Chúng ta

Khó giám sát kiểm định đại học

Chủ nhật, 15/1/2017 | 10:19 GMT+7

Theo các chuyên gia và lãnh đạo trường đại học, nếu triển khai việc kiểm định đại học như hiện nay thì không biết bao giờ 271 trường mới được kiểm định xong, hơn nữa xã hội cũng khó kiểm soát được chất lượng.

Dễ rơi vào tình trạng tháo khoán

Theo tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT, kiểm định là việc đáng lẽ phải làm từ lâu. Giáo dục ĐH là một lĩnh vực có điều kiện, đơn vị nào đã qua kiểm định mới được phép cung cấp dịch vụ cho xã hội. “Mình hoạt động chán chê rồi mới kiểm định là ngược. Cả nước hiện nay chỉ có 4 trung tâm kiểm định, trong khi số lượng trường đông (271 trường), với cách thức kiểm định như hiện nay thì không biết bao giờ mới kiểm định xong! Có kiểm định, dù muộn, thì vẫn tốt hơn. Phải làm sao đừng để quá tốn kém nguồn lực cho các trường, và việc kiểm định lại mang tính hình thức khiến các trường dùng dằng không muốn làm. Đến khi Bộ ép thì một loạt trường làm, dễ rơi vào tình trạng tháo khoán”, ông Tùng cảnh báo.

sinh-vien-4-9384-1482818954-3823-1484360

Sau 10 năm đi vào hoạt động, Trường ĐH FPT bắt đầu khẳng định được vị trí trong giáo dục đại học Việt Nam và đặt những dấu mốc nhất định trên con đường vươn ra thế giới.

Còn PGS-TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, cho rằng các trường phải xác định mục tiêu kiểm định không phải là để đạt hay không đạt mà là thông qua hoạt động kiểm định để nhận thức mình còn yếu chỗ nào, từ đó có kế hoạch tổng thể nâng cao chất lượng đào tạo.

GS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại, cũng cho rằng thực ra kiểm định chỉ là một thủ tục có tính pháp lý, còn để tạo được uy tín, vị thế của mình trong hệ thống giáo dục ĐH thì các trường phải làm rất nhiều việc khác, phải phát triển theo xu hướng thúc đẩy chất lượng. “Cũng sẽ có chuyện có trường hợp “mượn” kiểm định để đánh lừa dư luận xã hội nhưng cũng chỉ có hiệu quả trong một thời gian ngắn. Thực tế cho thấy việc chọn trường hiện nay của thí sinh không phải vì kết quả kiểm định mà là dựa trên hiệu quả thực tế đào tạo của mỗi trường”, GS Sơn nhìn nhận.

Nhiều quy định nặng tính hình thức

Nhiều chuyên gia và lãnh đạo trường đại học cho rằng hoạt động kiểm định như hiện nay chưa thực sự hiệu quả, thậm chí gây phiền nhiễu cho các đơn vị được kiểm định khi mà rất nhiều quy định về kiểm định nặng tính hình thức, không đánh giá được thực chất hoạt động của trường đại học.

“Ví dụ Bộ yêu cầu bằng chứng là biên bản các cuộc họp trong 5 năm trở lại đây. Giả sử trường nào chưa hoạt động được 5 năm thì sao, chẳng lẽ không cho họ kiểm định? Kiểm định là thời điểm hiện tại, để yên tâm là trường đảm bảo hoạt động được. Giờ bắt các trường lôi biên bản họp, quyết định đi công tác 5 năm gần đây để ngồi xem, nhìn cái đống đó là chán chẳng muốn làm!”, ông Lê Trường Tùng than phiền.

GS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD-ĐT, nhận xét quy định hiện hành về kiểm định vốn rất nhiều nội dung (10 tiêu chuẩn, 61 tiêu chí), dự thảo mới nhiều hơn gấp đôi. “Phải thu gọn thế nào cho người ta dễ nhớ, dễ thực hiện”, GS Thiệp nói.

Ông Tùng cũng nhận xét: “Kiểm định của mình dường như để nhân tiện thì phân tầng xếp hạng luôn, trong khi kể cả để xếp hạng, quốc tế họ cũng không cần đến hàng trăm điều khoản như thế. Trường FPT đăng ký rồi nhưng đang thấy nản vì thấy làm cho được thì rách việc quá. Để làm nhanh, đi đúng thực chất thì phải gộp vào, các tiêu chí phải rõ ràng”.

Thanh niên

Ý kiến

()