năm.

Tại thị trường Nhật Bản, FPT cũng đang đẩy mạnh hoạt động kinh doanh và mở rộng thị phần. Hiện tại, FPT đang triển khai mạnh mẽ chương trình 10.000 Kỹ sư Cầu nối (BrSE) nhằm giúp các doanh nghiệp Nhật Bản giải quyết bài toán nhân lực CNTT, đồng thời cung cấp nguồn lực cho FPT khai thác tiềm năng của thị trường này.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của FPT, doanh thu từ thị trường nước ngoài của tập đoàn này đã tăng trưởng 44% so với cùng kỳ, đạt 2.118 tỷ đồng, tương đương 98 triệu USD. Trong 5 năm trở lại đây (2011-2014), doanh thu toàn cầu hóa của FPT cũng luôn đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 30%/năm.

Trong đó, doanh thu của FPT từ thị trường Nhật Bản đạt 38 triệu USD, tăng 40% so với cùng kỳ; thị trường Mỹ đạt 22 triệu USD, tăng 42%; thị trường châu Âu đạt 13 triệu USD, tăng 167%...

Xác định chiến thuật cho các thị trường trọng tâm

Trong 5 năm gần đây (2011-2014), doanh thu từ thị trường nước ngoài của FPT luôn đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 30%/năm. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2015, doanh thu từ thị trường nước ngoài của FPT tăng trưởng 44% so với cùng kỳ, đạt 2.118 tỷ đồng, tương đương 98 triệu USD. Dự kiến năm 2015, con số này vượt mốc 200 triệu USD và mục tiêu của Tập đoàn là sẽ đạt doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2020.

Nhìn vào chiến lược toàn cầu hóa của FPT, có thể thấy, chiến thuật của Tập đoàn là tận dụng thế mạnh riêng của mình tại các thị trường trọng điểm. Cụ thể, FPT đang thực hiện chiến lược này theo 2 hướng chính: thị trường các nước phát triển và đang phát triển.

Tại thị trường các nước phát triển, tận dụng ngân sách cho việc thuê ngoài dịch vụ CNTT (IT outsourcing) còn rất lớn, tổng cộng khoảng 299 tỷ USD/năm, FPT tập trung cung cấp dịch vụ IT outsourcing, với thế mạnh là cung cấp các dịch vụ giải pháp theo xu hướng công nghệ mới (S.M.A.C) và lợi thế về giá.

Còn tại các quốc gia đang phát triển như Bangladesh, Campuchia hay Myanmar, FPT đang tăng tốc nhắm đến, bởi các quốc gia này đang có nhu cầu rất lớn về ứng dụng CNTT để phục vụ phát triển kinh tế quốc gia, nhưng hầu như chưa có công ty CNTT nội địa nào đủ lớn để phát triển hệ thống CNTT quy mô lớn. Trong khi đó, so với nhiều nhà thầu nước ngoài khác, FPT thực sự có lợi thế rất lớn với kinh nghiệm triển khai hạ tầng CNTT quy mô lớn cho hầu hết các ngành kinh tế trọng điểm của Việt Nam như chính phủ điện tử, hệ thống quản lý kho bạc, quản lý thuế…

Việc liên tục thắng thầu với chính phủ các nước Campuchia, Bangladesh là bằng chứng cho thấy hướng đi này thực sự có triển vọng. Mảng thị trường này sẽ bù đắp cho sự sụt giảm chi tiêu cho CNTT trong nước trong những năm qua, giúp FPT tiếp tục tăng trưởng.

Đầu Tư

Ý kiến

()