Chúng ta

Mua lại RWE IT Slovakia, doanh thu thị trường châu Âu của FPT tăng 117%

Thứ ba, 10/3/2015 | 07:52 GMT+7

Nếu không tính doanh thu từ FPT Slovakia, mảng xuất khẩu phần mềm tăng trưởng 26%. Nhờ có thương vụ M&A này, doanh thu từ xuất khẩu phần mềm tăng 36%, đạt 2.928 tỷ đồng, tương đương 137 triệu USD.

Chốt lại những thao tác kế toán cuối cùng, Công ty Cổ phần FPT chính thức cho biết doanh thu năm 2014 đạt 35.130 tỷ đồng - tăng 23% so với năm 2013. Lợi nhuận trước thuế đạt 2.459 tỷ - giảm 2% nhưng phần lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ tăng 2% lên 1.632 tỷ đồng và theo đó, EPS năm 2014 của công ty là 4.746 đồng.

Theo FPT, tỷ suất lợi nhuận trước thuế những năm qua giảm là do các mảng có tỷ suất lợi nhuận thấp lại tăng trưởng nhanh. Nhưng lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ tăng so với năm trước là do những mảng có lợi nhuận tăng trong năm nay (như phân phối, phần mềm) là mảng mà FPT sở hữu 100%. Các mảng này có lợi nhuận tăng nhiều hơn các mảng mà FPT không sở hữu 100% nhưviễn thông, nội dung số…

MIK3915-JPG-7428-1425889584.jpg

Mua lại RWE IT Slovakia giúp FPT lên vị thế mới trên thị trường toàn cầu. Ảnh: FSO.

Mảng xuất khẩu phần mềm tăng trưởng 36%

Tháng 6/2014, FPT mua lại công ty RWE IT Slovakia và đổi tên thành FPT Slovakia. Với thương vụ này, FPT đã ký được hợp đồng có giá trị hàng chục triệu USD trong vòng 5 năm với công ty mẹ RWE. Nếu không tính doanh thu từ FPT Slovakia, mảng xuất khẩu phần mềm tăng trưởng 26%. Nhờ có thương vụ M&A này, doanh thu từ xuất khẩu phần mềm đã tăng trưởng 36%, đạt 2.928 tỷ đồng tương đương 137 triệu USD.

Riêng thị trường châu Âu, tính cả doanh thu từ FPT Slovakia, mức tăng trưởng ở đây lên tới 117% - một bước nhảy vọt so với năm trước.

Do nền tảng chi phí hoạt động tại Việt Nam thấp hơn các nước châu Âu, FPT đang tiến hành chuyển công việc từ Slovakia về Việt Nam. Theo đó, đội ngũ nhân viên Việt Nam sẽ tiếp quản công việc “gia công phần mềm” của công ty này, còn đội ngũ Slovakia có thể hỗ trợ chuyên môn về các mảng mà Việt Nam chưa có kinh nghiệm như hạ tầng công ích (điện, gas) để FPT có thể cung cấp dịch vụ trong ngành này trong tương lai.

Còn tại hai thị trường phần mềm trọng điểm còn lại của FPT là Nhật và Mỹ, cơ hội vẫn còn rất rộng mở.Theo Gartner, Mỹ vẫn là thị trường có mức chi cho ITO lớn nhất - xấp xỉ 396 tỷ USD, tiếp đến là thị trường Nhật Bản với 102 tỷ USD. Trong khi đó, năm 2014, tổng doanh thu xuất khẩu phần mềm của FPT mới đạt 137 triệu USD, nên còn nhiều cơ hội tăng trưởng.

Trong mảng công nghệ, yếu tố lớn nhất cho sự tăng trưởng là con người. FPT Software hiện đã có hơn 7.000 nhân viên. Do thị trường Nhật năm qua chiếm tới 45% doanh thu nên nhu cầu kỹ sư biết tiếng Nhật rất lớn. Theo đó, FPT đã có chương trình đào tạo, ký hợp đồng hợp tác với các trường đại học để đào tạo nhân viên về ngoại ngữ nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển và chiến lược toàn cầu hóa.

Thị trường trong nước vẫn khó khăn nhưng lợi nhuận năm 2015 có thể tăng vọt?

Từ 3 năm nay, kết quả kinh doanh từ mảng công nghệ tại thị trường nội địa (bao gồm giải pháp phần mềm, tích hợp hệ thống và dịch vụ công nghệ thông tin) của FPT vẫn đang gặp khó khăn do sự cắt giảm chi tiêu cho CNTT của khối doanh nghiệp Nhà nước và khó khăn của ngành ngân hàng.

Tuy nhiên, năm 2015 này, mọi chuyện có thể sẽ khác. Lý do là, khoảng 2.650 tỷ doanh số đã ký trong năm 2014 sẽ được ghi nhận trong năm 2015. Chính vì vậy, công ty dự kiến các mảng kinh doanh này dù tăng nhẹ về doanh thu nhưng lợi nhuận có khả năng phục hồi mạnh.

Đồng thời, cũng từ sự cắt giảm đầu tư công tại khối doanh nghiệp Nhà nước đã làm xuất hiện một xu hướng mới là thuê ngoàidịch vụ công nghệ thông tin. Đây sẽ là một trong các hướng đi của FPT trong thời gian tới. Năm 2014 đã ghi dấu ấn quan trọng khi FPT cung cấp hệ thống bán vé điện tử cho Tổng công ty đường sắt Việt Nam.

Bên cạnh đó, về khối viễn thông, với kế hoạch quang hóa hạ tầng chuyển đổi khách hàng thuê bao internet từ cáp đồng sang cáp quang, FPT kỳ vọng sẽ cung cấp được thêm nhiều dịch vụ trên hạ tầng này. Tuy nhiên, do làm trên diện rộng, tổng vốn đầu tư lớn và không được vốn hóa thành tài sản cố định nên chi phí của FPT đã tăng mạnh và ảnh hưởng đến lợi nhuận của mảng viễn thông. Dù doanh thu tăng 19% nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ tương đương năm 2013.

Nhắc đến FPT không thể không nhắc đến mảng phân phối bán lẻ vì doanh thu từ đây chiếm tới 65% tổng doanh thu với 22.730 tỷ năm 2014 nhờ xu hướng chuyển sang dùng điện thoại thông minh bùng nổ tại Việt Nam.FPT dự kiến năm 2015, thị trường smart phone vẫn tăng trưởng ít nhất 2 con số và theo đó, doanh thu mảng bán lẻ  của FPT có thể tăng 30% còn lợi nhuận tăng 3 lần từ 41 tỷ lên 122 tỷ. Cuối năm 2014, FPT có 163 cửa hàng, dự kiến mở thêm 50-60 cửa hàng trong năm 2015.

CafeF

Ý kiến

()