Chúng ta

Nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải đường sắt

Thứ tư, 16/8/2017 | 10:46 GMT+7

Ngành đường sắt đang nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, phục vụ hành khách: Tỷ lệ tàu Thống Nhất và tàu khu đoạn đi đúng giờ đạt hơn 99%, đến đúng giờ đạt từ 91 đến 93%; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong bán vé được triển khai hiệu quả; thử nghiệm hệ thống quản trị hàng hóa qua mạng.  

Tập trung khai thác tuyến ngắn

Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Ðường sắt Việt Nam (ÐSVN) Vũ Anh Minh, trong 6 tháng đầu năm, sản lượng vận chuyển hàng hóa và hành khách của ngành đã tăng trưởng trở lại dù tỷ lệ chưa cao. Các đơn vị trong ngành đã và đang thực hiện hàng loạt giải pháp nhằm thay đổi chất lượng dịch vụ và thái độ phục vụ vận tải đường sắt để lấy lại niềm tin của hành khách. "Bước đầu, ÐSVN đã chặn được đà xuống dốc từ tháng 5 vừa qua; sản lượng vận tải hành khách và hàng hóa đều tăng, nhưng chưa phải là kết quả bền vững. Chỉ cần sơ sẩy một vài vụ "lình xình", sẽ khiến hình ảnh của ngành xấu đi, rất khó lấy lại niềm tin trong mắt khách hàng", ông Vũ Anh Minh nhìn nhận.

Hiện nay, khai thác đường sắt tuyến dài bị mất lợi thế do hàng không giá rẻ lấn át, ÐSVN đã chuyển hướng tập trung khai thác tuyến ngắn nhằm lấy lại lợi thế cạnh tranh. Vận tải đường sắt Hà Nội có khoảng 500 toa xe, nhưng mới có khoảng 85 toa được cải tạo, đạt chất lượng cao. Nhược điểm tồn tại từ lâu của ngành đường sắt là chất lượng vệ sinh trên tàu rất kém. Tới đây, ÐSVN sẽ thuê đơn vị chuyên nghiệp làm vệ sinh hai đầu hành trình, trên hành trình sẽ do nhân viên đảm nhiệm.

Sáu tháng đầu năm nay, khối lượng vận tải hàng hóa đường sắt đạt hơn 3.719 triệu tấn.km, bằng 108,2%; doanh thu vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt hơn 2.268 tỷ đồng, bằng 108,4% so cùng kỳ năm trước.

Sáu tháng đầu năm nay, khối lượng vận tải hàng hóa đường sắt đạt hơn 3.719 triệu tấn.km, bằng 108,2%; doanh thu vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt hơn 2.268 tỷ đồng, bằng 108,4% so cùng kỳ năm trước.

Từ ngày 1/1/2015, hai Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội và Sài Gòn đi vào hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên, do ÐSVN nắm giữ 100% vốn điều lệ. Ngày 1/1/2016, hai công ty chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, tổng số lao động lên tới hơn 7.600 người. Sau một năm tái cơ cấu, cổ phần hóa, hai công ty này bị sụt giảm nghiêm trọng cả về sản lượng, doanh thu, cũng như thị phần vận tải và thu nhập người lao động. Vận tải đường sắt đang phải cạnh tranh quyết liệt với hàng không và đường bộ, trong khi hệ thống kết cấu hạ tầng và công nghệ cũ kỹ, lạc hậu. Hai công ty lại cùng cung cấp một loại sản phẩm, vì vậy không tránh khỏi cạnh tranh không lành mạnh, làm suy giảm nguồn lực chung.

Việc sáp nhập hai công ty sẽ tạo ra động lực để vận tải đường sắt đổi mới và phát triển. Nguyên tắc sắp xếp có mục đích hạn chế tối đa xáo trộn về tổ chức, giảm thiểu việc điều chuyển lao động từ địa bàn này sang địa bàn khác; bảo đảm mục tiêu tái cơ cấu mô hình tăng trưởng; nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và năng lực cạnh tranh của vận tải đường sắt; thu hút cổ đông chiến lược tham gia kinh doanh vận tải đường sắt; đa dạng hóa dải vé, tung ra hàng nghìn vé giá rẻ, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải; khai thác an toàn tối đa kết cấu hạ tầng hiện có; đóng mới toa xe, đưa đoàn tàu chất lượng cao vào hoạt động ở các cự ly ngắn… ÐSVN đang chuyển mình mạnh mẽ nhằm kéo lại thị phần hành khách.

'Số hóa' vận tải hàng hóa

Theo đại diện một doanh nghiệp chuyên về thương mại dịch vụ và vận tải, trước đây, nếu hàng hóa đi bằng tàu hỏa chuyên tuyến cố định hành trình như tàu khách, biết trước giờ xuất phát, giờ đến, doanh nghiệp nắm rõ được hàng hóa của mình đang ở đâu. Nếu đi bằng tàu thường, muốn tìm hiểu giờ xuất phát, giờ đến thì phải mất vài ba ngày, ngành đường sắt mới trả lời được. Sở dĩ có tình trạng này bởi toa xe chở hàng (nối theo tàu) tại ga xuất phát không phải đi suốt theo tàu đến ga mà dọc đường còn bị cắt, nối vào các đoàn tàu khác.

Trong khi đó, công tác nội nghiệp vận tải hàng hóa đường sắt vẫn thực hiện thủ công, toàn bộ ghi chép bằng sổ sách. Ðể tra cứu hàng hóa ở đâu, phải gọi điện hỏi điều độ, điều độ tra lại "đường đi" của toa xe từ sổ sách, thông tin ở các ga dọc đường, lòng vòng mất vài ba ngày mới có được thông tin trả lời khách hàng. Vì thế, doanh nghiệp không chủ động được kế hoạch xếp dỡ, đưa hàng. Ngoài ra, việc xin xe xếp hàng trong thời kỳ cao điểm hết sức khó khăn, phải chờ đợi rất lâu mới bố trí được. Thật ra, nguồn gốc sâu xa của việc o bế thông tin là do tiêu cực. Ðơn cử, cùng lúc có hai đến ba chủ hàng cùng muốn được cấp xe để vận chuyển, đương nhiên ai có thông tin về xe sẽ nắm quyền. Sẽ có người biết xe đó ở đâu nhưng không tiết lộ, cố tình gây khó dễ để chủ hàng phải trả thêm chi phí.

Phó Tổng giám đốc ÐSVN Phan Quốc Anh thừa nhận, đây là thực trạng chung của vận tải hàng hóa đường sắt nhiều năm qua, khiến chất lượng dịch vụ vận tải hàng hóa bằng đường sắt rất thấp, khách hàng chuyển sang vận tải bằng đường bộ hoặc đường biển. Nhằm cải thiện tình trạng này, ngành phối hợp Công ty Cổ phần FPT thử nghiệm hệ thống quản trị hàng hóa qua mạng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, công khai, minh bạch thông tin với khách hàng. Tiêu chí khi xây dựng hệ thống là theo dõi và quản lý được vị trí toa xe trên toàn mạng; thống kê được lịch sử vị trí, di chuyển trong mọi thời điểm.

Hệ thống sẽ số hóa toàn bộ tác nghiệp vận tải đường sắt; tất cả các chức danh tham gia vào quá trình vận tải; ai làm gì đều khai báo trên hệ thống và chỉ có một nền tảng thông tin chung cho tất cả cùng sử dụng, khai thác, có tài khoản đều truy cập được. Do đó, khách hàng dễ dàng xác định hàng hóa hiện ở đâu, di chuyển thế nào. Nhân viên kinh doanh cũng như người điều hành có thể vào hệ thống kiểm tra được toàn bộ trạng thái thương vụ toa xe (chở hàng hay rỗng, đang chờ xếp dỡ, bao giờ xong); các trạng thái kỹ thuật toa xe (vận dụng tốt hay hỏng, đang sửa chữa, sắp tới hạn bảo dưỡng định kỳ chưa) trên toàn mạng lưới cũng như tại ga. Nếu khách hàng có nhu cầu, ngay lập tức sẽ được trả lời có toa xe cấp hay không, loại xe gì, bao giờ có.

"Tới đây, chúng tôi sẽ xây dựng tính năng chủ hàng tự tra tìm vị trí hàng qua số hóa đơn gửi hàng; tiếp theo là xây dựng hóa đơn điện tử. Với tính năng này, chủ hàng hoàn toàn có thể giao dịch với đường sắt qua mạng Internet, email mà không cần đến trực tiếp", ông Bùi Thanh Bình, đại diện FPT, khẳng định.

Qua hệ thống, ngành đường sắt sẽ tính toán được cụ thể hệ số sử dụng, thời gian quay vòng toa xe, hệ số điều rỗng. Ðây là những thông số quan trọng, cung cấp thông tin tức thời, giúp cho lãnh đạo đường sắt cũng như các công ty vận tải ra các quyết định điều hành chính xác, nhanh chóng để cạnh tranh với các doanh nghiệp vận tải khác.

Lãnh đạo một đơn vị kinh doanh vận tải đường sắt chia sẻ: "Hệ thống quản trị hàng hóa sẽ tạo thuận lợi rất lớn trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ. Dù đang thử nghiệm, nhưng bất kỳ khách hàng nào yêu cầu thông tin về vị trí hàng hóa, thời gian dự kiến đến ga, đơn vị đều có thể tra cứu một cách nhanh chóng, chính xác; việc xin cấp xe cho khách hàng cũng vậy".

Sáu tháng đầu năm nay, khối lượng vận tải hàng hóa đường sắt đạt hơn 3.719 triệu tấn.km, bằng 108,2%; doanh thu vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt hơn 2.268 tỷ đồng, bằng 108,4% so cùng kỳ năm trước. Tính chung sản lượng toàn Tổng công ty thời gian qua đạt hơn 3.796 tỷ đồng, đạt 110,5% so cùng kỳ; doanh thu hơn 3.515 tỷ đồng, bằng 103,8%; thu nhập bình quân người lao động 7,4 triệu đồng/tháng, bằng 105,8% so cùng kỳ năm trước. (Nguồn: Tổng công ty Ðường sắt Việt Nam).

Nhân Dân

Ý kiến

()