Chúng ta

Người trẻ 'đi để trở về', đóng góp cho quê hương

Thứ bảy, 30/12/2017 | 21:30 GMT+7

Xuất ngoại học tập và nhận được nhiều chế độ đãi ngộ, cơ hội phát triển ở nước ngoài, nhưng nhiều người Việt trẻ vẫn quyết định trở về nước để làm công việc sở trường, để lập nghiệp hay đơn giản muốn đóng góp cho quê hương nhiều hơn. Điểm chung của họ đều cho rằng Việt Nam hiện có nhiều điều kiện để phát triển.

Đặng Hoàng Vũ là một trong số những người Việt trẻ về nước để phát triển sự nghiệp. Với bảng thành tích xuất sắc cho 8 năm học tại Đại học, Thạc sĩ và làm Tiến sĩ tại Đại học Cambridge (Anh) chuyên ngành Toán, Đặng Hoàng Vũ ngay lập tức được tuyển vào vị trí kỹ sư nghiên cứu tại Tập đoàn HP với mức lương đáng mơ ước.

Anh Vũ đã có hơn 4 năm làm việc tại HP và theo đúng lộ trình, chỉ còn hơn một năm nữa sẽ đủ điều kiện được cấp visa định cư vĩnh viễn tại Anh. Năm 2014, sau hơn 12 năm sống, làm việc tại Anh với tiền đồ rộng mở, anh Vũ quyết định về nước và đầu quân cho FPT.

IMG-1896-GZQV-6647-1514627572.jpg

Đặng Hoàng Vũ, Lê Thái Sơn, Châu Thanh Vũ (lần lượt từ trái qua) - những người đi để trở về xây dựng quê hương.

“Chúng tôi đã rất lo lắng không biết khi Vũ về nước sẽ làm việc như thế nào, liệu có thích ứng được không bởi thực tế đã có rất nhiều bạn trẻ từ nước ngoài về sau 1 thời gian thấy môi trường làm việc không hợp, chế độ đãi ngộ không thỏa đáng, không có cơ hội phát triển bản thân đã phải xuất ngoại tiếp. Thậm chí nhiều người còn nói rằng Vũ về nước 1 thời gian sẽ “tỉnh đòn” ngay và sớm quay lại Anh”, bà Vũ Hương Giang – mẹ anh Vũ chia sẻ.

Trong bảng xếp hạng năm 2017 về quốc gia đáng sống và làm việc nhất thế giới do InterNations - trang web dành cho những người làm việc ở nước ngoài xếp hạng thì Việt Nam nằm ở vị trí thứ 12, vượt qua nhiều quốc gia châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Campuchia, Philippines...

Anh Vũ kể về những ngày đầu tiên làm việc ở một công ty Việt Nam là không thấy bị “khớp” gì với phong cách làm việc ở công ty nước ngoài. “Mọi thứ ở đây rất thoải mái, không quá câu nệ hình thức, nhân viên không cần phải đứng dậy chào sếp hay nịnh nọt để được thăng tiến và mọi người được tạo mọi điều kiện để phát triển bản thân. FPT là đang có rất nhiều bài toán công nghệ hấp dẫn và sở hữu kho dữ liệu khổng lồ để cho những người làm công nghệ khám phá và phát triển”, anh Vũ chia sẻ.

Tính đến thời điểm này, anh Vũ đã sống và làm việc tại Việt Nam được 3 năm. Anh vừa được tôn vinh là một trong 13 cán bộ công nghệ tiêu biểu nhất trong tổng số hơn 12.000 kỹ sư, lập trình viên, chuyên gia CNTT của tập đoàn. Đây là chương trình vinh danh cán bộ công nghệ của tập đoàn được thực hiện thường niên từ năm 2013 nhằm động viên, khuyến khích sự phát triển đội ngũ những người làm công nghệ.

Không chỉ riêng Đặng Hoàng Vũ, nhiều bạn trẻ khác sau khi "tầm sư học đạo", có cơ hội phát triển ở nước ngoài cũng đã về Việt Nam và đã thành công. Thế hệ 9X có Lê Thái Sơn - CEO của một hệ thống ẩm thực với hơn chục cửa hàng ở nhiều tỉnh thành. Cách đây 4 năm, tốt nghiệp xuất sắc chuyên ngành quản lý khách sạn tại Thụy Sỹ, Lê Thái Sơn đã quyết định về nước lập nghiệp khi nhận ra những mô hình kinh doanh thông minh của người bản xứ hoàn có thể áp dụng thành công ở Việt Nam.

Châu Thanh Vũ, nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành kinh tế, Đại học Harvard (Mỹ), có tương lai trước mắt là công việc ổn định, thu nhập cao (lương khởi điểm trung bình cho người tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế của Harvard là 170.000 – 200.000 USD/năm), môi trường nghiên cứu tốt. Tuy nhiên, Châu Thanh Vũ đã chọn con đường trở về, dù biết còn nhiều khác biệt trong cách làm việc của Việt Nam và nước ngoài.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, dù còn hạn chế nhưng Việt Nam đã có nhiều chính sách đãi ngộ nhân tài được ban hành. Một cuộc khảo sát với 500 du học sinh, giảng viên, nhà khoa học trẻ người Việt ở khắp nơi trên thế giới, 86% khẳng định rằng điều kiện tiên quyết để thu hút họ về Việt Nam là môi trường làm việc thuận lợi.

>> Nhân viên IT lương 1.500 USD nhờ biết AI, Big Data, Machine Learning

Tiền phong

Ý kiến

()