Chúng ta

Liên tiếp khủng hoảng, Uber có 'chết' như dự báo của ông Nguyễn Thành Nam?

Thứ ba, 20/6/2017 | 19:30 GMT+7

Uber đang gặp một chuỗi dài các khủng hoảng, liệu công ty khởi nghiệp khổng lồ này có “chết” như dự báo của ông Nguyễn Thành Nam, đồng sáng lập và cựu tổng giám đốc FPT?

Trong sự kiện “Đối thoại doanh nghiệp tỉ đô” do Tạp chí Nhịp cầu Đầu tư tổ chức tuần trước, ông Nguyễn Thành Nam đã có câu hỏi thú vị dành cho đại diện 3 doanh nghiệp tỉ đô tại Việt Nam rằng, Uber quý I/2017 tiếp tục lỗ hơn 700 triệu USD mặc dù dịch vụ rất tốt, khách hàng hài lòng. Liệu kiểu doanh nghiệp như Uber có tồn tại được không?

Cả 3 đại diện doanh nghiệp doanh thu hơn 1 tỷ USD là Thế Giới Di Động, Vietjet, Massan Nutri Science đều tin tưởng khả năng thành công của công ty khởi nghiệp nổi tiếng toàn cầu. Họ lý giải Uber có sản phẩm tốt, có khách hàng thì dù có lỗ vẫn sẽ tìm được cách mang lại lợi nhuận, vấn đề chỉ là thời gian.

Có quan điểm trái ngược với cả 3 vị trên, cựu Tổng giám đốc tập đoàn FPT, hiện là Phó chủ tịch HĐQT Trường Đại học FPT, đồng ý rằng xu hướng kinh tế chia sẻ phải diễn ra, tuy nhiên Uber là công ty đi đầu, mà đi đầu thì dễ “chết”. Có thể doanh nghiệp cũng theo xu hướng nhưng đi sau Uber sẽ thành công.

Ông Nam còn nói vui khi muốn cá cược với 3 lãnh đạo công ty khách mời rằng trong vòng 5 năm nữa Uber có còn lỗ không. “Cứ lỗ hoài như vậy chắc phải thôi (ngừng kinh doanh - PV)”, một trong những người sáng lập FPT từ những ngày đầu dự đoán.

Dù những lý do ông Nam đưa ra không liên quan đến chuỗi sự kiện gần đây của Uber nhưng những khủng hoảng mà công ty này gặp phải đang có chiều hướng củng cố kết luận của ông. Liệu Uber có “thôi” sau những rắc rối từ đầu năm đến nay hay họ sẽ vượt qua khó khăn? Một câu hỏi khó có lời đáp.

hinh-1-2878-1497241202.jpg

Ông Nguyễn Thành Nam (cầm micro) trong chương trình "Đối thoại cùng doanh nghiệp tỷ đô".

Chuỗi tai ương

Vận xui đầu năm của Uber được đánh dấu bằng động thái tẩy chay Uber hồi tháng Giêng năm nay với lời kêu gọi xoá ứng dụng gọi xe này khỏi smartphone lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội Twitter với hastag #DeleteUber.

Chiến dịch này thực chất là một sự trả đũa Uber vì đã có động thái khiêu khích và góp phần vô hiệu hoá cuộc đình công do Liên minh Taxi của thành phố New York, với đa số thành viên của nghiệp đoàn là người nhập cư đến từ khắp nơi trên thế giới, tổ chức nhằm phản ứng lại lệnh hạn chế nhập cư của tân Tổng thống Mỹ.

Trong tháng Hai, cú sốc tiếp theo dành cho start-up gọi xe lừng danh này đã đến qua những bài viết phơi bày thực trạng phân biệt đối xử theo giới tính và những vụ quấy rối tình dục trong công ty qua lời kể của Susan Fowler, một cựu kỹ sư của Uber.

Đây chính là hồi chuông báo động về vấn đề văn hoá công ty có thể tác động lớn đến sức mạnh của Uber và có thể gây ra đại khủng hoảng nếu không được xử lý đúng đắn.

Vào những ngày cuối tháng Hai, Uber tiếp tục nổi bật trên mặt báo trước cáo buộc đánh cắp bí mật thương mại từ Waymo, công ty xe tự lái trực thuộc Alphabet (Google).

Ngay sau đó, một đoạn video về cuộc cãi nhau nảy lửa giữa CEO Uber và tài xế Uber về vấn đề giá cước ngay trên xe đã xuất hiện trên mạng tiếp tục chuỗi khủng hoảng truyền thống từ trước của công ty này.

Song song với những khủng hoảng truyền thông, Uber phải đương đầu với khó khăn về nhân sự khi hàng loạt lãnh đạo cấp cao hoặc từ chức hoặc bị sa thải chỉ trong vài tháng trở lại đây.

Mới đây nhất vào ngày 13/6, CEO kiêm nhà sáng lập Travis Kalanick tuyên bố tạm vắng mặt khỏi công ty một thời gian nhằm tưởng nhớ người mẹ vừa qua đời bởi tai nạn.

Tiếp theo đó là David Bonderman, thành viên ban quan trị Uber đã nộp đơn xin từ chức sau khi ông này có bình luận mang tính chất phân biệt giới tính tại cuộc họp công ty cùng ngày.

Trước đó, từ tháng Hai đến đầu tháng Sáu, đã có một loạt lãnh đạo của Uber rời khỏi công ty vì nhiều lí do: phó chủ tịch cấp cao phụ trách kỹ thuật Amit Singhal, chủ tịch phụ trách về thương hiệu Jeff Jones, giám đốc truyền thông Rachel Whetstone, giám đốc kinh doanh Emil Micheal.

Và hiện tại thì hầu hết các ghế lãnh đạo chủ chốt của Uber, từ COO, CFO, CMO và giờ đến CEO đều đang được để trống. Quả là một thách thức không nhỏ cho Uber khi một con tàu đang băng trên mặt biển nhưng thiếu vắng thuyền trưởng và các thành viên quan trọng.

Lối thoát nào cho Uber?

Trong giai đoạn khủng hoảng suốt thời gian qua, bản thân Uber cũng đã có những động thái để hạn chế sự tác động của những tin tức xấu.

Tuần trước, Uber đã sa thải hơn 20 nhân viên liên quan đến những vụ quấy rối ngay sau khi có kết quả các cuộc điều tra được tiến hành bởi một công ty luật. Đây được xem như động thái thể hiện sự tích cực thay đổi nhằm cải thiện văn hoá doanh nghiệp nhằm xoa dịu làn sóng phản đối của lao động trong công ty.

Ban quản trị công ty cũng duy trì những cuộc họp kịp thời nhằm đưa ra quyết định về mặt nhân sự để thay máu lớp lãnh đạo cũ nhằm tích cực tạo ra hội đồng quản trị tài ba nhằm dìu dắt Uber bước qua những khó khăn. Nhưng có vẻ như hành động sa thải và từ chức đã diễn ra khá quyết liệt, nhanh chóng đến mức chưa kịp tìm được nhân lực phù hợp để thay thế nên để lại khá nhiều ghế trống.

Uber cũng có những thay đổi mang nhiều tính biểu tượng nhiều hơn thực tế như đổi tên phòng hợp từ “Phòng chiến tranh” (War room) thành “Phòng hoà bình” (Peace room) cũng như dự định xoá bỏ nhiều giá trị trong văn hoá công ty.

Uber cũng đang nỗ lực cải thiện hoạt động nhân sự và nâng cao chất lượng sống của nhân viên công ty, đồng thời đề ra những nội quy nghiêm ngặt hơn với những quy định liên quan đến đồ uống có cồn, chất cấm, quan hệ tình cảm nhằm tạo ra môi trường làm việc lành mạnh, mang lại tích hiệu thay đổi tích cực về văn hoá công ty.

Nhưng tất cả những thay đổi trên liệu có bền vững và đủ sức vực dậy Uber?

CEO Travis Kalanick đã tạm vắng mặt với lời tuyên bố sẽ tự nâng cấp mình lên phiên bản Travis 2.0 để xứng đáng với Uber 2.0. Và Business Insider đã nhanh chóng đưa ra ý kiến rằng: Ngay cả khi Travis quay lại với phiên bản nâng cấp của mình, thì Uber cũng không thực sự cần thiết sự điều hành của “Travis 2.0”.

Có một mâu thuẫn là Uber sẽ không còn là chính mình nếu đánh mất định hướng được Travis thiết lập ban đầu là theo đuổi mục tiêu gần như độc quyền, mất nhiều tiền để duy trì vị thế độc tôn trong ngành, chiếm lĩnh thị trường dịch vụ gọi xe.

Đã đến lúc Uber cần thay đổi, trước hết là về văn hoá công ty và tư duy của ban lãnh đạo, ít nhất là để tìm kiếm lợi nhuận nhằm trấn an các nhà đầu tư.

Theo nhận định của Wired, ban quản trị của Uber, tương tự như nhiều công ty công nghệ khác, có cấu trúc “nhà sáng lập là số một”, Kalanick và một vài liên minh sẽ chiếm phần lớn quyền biểu quyết của Uber. Như thế thì họ có ảnh hưởng cực lớn đến quyết định của công ty. Và nếu có thể tái cấu trúc sang điểm ít tập trung vào nhà sáng lập thì công ty sẽ có nhiều lựa chọn tốt hơn để tạo ra văn hoá lành mạnh hơn, thay vì bị chi phối bởi tư duy của nhà sáng lập.

Nhưng thực tế thì start-up gọi xe hàng đầu này vẫn đang sống tốt với nhiều tín hiệu kinh doanh lạc quan khi doanh thu quý 1 tăng lên mức 3,4 tỷ USD, lỗ giảm xuống còn 708 triệu USD.

Rõ ràng, người dùng Uber có suy nghĩ khá thực tế, họ có thể sử dụng Uber vì lợi ích mà dịch vụ này mang lại trong khi vẫn tiếp thu có chọn lọc những tin tức từ truyền thông hay mạng xã hội.

Khủng hoảng đã khiến Uber bị mất bớt thị phần vào tay các đối thủ như Lyft tại thị trường Mỹ. Nhưng chính sự tranh giành miếng bánh thị phần với những đối thủ còn cách khá xa về thực lực sẽ giúp Uber tỉnh táo và chịu khó thay đổi để mạnh mẽ hơn thay vì đứng yên ở vị trí độc tôn trong lĩnh vực dịch vụ gọi xe mới mẻ.

Và khi nói về giải pháp để “sửa chữa” Uber, The New York Times đã đưa ra nhận định: Thay vì chỉ cứ ngồi và hy vọng những thay đổi tích cực từ Uber, mỗi người dùng hãy suy nghĩ hai lần trước khi chạm vào ứng dụng gọi xe này trên điện thoại, vì nếu Uber vẫn còn tệ hại sau cơn khủng hoảng, thì ta chỉ có thể đổ lỗi cho bản thân về sự dễ tính của mình.

ICTNews

Ý kiến

()