Chúng ta

Muốn thành quốc gia khởi nghiệp cần thay đổi tư duy về khởi nghiệp

Chủ nhật, 25/9/2016 | 09:09 GMT+7

Nếu Việt Nam muốn trở thành một quốc gia khởi nghiệp thì chúng ta phải xây dựng luật riêng về khởi nghiệp, đồng thời phải thay đổi cả tư duy của chúng ta về vấn đề khởi nghiệp.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, đã cho biết như vậy, khi trao đổi với PV TBTCVN bên lề hội thảo quốc tế “Tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam-Bài học thực tiễn từ Israel”, do Đại sứ quán Israel phối hợp Tập đoàn FPT vừa tổ chức tại Hà Nội.

- Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về phong trào khởi nghiệp hiện nay của Việt Nam?

- Hiện nay, với tinh thần của Nghị quyết 35/NQ-CP hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “Năm 2016 là năm quốc gia khởi nghiệp”, phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam đang trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết, làn sóng khởi nghiệp đang lan tỏa mạnh mẽ. Tuy nhiên, đến hôm nay chúng ta chưa nên hài lòng về những gì đã đạt được vì cơ bản, chúng ta chưa có bước tiến lớn trong nhận thức về khởi nghiệp.

Nhà nước phải hiểu và phải học cách bị “mất tiền”. Đây là “trò chơi” đầu tư một lần thì “ăn” 10 lần, 10 lần thì "ăn" được 20 lần, hay còn gọi cách khác là đầu tư 1 “ăn” 2, nhưng trong 9 vụ "đổ bể"  thì phải xem đó là bình thường và xác định đó là luật của "trò chơi".

Tôi nghĩ phong trào khởi nghiệp Việt Nam đã có những diễn biến tích cực và đang được quan tâm nhưng chúng ta vẫn chưa đạt được số lượng như mong đợi. Thứ nhất, hiện nay ở Việt Nam mới chỉ có 20 quỹ đầu tư mạo hiểm, số lượng rất ít. Thứ hai, quy mô đầu tư vốn mới chỉ vài chục triệu đồng, trong khi đó quy mô vốn của các quỹ đầu tư và của doanh nghiệp khởi nghiệp (DN KN) nước ngoài là hàng tỷ USD…

Việt Nam cần phải vươn lên nhanh chóng để có thể theo kịp các DN khởi nghiệp của nước ngoài.

truong-Gia-Binh-FPT-2859-1474728212.jpg

- Hiện tại cơ chế chính sách là một trong những rào cản đối với các DN khởi nghiệp của Việt Nam, ông có nhìn nhận như thế nào về khó khăn này?

- Hôm nay, chúng ta có thể nhìn thấy không phải ngẫu nhiên Israel là một quốc gia khởi nghiệp thành công. Trước tiên là do Israel đã có một loạt các cơ chế chính sách được xây dựng từ mấy chục năm liền, điển hình như quỹ Yozma.

Cũng giống như Việt Nam, Israel từng có những nỗ lực ươm tạo các DN công nghệ dựa vào nguồn lực của nhà nước.

Tuy nhiên, thành công chỉ thực sự đến sau khi chính phủ giao phó nguồn lực của mình cho một tổ chức đầu tư mạo hiểm chuyên nghiệp, đó là Yozma, trụ cột đầu tiên của ngành đầu tư mạo hiểm ở quốc gia này.

Với mong ước biến Việt Nam thành một quốc gia khởi nghiệp như Israel, FPT đang hợp tác chiến lược với các quỹ và vườn ươm quốc tế để có thể tạo ra một môi trường khởi nghiệp sinh động cho mục tiêu 5.000 công ty công nghệ đến năm 2020. (Trương Gia Bình)

Nếu DN kiếm được 2 đồng đầu tư mạo hiểm thì nhà nước sẽ bỏ ra 1 đồng cùng với DN; khi DN bị mất tiền thì nhà nước coi như mất cùng DN nhưng khi DN được tiền thì nhà nước chỉ lấy lại vốn và lãi suất ngân hàng, còn lại thuộc về DN. Quỹ Yozma đã rất thành công để các DN bỏ tiền vào đầu tư cho quỹ mạo hiểm.

Thứ hai, giai đoạn mạo hiểm nhất chính là giai đoạn chỉ có ý tưởng, nhà nước cho 50 ngàn USD, tiếp theo nhà nước cho từ 500-800 USD để giúp DN thành công và sau đó thu lại chỉ có 3-5% doanh thu khi bán ra. Với vai trò của nhà nước như vậy nên đã tạo lợi ích rất lớn cho các DN KN.

Thực tế, cả thế giới đều tìm đến  Israel để săn và mua bán công nghệ khiến Israrel trở thành công ty xuất khẩu starup lớn thứ hai sau Mỹ. Kết quả rất rõ ràng và đó là điều mà Việt Nam cần phải làm để theo được khoảng cách còn rất xa đó.

- Cụ thể chúng ta cần phải thay đổi những gì, thưa ông?

- Thứ nhất, đầu tư là luật, đầu tư thông thường và đầu tư mạo hiểm phải khác nhau. Hiện nay chúng ta đang hòa luật đầu tư chung với đầu tư mạo hiểm vào một. Chúng ta còn thiếu nhiều luật riêng cho đầu tư mạo hiểm.

- Vậy theo ông, chúng ta cần có một luật riêng về khởi nghiệp?

- Nếu Việt Nam muốn trở thành một dân tộc khởi nghiệp thì chúng ta phải xây dựng Luật Khởi nghiệp và phải thay đổi cả tư duy về khởi nghiệp.

- Được biết, FPT có quỹ đầu tư mạo hiểm còn gọi là FPT Ventures, thu hút các đối tượng trong lĩnh vực công nghệ. Làm thế nào để các nhóm hay DN khởi nghiệp trong công nghệ sẽ được quỹ đầu tư mạo hiểm FPT chú ý và đâu là cơ hội để DN khởi nghiệp tiếp cận, thưa ông?

- Chúng tôi tiếp cận mở hoàn toàn. Đầu tiên các DN có thể dùng miễn phí hoàn toàn nền tảng đầu tiên về công nghệ mà FPT đã có. Các bạn cứ thử nghiệm ý tưởng và đã có các công cụ miễn phí để các bạn làm.

Khi có ý tưởng thì DN đến chia sẻ với  FPT Ventures và nếu có khách hàng đầu tiên thì sẽ có đầu tư vốn. FPT Ventures mong muốn mang đến cho các startup công nghệ tại Việt Nam cơ hội đưa những sản phẩm khởi nghiệp của mình lên tầm cao mới.

Với mong ước biến Việt Nam thành một quốc gia khởi nghiệp như Israel, FPT đang hợp tác chiến lược với các quỹ và vườn ươm quốc tế để có thể tạo ra một môi trường khởi nghiệp sinh động cho mục tiêu 5.000 công ty công nghệ đến năm 2020. FPT Vetures cam kết đi dài hạn cùng các khởi nghiệp.

Thời Báo Tài Chính

Ý kiến

()