Chúng ta

Nhiều nhân viên ngành phần mềm làm việc thông Tết

Thứ tư, 25/2/2015 | 08:39 GMT+7

Ngành công nghiệp phần mềm của Việt Nam mang tính "hướng ngoại" khá cao do phần lớn các doanh nghiệp ít nhiều đều tham gia làm phần mềm xuất khẩu hoặc làm dịch vụ phần mềm cho thị trường nước ngoài. Chính vì vậy, không có gì bất thường khi hàng chục ngàn nhân sự phải làm việc "xuyên Tết" để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Việc các công ty phần mềm yêu cầu nhân viên phải làm việc thông tết để thực hiện kịp tiến độ cho các dự án mà các công ty đã ký với đối tác nước ngoài là khá phổ biến.

Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty Phần mềm FPT (FPT Softwave) - công ty phần mềm lớn nhất Việt Nam với 7.000 nhân viên - cho biết trong dịp tết này, để đảm bảo tiến độ các dự án đã ký với đối tác nước ngoài, công ty đã phải bố trí khoảng 1.000 nhân sự làm việc thông tết. Trong số này, một số nhân viên phải làm việc trong nước, trong khi một số nhân viên của công ty làm việc thường xuyên tại các đơn vị thành viên của FPT Softwave tại 9 quốc gia như Đức, Mỹ, Nhật… không được về quê dịp Tết mà phải ở lại các nước để làm việc.

ba8da-anh-2-1834-1424766514.jpg

Nhân viên công ty phần mềm FPT làm việc vào ngày mùng 4 tết Ất Mùi 2015. Ảnh: Linh Anh.

Để động viên tinh thần cho những nhân viên làm việc thông tết, FPT Softwave đã đưa ra chính sách trả lương cho những ngày làm việc Tết của nhân viên gấp 2-3 lần so với ngày thường.

Tương tự, TMA, công ty phần mềm lớn thứ hai của Việt Nam với hơn 1.000 nhân viên, cho biết có rất nhiều nhân viên của công ty này tại nước ngoài (Mỹ, Canada, Nhật, Úc, Ireland...) phải làm việc xuyên Tết để đảm bảo tiến độ công việc, không được nghỉ để về Việt Nam đón Tết cùng với gia đình. Với các nhân viên làm việc trong nước, khi khách hàng gặp sự cố, cần hỗ trợ đột xuất thì họ vẫn phải làm việc, không khác gì ngày thường.

Đại diện một thương hiệu phần mềm khác, ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch Công ty BKAV, cho biết nhiều nhân viên của công ty phải làm việc như thường ngày vào dịp Tết.

Là doanh nghiệp phần mềm cung cấp dịch vụ an ninh mạng nên BKAV cần phải có nhân viên theo dõi tình hình an ninh mạng, virus cả trong những ngày Tết. Đơn giản là vì lúc người Việt nghỉ Tết thì tình hình an ninh mạng vẫn diễn biến như ngày thường, công ty cần phải có nhân viên theo dõi túc trực để cập nhật tình hình, đưa ra những mẫu nhận diện virus cập nhật nhất cho khách hàng sử dụng phần mềm chống virus của BKAV.

Bên cạnh đó, một số nhân viên làm việc tại trung tâm chăm sóc khách hàng của BKAV cũng phải đi làm để trực trả lời khách hàng qua điện thoại, giải đáp thắc mắc khi khách hàng gọi đến cần tư vấn và hỗ trợ khi sử dụng phần mềm chống virus.

Không chỉ các công ty phần mềm trên, nhiều công ty phần mềm khác như CMC, GHP Far East, Run System, Nec Solution, Luvina, Harvey Nash, Tinh Vân, Global Cybersoft... mỗi đơn vị cũng có vài chục đến hàng trăm nhân viên phải làm việc thông tết.

Hiện không có số liệu cho thấy có tổng số bao nhiêu nhân viên của toàn ngành phần mềm của Việt Nam phải đi làm việc thông tết. Song, theo ước tính của các chuyên gia, với hàng ngàn công ty phần mềm đang hoạt động tại Việt Nam, phải có tới hàng chục nghìn nhân viên của các công ty phần mềm phải làm việc thông tết Ất Mùi.

Kinh tế Sài gòn

Ý kiến

()